(ĐSPL) - Có dư đồng nào, cụ Nguyễn Thị Ngà (84 tuổi, ngụ tổ 111, khu phố 4, phường 7, quận Phú Nhuận, TP.HCM) lại mua sách vở, quần áo, gạo, mì gói… cho trẻ em nghèo và người neo đơn trong tổ dân phố.
Hơn 40 năm qua, những đứa trẻ nghèo lần lượt gõ cửa nhờ cụ cho sách vở, quần áo, đóng học phí… Người neo đơn chết không tiền ma chay cũng một tay cụ lo hậu sự. Những người vướng vào tù tội để lại mẹ già không ai chăm lo, cụ cũng san sẻ từng ký gạo… Việc làm của cụ tuy giản dị nhưng hiệu quả và chan chứa tình người.
Nặng lòng với trẻ nghèo
Cụ Nguyễn Thị Ngà sống cùng con gái trong một con hẻm nhỏ. Lúc mới về hẻm 140 Trần Kế Xương sinh sống, cụ Ngà thuộc diện nghèo nhất nhì trong xóm. Mồ côi cha năm 13 tuổi, cụ không được ăn học đầy đủ. Phần lớn cuộc đời, cụ phải làm ô-sin. Hơn 40 năm, cụ sống ở con hẻm nghèo từng xuất hiện đủ loại tệ nạn xã hội. Cụ từng chứng kiến những đứa trẻ đi bán vé số, lượm ve chai... mải mê mưu sinh bỏ quên con chữ.
Rồi, những đứa trẻ thất học lại sa chân vào cờ bạc, đề đóm, nghiện hút, thậm chí là vướng vào tù tội. Cha mẹ họ trở thành những người già neo đơn trong xóm nhỏ nghèo nàn. Từ đó, khi làm ra đồng nào, được ai cho tiền, Mạnh thường quân đóng góp, bà lại mua sách vở, quần áo, đóng học phí... cho tụi nhỏ. “Lúc tôi mới về khu vực này sinh sống, chính quyền địa phương thấy tôi nhiệt tình nên thuyết phục tôi làm tổ phó tổ phụ nữ 111. Tôi thấy công việc có ích nên nhận làm. Ở vị trí đó, tôi cùng các chị em để ý nhà nào khó khăn thì liên hệ giúp đỡ. Nhà nào có con tới tuổi đến trường mà không có tiền đóng học phí, tôi vận động quyên góp giúp đỡ”, cụ Ngà nhớ lại.
Cụ Ngà rất giàu lòng nhân ái. |
“Tính đến nay, dù không còn làm trong tổ phụ nữ nhưng dưới sự hỗ trợ của các mạnh thường quân, nhiều đứa trẻ trong tổ 111 vẫn được hỗ trợ sách vở, quần áo mới... Khi nào các em còn quyết tâm đến trường, chúng tôi còn chung tay hỗ trợ các em về mọi mặt. Như sáng nay, có một cô đến khóc nói không có tiền mua tập cho ba đứa con đi học. Tôi chạy vào tủ lấy tiền đưa cho cô ấy đi mua ba chục cuốn tập cho mấy đứa con. Hôm vừa rồi, lãnh được 2,5 triệu đồng tiền thưởng của chương trình Gương sáng phố phường, tôi cho mọi người hết. Này nhé, cho ông tổ trưởng 10 cái ghế ngồi họp, cho mấy chị phụ nữ 5 phần quà, 32 phần quà cho người nghèo trong tổ, mua tập cho con cô kia...”, cụ Ngà bộc bạch.
Cụ Ngà còn để dành cho thằng Đen (một em nghèo trong tổ của cụ-PV) 600 ngàn đồng. Cụ bảo: “Đợi thằng Đen nhập học mùng 5/9, tôi mua sách, mua tập, mua cặp, mua quần áo mới, đóng học phí cho nó. Tội, nó nghèo mà hiếu học. Tổ có nhiều đứa con nít cần được đi học, cần sự giúp đỡ của mọi người. Hôm trước, tôi còn được tặng chiếc xe đạp để đi lại. Tôi tính bán đi, lấy tiền cho mấy đứa nhỏ đóng học phí. Biết tôi tốt với mấy đứa nhỏ, nhiều người đến than khóc, nói dối xin tiền để đánh đề, đánh bạc. Ở đây, ai nghèo thật hay cờ bạc, đề đóm, tôi biết hết. Ai lừa, tôi không cho tiền đâu. Tôi không cho, họ quay ra nói xấu, chửi bới. Tôi kệ, không chết đâu mà lo”.
Những lớp trẻ đi học bằng tiền do cụ Ngà quyên góp, có người đã trưởng thành. Khi thành đạt, họ cũng không quên ơn cụ. Họ thường tìm đến san sẻ với cụ vài trăm ngàn, gửi quyển vở, bộ quần áo... cho những trẻ em nghèo trong xóm. “Nhờ có những Mạnh thường quân tâm huyết với công việc tôi đang làm, tôi xin gì cũng cho, mà mấy đứa nhỏ trong xóm không đứa nào thất học. Mỗi lần nhận được tiền của các nhà hảo tâm như Lê Văn Tùng, Trần Thị Kim Liên, Lê Ngọc Đương..., tôi về hạch toán rõ ràng, giúp đỡ ai những gì, thừa thiếu thế nào đều rất minh bạch. Thế nên, họ rất tin tưởng, hỗ trợ tôi tối đa. Như ông Tùng, mỗi tháng, ông ấy kêu con mang xuống đưa cho tôi 1, 2 triệu đồng để nuôi trẻ thất học. Suốt mấy chục năm qua, ông ấy chưa bỏ sót tháng nào”, cụ Ngà nói.
Người “vác tù và hàng tổng”
Không chỉ lo chuyện học hành của mấy đứa nhỏ trong tổ, trong xóm, người già neo đơn, chuyện ma chay của người nghèo... đều một tay cụ Ngà chăm lo. “Tiền mọi người cho tôi mua thuốc men, quà bánh..., tôi cho hết. Tôi già rồi, ăn uống không bao nhiêu. Bệnh tật cũng có con gái lo. Tôi nghĩ chết thì cái nút áo cũng lắc. Vậy, tiếc, để dành tiền làm gì, trong khi có quá nhiều người cần được giúp đỡ. Từ lúc tôi làm “ô-sin”, có đồng nào, tôi giúp đỡ người ta hết. Con tôi có công ăn việc làm ổn định. Tôi không phải lo cho nó. Nó còn động viên tôi giúp đỡ mọi người”, cụ Ngà bộc bạch.
Bởi vậy, cụ Ngà hết lo cho đám trẻ lại xoay qua lo chuyện tang ma cho người già, người nghèo trong tổ. Trong xóm, người nào mất mà không có tiền lo hậu sự, họ lại đến gõ cửa. Cụ sẵn sàng ngưng hết việc nhà, đi quyên góp tiền. “Xin được bao nhiêu thì về hạch toán, ai cho bao nhiêu ghi vào, rồi tính tiền hòm, tiền hỏa táng, tiền gửi vào chùa... xem hết bao nhiêu. Số dư còn lại, tôi mời một người trong tổ đến giao cho họ giữ. Tôi nhớ, trong tổ lúc đó có một ông người Hoa, chuyên lượm ve chai nuôi vợ bị tâm thần. Tôi hay gọi là ông “Tàu”. Ông chết cũng vừa tròn năm”, cụ Ngà cho biết.
“Lúc ông còn sống, tôi cũng hay giúp đỡ. Tôi xin cho ông vào diện xóa đói giảm nghèo. Lúc nào, tôi qua thăm cũng thấy ông ăn cơm với chén nước tương, miếng cà chua, ngồi gật gù, trông rất mệt mỏi. Thấy vậy, tôi chạy về nhà kéo ngăn tủ lấy 200 ngàn đồng, đưa cho ông. Tôi nói “ông “Tàu” ơi, tôi cho ông hai trăm, mai ông mua miếng thịt mà ăn”. Ông cứ chắp tay cảm ơn tôi rối rít. Lúc ông mất, nửa đêm, con gái ông chạy sang nhà “Bà bác ơi bà bác. Bố con chết rồi”. Nó vừa về, tôi gọi con gái dậy khóa cửa. Tôi đi vội sang nhà ông”, cụ Ngà ngậm ngùi.
Đến nhà ông “Tàu”, cụ Ngà tạm gác sự tiếc thương qua một bên, rút điện thoại gọi lên phường. Cán bộ phường hướng dẫn cho cụ địa chỉ Mạnh thường quân để xin quan tài. Cụ chạy vạy khắp nơi, xin mỗi người một ít. Phần cụ lo thêm xe tang, lo nơi an nghỉ. Tiền dư ra, cụ đi hết lối xóm nói: “Tiền người ta quyên góp cho ông “Tàu” còn dư hai triệu. Tôi thấy lúc còn sống ông cực khổ quá. Bây giờ, tôi xin lối xóm, tôi lấy tiền này thuê cho ông dàn kèn tây, thổi cho có không khí ngày ông từ biệt lối xóm”. Ai cũng bắt tay, nói cụ làm vậy là đúng. Con gái ông quỳ xuống lạy cụ. Bà nghẹn ngào nâng con gái ông lên an ủi.
Hôm giỗ đầu, con gái ông “Tàu” sang mời, cụ không đến được. Cụ tự thấy việc mình làm không có gì lớn lao để người khác phải mang ơn và khắc khoải. Đến nay, cụ Ngà đã chung tay lo hậu sự cho hơn 20 đám tang. Cụ Ngà giúp đỡ mọi người một cách hồn nhiên nhưng được tính toán kỹ lưỡng, minh bạch. Cụ chưa bỏ sót bất cứ một trường hợp nào cần giúp đỡ. Kể cả, những đối tượng lầm lỡ, vướng tù tội, cụ cũng dang tay giúp họ an tâm quay về với nẻo thiện. Cụ cho biết: “Họ đi tù, tôi giúp đỡ cha mẹ, người thân của họ tháng chục ký gạo, bó rau, con cá,... Họ về, họ thấy mình như vậy, họ học theo, trở thành người có ích hơn. Không đánh bài, không thầu đề nữa...”.
Chưa dừng lại ở đó, sáng nào, cụ cũng quét rác cho cả hẻm, không ngại bẩn thỉu, hôi thối. Nghe anh quét rác bị bệnh, cụ cũng cho tiền thang thuốc. Chị bán xôi nghèo có mẹ già bệnh tật, cụ cũng giúp đỡ tiền gạo. “Nhiều người hỏi tôi định giúp đỡ người khác đến bao giờ. Tôi trả ời rất ngắn gọn là tôi giúp đỡ người nghèo, người quá cố đến khi nào tôi nhắm mắt xuôi tay thì thôi. Và, tôi rất mong các mạnh thường quân chung tay cùng chính quyền địa phương không để cho cháu nào thất học. Có người bảo, sao không để dành tiền uống thuốc. Tôi nói giúp người nghèo chính là thuốc bổ để sống lạc quan, vui vẻ hơn”, cụ Ngà nhắn nhủ.
Cụ Ngà rất nhiệt tình trong công tác xã hội Trung tá Phạm Tuấn Khâm, cảnh sát khu vực quản lý tổ 111 (khu phố 4, phường 7, quận Phú Nhuận, TP.HCM), cho biết: “Cụ Nguyễn Thị Ngà sống với con gái trong hẻm 140 Trần Kế Xương. Tuy nhà không khá gia nhưng cụ rất nhiệt tình giúp đỡ mọi người, ca vật chất, tinh thần… Cụ thường xuyên kêu gọi các Mạnh thường quân hỗ trợ tiền bạc đê lo ma chay cho người nghèo. Cụ được nhiều người tin tưởng, chung tay hỗ trợ”. |
NGỌC LÀI
[mecloud]Ja9kJb8Om9[/mecloud]