Các chiến binh thánh chiến ở Burkina Faso đã sát hại 35 dân thường, chủ yếu là phụ nữ, sau khi tấn công một tiền đồn quân sự ở phía bắc tỉnh Soum.
Một người lính của quân đội Burkina Faso. Ảnh: Guardian |
Các nhà chức trách cho biết, hôm 24/12, bạo lực đã bùng phát ở thị trấn Arbinda (Burkina Faso) gần biên giới giáp với Mali và kéo dài trong vài giờ. 7 thành viên của lực lượng an ninh đã thiệt mạng, trong khi 80 phiến quân được báo cáo là đã bị tiêu diệt.
Trong số các nạn nhân dân sự, 31 người là phụ nữ. Hiện chưa rõ họ đang ở đâu vào thời điểm xảy ra vụ tấn công.
Tổng thống Roch Marc Kaboré tuyên bố sẽ có hai ngày quốc tang tại quốc gia Tây Phi này để tưởng nhớ các nạn nhân.
Ông Roch Marc Kaboré nói rằng hành động của những người lính đã vô hiệu hóa 80 tên khủng bố.
Hiện chưa có nhóm nào đứng ra nhận trách nhiệm về vụ tấn công.
Theo Liên hợp quốc, các vụ tấn công thánh chiến đã thường xuyên xảy ra ở Burkina Faso kể từ đầu năm 2015 đến nay, khiến hơn 700 người thiệt mạng và khoảng 560.000 người phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn.
Kể từ tháng 11, lực lượng an ninh Burkina Faso đã tiêu diệt khoảng 100 tay súng thánh chiến trong nhiều chiến dịch truy quét.
Tháng 11, ít nhất 37 người đã thiệt mạng khi nhóm thánh chiến phục kích một đoàn xe chở nhân viên công ty khai thác quặng Semafo của Canada.
Các cuộc tấn công đã gia tăng trong năm nay khi quân đội Burkina Faso được trang bị, huấn luyện kém.
Các nhà lãnh đạo của các quốc gia G5 Sahel đã tổ chức các cuộc hội đàm thượng đỉnh ở Nigeria hồi đầu tháng 12, kêu gọi hợp tác chặt chẽ hơn và hỗ trợ quốc tế trong cuộc chiến chống lại mối đe dọa từ khủng bố.
Bạo lực vũ trang đã lan rộng khắp khu vực Sahel rộng lớn, đặc biệt là ở Burkina Faso và Nigeria, từ khi các nhóm vũ trang nổi dậy ở miền bắc Mali vào năm 2012.
Vùng Sahel của Châu Phi nằm ở phía nam sa mạc Sahara và trải dài trên bề rộng của lục địa châu Phi.
Nhóm G5 được tạo thành từ Chad, Burkina Faso, Mali, Mauritania và Nigeria, những đội quân nghèo khó có sự hỗ trợ của các lực lượng Pháp cũng như Liên Hợp Quốc ở Mali.
Mộc Miên (Theo The Guardian)