Dù đã trở về từ “cõi chết”, nhưng mỗi khi nhắc đến quãng đời 4 năm làm vợ ở xứ người, chị vẫn chưa thôi ám ảnh, sợ hãi, tủi nhục. Bao nhiêu nỗi cay đắng, uất hận ấy lại do chính người bạn thân của chị gây nên.
Người phụ nữ có quãng đời bất hạnh ấy là chị Phan Thị Liệu (SN 1980, trú thôn Tam Đa, xã Quảng Lưu, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình).
Tin bạn, mất cả tương lai!
Biết chúng tôi muốn tìm hiểu chuỗi ngày cay đắng tủi nhục trong cuộc đời chị, chị Liệu không chút ái ngại kể lại câu chuyện thấm đẫm nước mắt cuộc đời mình, khi bị chính một người bạn thân lừa bán sang Trung Quốc.
Trong căn nhà tình nghĩa, với dáng người gầy guộc và đôi mắt ứa lệ, chị Liệu kể, lúc còn trẻ, vì nhà đông anh em, gia cảnh nghèo khó nên chị phải nghỉ học sớm để đi làm thuê giúp đỡ gia đình. Đến tuổi đôi mươi, nhờ mai mối, chị nên duyên cùng một anh chàng tên Ào ở xã bên và có một con trai.
Cũng bởi cái nghèo mà cuộc sống gia đình không trọn vẹn. Sau khi ly hôn, một mình chị bươn bả kiếm sống nuôi con. Để có tiền lo cho tương lai của con, chị quyết định vào Sài Gòn phụ việc cho một gia đình.
Nơi đất khách, chị tình cờ quen một người bạn tên L.T.H. (SN 1978), cùng cảnh ngộ, cùng quê. Đôi bạn ngày một trở nên thân thiết. Sau này khi đã về lại quê hương, chị vẫn thường xuyên qua nhà H. chơi.
Năm 2006, H. rủ chị Liệu sang Trung Quốc chơi, đồng thời nhờ người kiếm việc làm. Tin bạn, chị Liệu gói ghém hành lý theo H. tới cửa khẩu Móng Cái (Quảng Ninh), sau đó vượt biên trái phép sang Trung Quốc. Hai người bắt xe đi suốt nửa ngày đường, tới một nơi toàn rừng núi heo hút thì H. tạt vào một ngôi nhà. Họ nói thứ ngôn ngữ mà chị Liệu không hiểu. Những người đàn ông ở đây nhìn chị từ đầu đến chân với ánh mắt soi mói và thô thiển khiến chị sợ hãi, nhất quyết đòi về.
Nhưng H. nói đây là nhà người quen của H. và rủ chị Liệu ở lại một vài hôm. Ba ngày sau, H. lấy cớ đi có việc và bỏ về nước. Lúc này một “tú bà” mới nói với chị Liệu bằng tiếng Việt: “Em đã bị con H. bán rồi, từ giờ em phải nghe lời chị làm việc mới có tiền chuộc thân". Chị không đồng ý, một mực khóc lóc đòi về nhưng bọn chúng nạt nộ, đánh đập, sợ quá nên chị phải nghe theo.
Ngôi nhà tình nghĩa được chính quyền địa phương, hàng xóm tốt bụng cất lên cho mẹ con chị Liệu. |
4 năm làm “vợ” xứ Người
Những ngày sau đó, chị Liệu được một người phụ nữ gạ tìm giúp một người đàn ông để lấy làm chồng, may ra có cơ hội về quê với con. Chị Liệu gạt nước mắt chấp nhận. Lập tức, bọn chúng đưa chị đến một vùng quê hẻo lánh, bán cho một người đàn ông Trung Quốc.
Từ đây, chuỗi ngày dài tủi nhục với chị bắt đầu. Suốt 4 năm ròng, hằng ngày ngoài việc phải hầu hạ gia đình chồng như nô lệ, chị Liệu còn phải làm thêm ở một xưởng may. Tiền bạc chị làm ra bị gia đình chồng thu hết, họ sợ chị cầm tiền sẽ trốn về nước. Sống nơi đất khách quê người, người phụ nữ bất hạnh cứ khóc mãi, khóc đến cạn nước mắt.
Chị Liệu may mắn được trở về với con trai. |
“Sống với ông ấy được chừng ấy năm nhưng tui không có một ngày yên ổn, từ sáng đến khuya, phải hầu hạ cơm nước cho một gia đình nhiều người sinh sống, ngoài ra còn phải phụ việc ở xưởng may. Nếu tui không làm thì nhà chồng sẽ bỏ đói”, chị Liệu tâm sự.
Bốn năm làm vợ xứ người, chị Liệu có với người chồng Trung Quốc một người con trai. Từ khi có con, chị Liệu được gia đình chồng dành cho thời gian ở nhà chăm con. Con trai của chị được gia đình chồng hết mực yêu thương. Bây giờ dù rất nhớ con nhưng vì ít học, lại không hiểu tiếng họ nên chị chẳng thể nào nhớ nổi cái tên Trung Quốc của con mình.
Từ khi về nhà chồng, chị luôn tự nhủ với lòng mình phải thật siêng năng, tạo lòng tin ở gia đình chồng mới có cơ hội trốn về nước. Nhờ tính cần cù, chịu khó của một cô gái thôn quê, siêng năng làm việc, nên chị đã lấy được niềm tin với nhà chồng.
Vào một ngày cuối năm 2010, sau những tháng năm vật vã nơi đất khách quê người, chị đã mạnh dạn xin phép gia đình nhà chồng được về quê thăm quê và hứa sẽ quay trở lại. Nhà chồng đồng ý, chị hạnh phúc bắt xe về Việt Nam, thoát cảnh làm vợ nơi xứ người...