(ĐSPL) - Ngồi ở chiếc ghế trước sân Tòa phúc thẩm TANDTC tại TP.HCM, cụ Dương Thị A. (81 tuổi) không thể ngăn nổi cơn nấc nghẹn, nước mắt cứ ứa ra, lăn dài trên những nếp nhăn. Cụ bảo, con gái cụ là Cao Thị ánh T. vốn xinh đẹp, dễ thương, ngoan hiền nhưng lại gặp nhiều trắc trở trong đường tình duyên rồi chết tức tưởi...
Hạnh phúc đầu tan vỡ
Chị T. (SN 1977) không được học hành đến nơi, đến chốn, nhưng với nước da trắng ngần, cái mũi dọc dừa, đôi mắt to cùng giọng nói nhẹ nhàng nên đến tuổi cập kê có khá nhiều người thanh niên tán tỉnh. Chị từng tâm sự với mẹ: "Con không muốn có nhiều đàn ông đeo đuổi. Con chỉ mong mình sẽ gặp được người có thể trở thành bờ vai vững chãi cho con dựa dẫm suốt đời". Lúc đó, cụ A. cũng mong, con gái sẽ thỏa ước nguyện.
Cụ A. bên di ảnh của con gái. |
Bước qua tuổi 20, chị T. phải lòng một thanh niên gần nhà. Cụ cũng ưng ý thanh niên này. Thế nhưng, chỉ sau đám cưới được vài hôm, cụ xót xa khi con gái về nhà rấm rứt khóc cho biết bị chồng đánh. Rồi sau đó, cảnh ấy cứ lặp đi, lặp lại hoài. Mỗi lần như thế, cụ chỉ biết khuyên con cố kìm nén để bảo vệ hạnh phúc gia đình.
Có lần, chị T. về nhà, sau khi tâm sự thì hỏi mẹ: "Hay là con ly hôn". Cụ A. lặng người, biết con gái đau đớn lắm mới thốt ra những lời ấy. Tuy nhiên, theo ý cụ, nếu vẫn còn cứu vãn được thì hãy sống với nhau. Bởi, tình nghĩa vợ chồng rất thiêng liêng, lại còn đứa con còn nhỏ. Nếu, vợ chồng chia tay thì nỗi bất hạnh lớn nhất sẽ rơi xuống đầu đứa trẻ.
Chị T. nghe lời mẹ, cam chịu cuộc sống không hạnh phúc trong khoảng thời gian dài. Tuy nhiên "con giun xéo lắm cũng quằn", khi vượt quá giới hạn, chị T. quyết định viết đơn ly hôn. Đến lúc này, cụ A. chỉ biết nhắm mắt gật đầu. Ngày con gái ra tòa giải quyết ly hôn, cụ cứ khóc hoài. Cụ khóc, bởi niềm tin của mình đã đặt nhầm chỗ và khóc vì lo cho tương lai của đứa cháu ngoại bé bỏng.
Sau ly hôn, đứa con theo cha, còn chị T. dọn về sống cùng mẹ. Cụ A. thắt lòng khi thấy con gái cứ thở dài suốt ngày. Cụ khuyên chị T. nên kiếm việc gì đó làm thì mới có thể vượt qua được cú sốc hôn nhân. Sau thời gian suy tính, chị T. quyết định mở quán bán bún riêu vào buổi sáng. Với vẻ đẹp vốn có cùng sự dịu dàng, cẩn thận sạch sẽ, quán của chị khá đắt khách.
Cuộc tình chắp vá
Trong những vị khách quen của chị T., có một người đàn ông tên là Phạm Văn Nhàn (SN 1971, ở huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai). Ban đầu, chị cũng không để ý nhiều đến gã. Thời gian trôi, chị bắt đầu cảm tình, bởi gã thường kể về cuộc đời của mình. Gã từng có một đời vợ nhưng đã ly hôn. Gã bảo, muốn kiếm một người phụ nữ để chắp nối duyên tình. Đồng cảm hoàn cảnh, chị nảy sinh tình cảm với gã từ lúc nào không hay.
Hôm chị T. dắt Nhàn về nhà giới thiệu bạn trai mới, cụ A. không nói gì. Tuy nhiên, chỉ vài hôm sau, cụ nghe một người bà con kể, Nhàn là người đàn ông lười biếng, vô công rồi nghề lại hay đánh đập vợ con. Vì lý do này, gã đã bị vợ bỏ. Cụ A. dự cảm lại có điều không hay với con gái mình. Đêm đó, cụ ngồi tâm sự, khuyên con gái không nên quan hệ mà chấm dứt tình cảm với gã.
Vì tình cảm chị T. dành cho Nhàn quá sâu đậm nên đã bỏ qua lời khuyên của mẹ. Chị quyết tâm đến với gã. Trước sự phản đối của gia đình, chị rơi nước mắt: "Cuộc hôn nhân đầu của con đã tan vỡ. Nay, con chỉ muốn có một gia đình hạnh phúc riêng của mình. Con mong mọi người chấp thuận". Điều hiển nhiên, trước những lời tha thiết ấy, có người mẹ nào lại nỡ từ chối và cụ A. cũng vậy.
