Sau những trận chiến ở Tây Xuyên, Lưu Bị quả thực có những cơ hội có thể phục hưng Hán Thất nhưng lại không thể nắm bắt được.
Trong ba nhân vật đứng đầu Tam Quốc, Lưu Bị là người có điều kiện thiếu thốn nhất, cho đến khi ông có được một địa bàn ổn định thì thế lực của Tào Tháo và Tôn Quyền cũng đã vô cùng lớn mạnh, vì vậy cơ hội để Lưu Bị thống nhất thiên hạ không nhiều.
Thế nhưng mọi chuyện đều không có sự tuyệt đối, sau những trận chiến ở Tây Xuyên, Lưu Bị quả thực có những cơ hội có thể thống nhất thiên hạ nhưng lại không thể nắm bắt được. Ngược lại, vì sự chủ quan cao ngạo mà Quan Vũ đánh mất Kinh Châu, khiến Thục Hán bị kẹt tại Ích Châu để rồi vuột mất cơ hội đoạt lấy thiên hạ, phục hưng Hán Thất.
Trái ngược với Tào Tháo và Tôn Quyền, Lưu Bị khởi nghiệp trong hoàn cảnh tương đối gian khổ. Thế lực của gia đình Tào Tháo vốn rất lớn nên sau khi trưởng thành ông đã được làm quan trong triều. Khi thiên hạ đại loạn, Tào Tháo dựa vào tiềm lực gia đình mà khởi binh phản Đổng Trác, chưa đến 3 năm đã có một châu để làm địa bàn hoạt động.
Tôn Quyền có phụ thân Tôn Kiên và ca ca Tôn Sách đều là chư hầu thời thời cuối nhà Hán, dựa vào thế lực của cha và anh, Tôn Quyền 18 tuổi đã kế thừa 6 quận Giang Đông để tiếp tục phát triển sự nghiệp.
Còn Lưu Bị tuy là thuộc dòng dõi Hoàng thất, nhưng gia đình ông lại phải lưa lạc trong nhân gian, cha mất sớm, ông và mẹ phải dựa vào việc bán chiếu cói giày cỏ để mưu sinh. May mắn thay, thúc phụ của Lưu Bị có cuộc sống no đủ, thường tiếp tế cho cuộc sống của Lưu Bị, nhờ vậy mà Lưu Bị mới có thể đi học. Có thể nói xuất thân của Lưu Bị không khác với Lưu Bang khi xưa.
Khi Tôn Quyền đã ổn định được 6 quận Giang Đông, Tào Tháo đánh bại được Viên Thiệu để thống nhất phương Bắc, Lưu Bị vẫn phải trải qua cuộc sống đầy sóng gió dưới sự truy kích của quân đội Tào Ngụy. Mãi cho đến lúc đại chiến Xích Bích nổ ra, đại quân chủ lực của Tào Tháo bị Chu Du đánh bại, Lưu Bị mới có thể chuyển mình, dần dần giành được những địa bàn độc lập để phát triển đại nghiệp.
Vì Đông Ngô phải bỏ ra quá nhiều sức lực cho hai trận chiến Xích Bích và Nam quận, còn Thục Hán chỉ có tác dụng trợ giúp, nên Tôn Quyền không đồng ý để Lưu Bị độc chiếm Kinh Châu. Lưu Bị đành chấp nhận đưa ra lời hứa sau khi có được địa bàn mới sẽ trả lại Kinh Châu cho Tôn Quyền.
Sau khi chiếm được Tây Xuyên, chính quyền Thục Hán hoàn thành được mục tiêu có được Kinh - Ích theo đúng chiến lược trong Long Trung đối sách của Gia Cát Lượng. Nếu như lúc này Lưu Bị có thể bắt lấy cơ hội, tăng cường quan hệ liên minh Tôn - Lưu chống Tào, Ngô - Thục cùng nhau phạt Bắc, Lưu Bị sẽ có cơ hội nhất định để phục hứng Hán Thất. Tuy nhiên thực tế sau khi Lưu Bị có được Ích Châu, Tôn Quyền ngay lập tức hỏi lại Kinh Châu, Lưu Bị nhất quyết không trả lại, hai bên bắt đầu hình thành mâu thuẫn nội bộ.
Sau khi đại chiến Hán Trung kết thúc, thế lực chính quyền Thục Hán đạt đến đỉnh điểm, đại tướng Quan Vũ tiếp tục đánh bại Vu Cấm, vây hãm Tào Nhân tại Phàn Thành. Khắp Trung Nguyên bị chấn động, nhiều người khởi binh hưởng ứng Quan Vũ, Tào Tháo lúc này đã muốn lui quân để tránh sự uy phong của mãnh tướng nhà Thục. Quan Vũ uy chấn Hoa Hạ là thời cơ tốt nhất để Lưu Bị thống nhất thiên hạ. Nếu lúc này Thục - Ngô đoàn kết, cùng xuất binh phạt Bắc, Lưu Bị chắc chắn sẽ có cơ hội rất lớn để hoàn thành bá mộng phục hưng Hán Thất.
Có thể thấy, Lưu Bị thống nhất được thiên hạ, phục hưng được Hán Thất hay không, mấu chốt nằm ở việc Tôn Quyền ủng hộ Lưu Bị như thế nào. Nếu Lưu Bị và Tôn Quyền thặt chặt được mối giao hảo, hai bên cùng đồng tâm phạt Bắc thì liên minh Tôn - Lưu hoàn toàn có thể đánh bại Tào Tháo. Nếu không có sự trợ giúp từ Tôn Quyền, chỉ dựa vào lực lượng của mình Lưu Bị thì dù thế nào cũng khó mà đánh bại được Tào Tháo.
Vậy nhưng thực tế Lưu Bị hoàn toàn không làm tốt việc liên minh với Tôn Quyền, để rồi bỏ lỡ những thời cơ tốt nhất để đánh bại kẻ thù lớn nhất là Tào Tháo, cuối cùng còn bại tại Di Lăng trước chính Đông Ngô và là nguyên nhân chính khiến thế lực Thục Hán hùng mạnh bị suy yếu.
Hoa Vũ (Theo Sohu)