+Aa-
    Zalo

    Tâm lý mua ô tô cho “oách”: “Tắc” tư duy và “hiệu ứng” đổ thừa?

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Chuyện tắc đường ở Việt Nam nói chung, Hà Nội nói riêng đã nhiều lần được báo chí nước ngoài diễn tả bằng hai từ “khủng khiếp”. Bởi, chưa ở đâu vấn đề tắc đường

    (ĐSPL) - Chuyện tắc đường ở Việt Nam nói chung, Hà Nội nói riêng đã nhiều lần được báo chí nước ngoài diễn tả bằng hai từ “khủng khiếp”. Bởi, chưa ở đâu vấn đề tắc đường lại nan giải như ở Việt Nam.

    Trong lúc các nhà chuyên môn đang nghiên cứu tìm giải pháp khắc phục thì mới đây, nhiều người ngỡ ngàng khi trong lãnh đạo sở GTVT Hà Nội hồn nhiên giải thích một trong những nguyên nhân dẫn đến tắc đường ở Hà Nội là tâm lý mua ô tô riêng cho “oách” của một số người dân.

    Mua ô tô vì sĩ diện gây tắc đường?

    Cứ vào giờ đi làm hay thời điểm tan tầm, các thành phố lớn ở Việt Nam mà điển hình nhất là Hà Nội lại được ví như một “tổ ong” khổng lồ. Những cảnh tượng như xe máy, ô tô chen chúc nối đuôi nhau dài cả km không hiếm thấy ở những cung đường Cầu Giấy-Xuân Thủy, Tôn Đức Thắng, Nguyễn Lương Bằng... Rất nhiều lần, những bức ảnh tắc đường ở các ngã ba, ngã tư tại Hà Nội đã được báo chí quốc tế đăng tải và miêu tả về cảnh tượng giao thông của Việt Nam như một bức tranh rối rắm.

    Ùn tắc giao thông ở Hà Nội đã trở thành nỗi khiếp sợ của nhiều người (ảnh chụp ngày 8/9. Ảnh T.L).

    Thực tế cũng cho thấy, dù nhiều nhà khoa học, các cơ quan chức năng, chuyên gia giao thông đã “xắn tay” vào “điều trị” căn bệnh này. Nhưng có lúc, các vị này cũng phải thốt lên rằng, tắc đường đã trở thành căn bệnh vô phương cứu chữa ở Việt Nam.

    Rất nhiều hội thảo phân tích nguyên nhân dẫn đến tình trạng ùn tắc ở Hà Nội. Có người khẳng định nguyên nhân xuất phát từ bùng phát xe máy, không ít ý kiến khẳng định do cơ sở hạ tầng, một số chuyên gia nhấn mạnh tắc đường do ý thức người dân.

    Và mới đây, trao đổi với báo chí ở cuộc họp Thành ủy Hà Nội vào chiều thứ Ba (15/9), ông Nguyễn Xuân Tân, Phó Giám đốc sở GTVT Hà Nội đưa ra thêm một lý do khá bất ngờ, rằng một trong những nguyên nhân xảy ra tắc đường là do nhiều người dân mua ô tô riêng để cho “oách”.

    Cũng trong buổi họp Thành ủy, Phó Giám đốc sở GTVT này khẳng định: “Do nhu cầu sử dụng và kinh tế phát triển nên nhiều gia đình muốn sở hữu ô tô riêng. Tuy nhiên, tôi cũng biết trong xóm nhà tôi có nhà không có nhu cầu sử dụng ô tô nhưng mua một cái xe rất đẹp. Hai năm trời mới đi được hơn 10.000km. Vô cùng lãng phí”.

    Lãnh đạo sở GTVT này còn phân tích, mua ô tô rất tốn kém, mất thêm tiền xăng, tiền gửi hàng ngày, hàng tháng, đi ra đường thì tắc. Nhưng mang số tiền đó gửi ngân hàng thì với lãi suất cao như hiện nay rất có lợi. “Nhiều người mua cho oách. Việc mua ô tô không phải là mốt. Ô tô, xe máy chỉ là phương tiện đi lại. Cần có chiến dịch tuyên truyền để người dân hiểu điều này”, ông Nguyễn Xuân Tân nói.

    Ngay sau lời phát biểu “gây sốc” của vị lãnh đạo sở GTVT Hà Nội được đưa ra, nhiều người đã bày tỏ ý kiến phản đối. Không ít chuyên gia cho rằng, kinh tế phát triển, việc người dân mua ô tô là chuyện tất yếu.

    Hiện nay, ô tô nhập vào Việt Nam phải chịu thuế ở mức cao. Khi chiếc xe lăn bánh trên đường lại phải trả rất nhiều loại phí. Nhà quản lý đáng lẽ phải lấy số tiền thuế, phí đó để mở rộng đường sá, giải quyết ách tắc giao thông chứ không thể trách dân vì mua ô tô cho “oách” mà làm tắc đường. Thậm chí, không ít độc giả gọi điện đến đường dây nóng của báo ĐS&PL thắc mắc không biết lãnh đạo sở GTVT Hà Nội đi đến cơ quan bằng phương tiện gì?

