Sau cơn bão gameshow, nhiều chương trình talk- show bắt đầu được các nhà sản xuất, nhà đài chú ý, đầu tư. Tuy nhiên, hầu hết các chương trình này vẫn còn khá nhạt, “thiếu muối”, chưa tạo sự hứng thú đối với khán giả.
Tại Việt Nam, talkshow xuất hiện khá lâu và có nhiều chương trình từng tạo được tên tuổi như Người đương thời, Tại sao không?... Tiếc thay, những chương trình này đều phải “tạm biệt khán giả” trong sự nuối tiếc. Vài năm trở lại đây, gameshow thực tế lên ngôi, talkshow vẫn tồn tại nhưng chỉ sống vật vờ.
Khi khán giả đã quá chán ngán với món ăn gameshow, các nhà sản xuất, nhà đài quay trở lại khai thác talkshow. Thời gian gần đây, có khá nhiều talkshow xuất hiện như Gương hai chiều, Chuyện tối nay với Thành, Mặt trời bé con, Mẹ chồng nàng dâu... Mỗi chương trình đều cố gắng tạo được tên tuổi, thương hiệu riêng nhưng dường như vẫn chưa được như mong muốn.
Quyền Linh và Lê Lộc đang giữ vai trò Host của Mẹ chồng nàng dâu. |
Các talkshow nổi tiếng ở nước ngoài là sự thảo luận giữa Host với khách mời. Câu chuyện thường hướng đến những chia sẻ tươi vui kết hợp cùng các hoạt động vui chơi, hài hước. Host cũng không ngần ngại đào sâu các góc khuất để đưa đến cho khán giả những thông tin mới lạ dù khách mời là người nổi tiếng quá quen thuộc với khán giả.
Trong khi đó, không ít khán giả nhận định, talkshow của Việt Nam vẫn còn khá buồn tẻ, hầu hết chỉ là những cuộc đối thoại giữa người dẫn và khách mời. Cuộc đối thoại thường có kịch bản sẵn. Hiếm hoi lắm mới có chương trình không có kịch bản, chỉ là cuộc khơi gợi những câu chuyện bất ngờ, hóm hỉnh như Lại Văn Sâm trong Mặt trời bé con. Đây là chương trình Việt hóa của Little Big Shots nổi tiếng ở Mỹ. Có thể, sẽ khập khiễng khi so sánh nhưng Lại Văn Sâm vẫn còn khoảng cách khá xa so với Host gốc là Steve Harvey. Mặc dù vậy, đây cũng là sự học hỏi, bước tiến mới đáng ghi nhận.
Trong talkshow, Host và khách mời là hai yếu tố chính. Trong đó, nhịp điệu của chương trình được quyết định bởi Host. Nếu Host là người biết cách khuấy động, chương trình sẽ cuốn hút khán giả và điều này phụ thuộc vào tài năng ứng biến, nhanh trí, “thiên biến vạn hóa” của người “cầm trịch”.
Talkshow thu hút khán giả nhờ yếu tố bất ngờ. Trong khi đó, mọi thứ lại diễn ra theo một kịch bản có sẵn và Host cũng không đủ bản lĩnh để chơi khó khách mời. Với quan niệm phương Đông, “tốt khoe, xấu che” nên khách mời cũng thường giữ kẽ, trả lời một cách trơn tru, cố gắng che giấu khuyết điểm của mình. Bên cạnh đó, chương trình quay xong, các biên tập viên cũng cố gắng “trau chuốt” hình ảnh thật hoàn hảo, thật đẹp... Tất cả các yếu tố này dẫn đến chương trình “thiếu muối”.
Talkshow xuất hiện ngày càng nhiều, nhưng vẫn chưa có một chương trình nào có thể vượt lên, gây chú ý. Phải chăng, các nhà sản xuất cũng cần thêm “muối” bằng cách thay đổi từ chính trong tư duy lẫn cách làm. Hiển nhiên, quan trọng vẫn là tìm được Host tạo được “lửa” cho chính chương trình để kéo khán giả ngồi xem đến hết và tạo niềm háo hức chờ đón cho phần tiếp theo... Ngoài ra, tính tương tác giữa MC và khán giả vẫn còn là lỗ hổng cho các talkshow ở nước ta.
Huy Cường
Dẫn nguồn báo giấy Đời sống & Pháp luật Chủ nhật số 39