Chị T. và Nhàn đăng ký kết hôn. Trong thâm tâm, cụ A. vẫn lo sợ cho tương lai của con gái. Do đó, cụ cắt một phần đất ở cạnh nhà mình cho vợ chồng Nhàn cất nhà. Bởi, theo cụ, khi con gái ở gần, lỡ có chuyện gì mình cũng có thể sang can thiệp. Cảnh yên ấm ấy bắt đầu tan vỡ khi hai đứa con lần lượt ra đời. Nhàn thay đổi tính nết. Gã không nhậu nhẹt nhưng lại mê mẩn với cá độ đá gà, cờ bạc. Không chỉ thế, gã bắt đầu nhận thấy tuổi già đang đuổi sau lưng mình, còn vợ vẫn trẻ đẹp rạng ngời. Từ đây, những cơn ghen bóng, ghen gió cứ đổ xuống mái ấm nhỏ.
Tận cùng bi kịch
Quá khứ lặp lại, nước mắt tràn về cuộc đời chị T.. Một lần nữa, chị không chịu đựng nổi một người chồng không lo lắng gì cho gia đình, suốt ngày cắm đầu vào cờ bạc, đêm về lại đánh đập vợ. Tháng 9/2013, chị nấc nghẹn khi lần thứ hai viết đơn xin ly dị. Lần này, chị không dám kể với mẹ.
Nhận được đơn ly dị từ vợ, Nhàn chỉ im lặng ký. Vài hôm sau, gã vẫn ở trong nhà. Lựa lúc vợ đi vắng, gã gọi người đến bán bộ bàn salon và chiếc máy giặt, là hai vật có giá trị nhất trong nhà. Gã cất tiền vào túi, âm thầm dọn về nhà cha mẹ ruột sống, không một lời từ biệt ai.
Nửa tháng liền, Nhàn không một lần trở về để níu kéo hạnh phúc. Vì vậy, chị T. càng quyết tâm với ý định ly hôn của mình. Vào một đêm tháng 10/2013, Nhàn về nhà, mở cửa, thấy chị T. đã ngủ nên lẻn vào nằm bên cạnh. Chị phát hiện, ngồi dậy, lấy mấy bộ áo quần bỏ đến nhà người thân ở lại bốn ngày. Sau đó, biết chắc Nhàn đã về nhà cha mẹ ruột, chị mới quay về lo cho hai con.
Vào đêm 20/10/2013, cụ A. gọi con gái sang nhà mình ăn bánh bèo. Cụ chờ đến khuya, mệt quá nên ngủ mất. Rạng sáng hôm sau, thức giấc, thấy con gái vẫn chưa qua, trong lòng cảm thấy bồn chồn. Cụ sang nhà con gái, thấy cửa trước khóa nhưng điện bên trong vẫn mở. Cụ đi ra phía sau, ghé mắt vào thì phát hiện ở phòng tắm có máu. Cụ nghi ngờ có điều không hay xảy ra nên cầu cứu hàng xóm. Mọi người phá cửa xông vào thì chị T. đã chết. Cùng ngày, cụ đau đớn được biết Nhàn chính là hung thủ gây ra vụ án.
Nhàn bị tăng hình phạt lên chung thân. |
Cụ bảo, trước đây, Nhàn bị Tòa sơ thẩm tuyên phạt 19 năm tù giam về tội giết người. Theo cụ, mức án này là quá nhẹ nên viết đơn kháng cáo đề nghị tăng mức án đối với Nhàn. Đứng trước HĐXX phiên phúc thẩm, cụ vừa khóc vừa nói: "Không ai có thể hiểu được một người mẹ phải nhìn thấy cảnh con gái chết ngay trước mắt như thế nào. Tôi đã suy nghĩ rất nhiều nên mới viết đơn đề nghị tăng mức phạt đối với Nhàn. Với hành vi Nhàn đã gây ra cho con tôi, chỉ có mức án chung thân hoặc tử hình mới xứng đáng".
Vào ngày 9/10/2014, tòa phúc thẩm nhận định cấp sơ thẩm phạt 19 năm tù về tội giết người đối với Nhàn là nhẹ. Do đó, tòa chấp nhận đơn kháng cáo của gia đình bị hại, tăng hình phạt, tuyên án chung thân đối với Phạm Văn Nhàn. Cụ A. run rẩy bước ra khỏi phiên tòa, nước mắt nhạt nhòa chia sẻ: "Tôi biết, mình đề nghị tăng án đối với con rể là có phần bất nhẫn. Nhưng, tôi tin rằng, mức án nghiêm khắc như thế mới có thể làm bài học cho những người chồng khác. Tôi cũng hy vọng rằng, con gái tôi sẽ là người vợ cuối cùng bị chồng sát hại".
Sát hại vợ rồi tự tử bất thành Đứng trong vành móng ngựa, Nhàn khai nhận, kết hôn với chị T. hơn 10 năm. Đầu năm 2013, vợ chồng thường xảy ra mâu thuẫn. Chị T. quyết định ly hôn. Khoảng 19h ngày 20/10/2013, Nhàn về nhà chung của hai vợ chồng, lẻn vào chuồng heo theo dõi chị T.. Thấy vợ cởi đồ tắm, Nhàn chạy vào ôm, xin hàn gắn tình cảm. Chị T. không đồng ý. Nhàn vào nhà bếp lấy con dao rồi quay ngược lại nhà tắm đâm một nhát vào lưng vợ. Chị T. ngã gục. Nhàn tiếp tục đâm một nhát nữa vào cổ khiến nạn nhân chết tại chỗ. Thấy vợ nằm im, Nhàn bế vào phòng ngủ, lấy khăn lau máu, mặc quần áo, đắp chăn, thả màn. Sau đó, Nhàn lấy gói thuốc trừ sâu pha với nước uống rồi lái xe về nhà cha mẹ ruột. Đến nhà, Nhàn bất tỉnh và được mọi người đưa đi cấp cứu nên thoát chết. |