    Trao đổi với PV báo ĐS&PL, ông Ngô Văn Tuân, Giám đốc Gara ô tô Thuận Hòa, Sài Gòn (Cầu Giấy – Hà Nội) chia sẻ: “Sở dĩ, người dân mua ô tô cá nhân vì phương tiện giao thông công cộng của chúng ta hiện nay quá yếu. Ra đường, ai cũng hoảng hồn khi chứng kiến cảnh tượng chen chúc trên xe bus. Ở các nước phát triển, phương tiện công cộng của họ giá vừa rẻ lại thuận tiện. Tuy nhiên, ở nước ta, các phương tiện công cộng được xem như một sự kinh hoàng. Tôi cho rằng, các nhà quản lý nên tư duy làm sao để giải quyết tình trạng tắc đường chứ không nên đổ thừa cho phương tiện này, phương tiện khác”.

    Nhiều “nạn nhân” bị gắn mác gây tắc đường

    Đã có một thời gian, xe máy là “nạn nhân” của việc bị đổ thừa cho là nguyên nhân gây tắc đường. Sau đó, người ta đã nghiên cứu phương án cấm xe máy đi vào thành phố giờ cao điểm. Và bây giờ, sau xe máy, ô tô riêng lại bị “mang tiếng” là kẻ gây ùn tắc giao thông.    

    Để rộng đường dư luận, sáng 16/9, PV báo ĐS&PL đã liên hệ với ông Nguyễn Xuân Tân, Phó Giám đốc sở GTVT Hà Nội. Khi PV đặt câu hỏi có số liệu, dẫn chứng nào chứng minh việc tắc đường là do ô tô cá nhân không thì vị này trả lời rằng: “Cái số liệu cụ thể đó phải hỏi bên Công an TP.Hà Nội. Bởi vì họ quản lý số lượng đăng ký phương tiện”.

    PV tiếp tục đặt vấn đề nguyên nhân chính khiến tắc đường có phải do ô tô hay do năng lực quản lý giao thông và cơ sở vật chất hạn chế? Ông Tân trả lời: “Tất cả các nguyên nhân trên đều có vai trò của nó. Còn nguyên nhân nào quan trọng nhất thì cần phải có một cuộc hội thảo”. Rõ ràng câu trả lời của ông Phó Giám đốc với PV báo ĐS&PL “thận trọng” hơn rất nhiều so với những gì ông phát biểu trước cuộc họp ngày 15/9 tại Thành ủy Hà Nội.

    Để tìm hiểu nguyên nhân và các giải pháp “điều trị” căn bệnh tắc đường ở Hà Nội, PV đã tham vấn ý kiến của các chuyên gia giao thông. Trao đổi với PV báo ĐS&PL, bà Đinh Thị Thanh Bình, Viện trưởng viện Quy hoạch & Quản lý GTVT (ĐH GTVT) cho biết: Hiện nay, nhu cầu đi lại của người dân ngày càng gia tăng, giao thông công cộng không kịp đáp ứng nên họ chủ yếu tự túc bằng phương tiện cá nhân. Cũng có thể, khi phát ngôn rằng nguyên nhân dẫn đến ùn tắc giao thông là do ô tô đi lại quá nhiều, vị này đã dựa vào một khảo sát mới nhất: Một xe máy trung bình chở được 1,23 người, ô tô cá nhân chở 1,9 người trong khi đó một ô tô chiếm dụng đường gấp 5-6 lần xe máy, chưa kể ô tô kích thước lớn kém linh hoạt, càng cản trở giao thông.

    TS. Đinh Thị Thanh Bình.

    TS. Đinh Thị Thanh Bình cũng cho rằng, cách nói của vị này không làm hài lòng người nghe. Bởi việc ùn tắc giao thông trên địa bàn Hà Nội không nên nhìn ở một mặt, mà chúng ta phải đánh giá cả về sự quản lý, giám sát giao thông trên địa bàn, cơ sở hạ tầng giao thông và ý thức của người tham gia giao thông...

    Hiện nay, nước nào cũng xảy ra tình trạng tắc đường nếu như họ không có sự quản lý tốt, cơ sở hạ tầng giao thông không theo kịp sự phát triển các phương tiện tham gia. Mặt khác, các chính sách quản lý giao thông luôn hướng đến việc cân bằng cung - cầu.

    Chúng ta không chỉ chú ý làm việc làm sao để tăng năng lực hạ tầng mà song song với đó cần phải tổ chức giao thông như làm thông thoáng lòng lề đường, giải tỏa chiếm dụng; siết dần quản lý sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân, phát triển mạng lưới giao thông công cộng trên toàn thành phố. Do chưa làm được những vấn đề trên nên tình trạng tắc đường vẫn là căn bệnh "trầm kha".                      

    Theo thống kê của sở GTVT Hà Nội, hiện trên địa bàn có 89 doanh nghiệp taxi (87 công ty, 2 hợp tác xã), với tổng số lượng phương tiện là 18.229 xe. Trung bình hàng năm vận chuyển được gần 100 triệu lượt khách. Có khoảng 704 doanh nghiệp kinh doanh vận tải của Hà Nội và các tỉnh có tuyến vận tải khách liên tỉnh tới Hà Nội với tổng các phương tiện là 4.000 xe. Riêng trên địa bàn thành phố có 61 doanh nghiệp với 1.269 xe vận chuyển hành khách liên tỉnh.

    Văn Chương- Mai Hằng

    Xem thêm video: 

    [mecloud]PyA10phXQr[/mecloud]

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/tam-ly-mua-o-to-cho-oach-tac-tu-duy-va-hieu-ung-do-thua-a111868.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.