+Aa-
    Zalo

    Tầm quan trọng của "siêu ứng dụng" WeChat với người Trung Quốc và phản ứng trước lệnh cấm từ Mỹ

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Wechat được coi là "siêu ứng dụng" đa tính năng hàng đầu của Trung Quốc với số lượng người dùng lên tới hơn 1 tỷ tài khoản.

    WeChat được coi là "siêu ứng dụng" đa tính năng hàng đầu của Trung Quốc với số lượng người dùng lên tới hơn 1 tỷ tài khoản.

    WeChat được coi là một "siêu ứng dụng" đa tính năng và phổ biến nhất ở Trung Quốc. Ảnh minh họa

    Hôm 6/8, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký hai sắc lệnh hành pháp cấm bất kỳ người Mỹ hoặc công ty Mỹ nào thực hiện giao dịch liên quan đến công ty mẹ của TikTok - ByteDance Ltd và Tencent - chủ sở hữu của WeChat.

    Tờ Thời báo Hoàn Cầu của Trung Quốc cho rằng việc chính trị hóa các vấn đề kinh tế là "xưa cũ và vượt xa những giới hạn có thể chấp nhận được".

    Với giá trị lên tới gần 1.000 tỷ NDT (khoảng 143,8 tỷ USD), Tencent là một trong những công ty công nghệ lớn nhất thế giới và đại diện cho sức mạnh công nghệ của Trung Quốc. Trong khi đó, WeChat được coi là "siêu ứng dụng" đa tính năng hàng đầu của Trung Quốc được Tencent phát triển, gồm liên lạc trực tuyến, truyền thông xã hội và ví tiền điện tử, với số lượng người dùng lên tới hơn 1 tỷ tài khoản.

    Chức năng cơ bản nhất của WeChat là thiết lập và duy trì sự tương tác xã hội giữa cá nhân và tổ chức nhóm. Ngay cả trong công việc, ở Trung Quốc thích sử dụng WeChat hơn là email.

    Tại Trung Quốc, người dân có thể sử dụng WeChat để thanh toán ở bất cứ đâu. Ảnh minh họa

    Theo Nhật báo Nhân dân, kể từ khi ra mắt vào năm 2011, WeChat đã dần thay đổi cuộc sống hàng ngày của người dân và trở thành một trong những ứng dụng điện tử không thể thiếu trong một chiếc điện thoại thông minh của người Trung Quốc. 

    WeChat "gói gọn" tất cả nhu cầu thiết yếu thực tế của người dân Trung Quốc vào nền tảng di động. Từ liên lạc gặp gỡ cho đến nhu cầu cơ bản như ăn uống, mua sắm, gọi xe, du lịch,...

    Ý nghĩa lớn nhất của WeChat nằm ở việc nó thay đổi và thúc đẩy toàn bộ mô hình kinh doanh xã hội.

    Kể từ khi công bố chương trình thanh toán điện tử WeChat Pay vào năm 2014, các phương thức kinh doanh và giao dịch truyền thống đã chuyển đổi dựa trên nền tảng WeChat.

    Người dân Trung Quốc cầm trên tay chiếc điện thoại thông mình với ứng dụng Wechat, có thể mua bán và giao dịch ở bất cứ đâu và bất kỳ thời điểm nào. Từ siêu thị lớn đến những người bán hàng rong trên phố và taxi, bạn đều có thể trả tiền bằng WeChat, ở bất cứ nơi nào tại Trung Quốc. Miễn là bạn có tài khoản ngân hàng tại Trung Quốc, bạn có thể liên kết tài khoản đó với WeChat.

    Điều này hạn chế việc phụ thuộc vào tiền giấy và giúp ích cho công tác phòng chống vấn nạn tiêu thụ tiền giả của chính phủ nước này.

    Tư duy người mua thay đổi đương nhiên sẽ kéo theo sự thay đổi hình thức của người bán. Ngày nay, các doanh nghiệp kinh doanh thực tế đang đẩy mạnh quảng bá cũng như tiêu thụ sản phẩm của họ lên Internet. WeChat cung cấp một nền tảng đám mây mạnh mẽ để giúp cho các doanh nghiệp kinh doanh trực tuyến một các dễ dàng và hiệu quả nhất.

    Các dịch vụ thiết yếu trong cuộc sống như ăn uống, mua sắm, gọi xe, du lịch,... đều "gói gọn" dưới hình thức trực tuyến trên WeChat. Ảnh minh họa

    Với việc chính phủ Trung Quốc vẫn luôn kiểm soát người dân bằng cách xây dựng bức tường ảo của riêng mình, WeChat là một trong những "cánh cửa" hiếm hoi để người dân nước này tương tác và giao lưu với cộng đồng quốc tế.

    Đối với những người Mỹ quen sử dụng Facebook, Instagram và Twitter để giữ liên lạc với gia đình, lệnh cấm WeChat của Tổng thống Trump sẽ không gây ra nhiều bất tiện cho họ. Tuy nhiên, đối với những người Trung Quốc đang học tập và làm việc ở Mỹ, hay cả chính người Mỹ đang ở Trung Quốc, lệnh cấm này sẽ gây ra rất nhiều rắc rối trong cuộc sống cá nhân của họ.

    Chia sẻ với Sina, Johnnie Yu, 20 tuổi, sinh viên Đại học New York, đang làm việc cho Hội sinh viên Trung Quốc của trường, cho biết anh luôn trò chuyện với bố mẹ ở Trung Quốc qua WeChat mỗi ngày. Khi biết về lệnh cấm WeChat, anh đã cố gắng sử dụng các phương pháp khác để giữ liên lạc với cha mẹ mình, nhưng không thành công.

    "Trò chuyện với phụ huynh sẽ trở nên khó khăn và chúng tôi đang cố gắng tìm kiếm các giải pháp thay thế", Yu nói.

    Tại Mỹ, WeChat có khoảng 19 triệu người dùng hoạt động hàng ngày. Đối với một số người trong số họ, ứng dụng này là một cách để giữ liên lạc với những người cao niên ở Mỹ và nước ngoài.

    Joyce Chang, một người dùng WeChat ở New York, cho biết: "Nhiều tổ chức cộng đồng do người Mỹ gốc Á đứng đầu cũng sử dụng WeChat để giao tiếp với cộng đồng người Hoa di cư tới đây, bởi phần mềm dịch thuật trực tiếp trên WeChat giúp họ vượt qua rào cản ngôn ngữ".

    "WeChat là công cụ giao tiếp chính được sử dụng bởi thế hệ lớn tuổi ở đây, nếu mất nó, họ sẽ mất cây cầu kết nối với cộng đồng", Chang nói thêm.

    Shirley Wu, một nhà thiết kế và người dùng WeChat đến từ San Francisco, cho biết "lệnh cấm này gây khó chịu. Việc liên lạc với gia đình tôi ở Hong Kong sẽ bị giãn đoạn cho đến khi tìm các ứng dụng thay thế".

    Như tờ FAZ của Đức nhận định, việc lệnh cấm WeChat và Tencent ở Mỹ của ông Trump có tác động còn lớn hơn lệnh cấm đối với TikTok, nó tương đương với việc "cắt đứt huyết mạch của chính phủ Trung Quốc".

    Hoa Vũ (Theo Nhật báo Nhân dân, Sina)


    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/tam-quan-trong-cua-sieu-ung-dung-wechat-voi-nguoi-trung-quoc-va-phan-ung-truoc-lenh-cam-tu-my-a334483.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan