Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Thủ tướng Shinzo Abe nhất trí nâng quan hệ Việt Nam-Nhật Bản lên tầm cao mới. |
Tại "đất nước mặt trời mọc", Chủ tịch nước Trương Tấn Sang được đón tiếp trọng thị hiếm thấy. Các nhà phân tích ghi nhận sự nồng ấm và hữu nghị đặc biệt trong khuôn khổ chuyến thăm này, nhấn mạnh rằng Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe chọn Việt Nam làm quốc gia thăm viếng đầu tiên sau khi tái nhậm chức Thủ tướng và Chủ tịch nước Trương Tấn Sang là nguyên thủ đầu tiên Nhật Bản đón tiếp trong năm mới 2014.
Trong khi đó, giới phóng viên báo chí cho rằng chuyến thăm là bước củng cố và thúc đẩy những kết quả tốt đẹp làm nền tảng cho quan hệ Việt Nam-Nhật Bản đã đạt được trong chuyến thăm Nhật Bản của nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết năm 2007. Trong đó phải kể đến Tuyên bố chung về việc làm sâu sắc quan hệ Việt Nam-Nhật Bản và Chương trình hợp tác phát triển quan hệ đối tác chiến lược giữa Nhật Bản và Việt Nam.
Trong 7 năm qua, hai nước đã đi qua chặng đường khá dài trong việc phát triển các mối quan hệ song phương, có đóng góp không nhỏ vào việc củng cố an ninh quốc tế, ổn định trong khu vực và lòng tin giữa các dân tộc. Những kết quả này đã được phản ánh đầy đủ trong các văn kiện tổng kết 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Nhật Bản vào năm 2013. Hai bên đánh giá những thành tựu đã đạt được là cơ sở thuận lợi để nâng hợp tác và hữu nghị giữa hai nước lên một tầm cao mới phục vụ lợi ích của nhân dân hai nước.
Về kinh tế, Nhật Bản hiện giữ vị trí thứ nhất về khối lượng đầu tư vào Việt Nam với tổng số vốn lên đến 35 tỷ USD, dẫn trước Singapore, Hàn Quốc, Đài Loan và Mỹ. Giới doanh nhân Nhật đánh giá cao môi trường chính trị ổn định và nguồn nhân lực phong phú ở Việt Nam. Hiện đầu tư ở Việt Nam là một trong những nguồn mang lại lợi tức lớn nhất về Nhật Bản, nhất là từ các lĩnh vực công nghệ thông tin, phần mềm, bán buôn, bán lẻ và y tế.
Tính đến hết năm 2013, Nhật Bản có hơn 1.990 dự án đang thực hiện ở Việt nam. Bên cạnh đó, Nhật Bản cũng tích cực nhập khẩu từ Việt Nam dầu thô, phụ tùng cho ngành chế tạo máy, các sản phẩm nông nghiệp và giày da với khối lượng nhập khẩu 15 tỷ USD.
Song song với các vấn đề kinh tế, hai nước chú trọng thúc đẩy chính sách láng giềng thân thiện, hiểu biết và hợp tác nhằm củng cố lòng tin chính trị và nâng cao hiệu quả phối hợp hành động trong việc giải quyết các vấn đề quốc tế và khu vực. Điều này thể hiện qua việc trong hàng chục năm trở lại đây tất cả các Thủ tướng Nhật Bản đều có chuyến thăm Việt Nam nhằm thể hiện sự quan tâm đến việc củng cố quan hệ với một đối tác chiến lược ở Đông Nam Á.
Đáp lại thiện chí này, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng dự kiến cũng sẽ có chuyến thăm Nhật Bản trong thời gian tới theo lời mời của Thủ tướng Shinzo Abe nhân dịp kỷ niệm 40 năm thiết lập đối thoại giữa ASEAN và Nhật Bản.
Bên cạnh đó, sự nồng ấm của quan hệ Việt-Nhật thu hút sự chú ý của cộng đồng khu vực và quốc tế còn có thể do những diễn biến mới đây trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, nhất là các sự kiện trên biển Hoa Đông và biển Đông. Với sự tương đồng về vấn đề lãnh thổ, Việt Nam và Nhật Bản đang có lập trường khá gần gũi và sự đoàn kết nhất định trong một số phương hướng đối ngoại.