"Phụ nữ không thể trở thành bộ trưởng. Điều đó chẳng khác nào quàng vào cổ họ một trách nhiệm mà họ không thể gánh vác được. Phụ nữ không cần phải có mặt trong nội các, họ chỉ nên sinh con", người phát ngôn Taliban Sayed Zekrullah Hashimi nói trong cuộc trả lời phỏng vấn hãng tin TOLO News hôm 9/9.
Khi người phỏng vấn nói rằng "phụ nữ là một nửa của xã hội", người phát ngôn Taliban đã đặt câu hỏi về định nghĩa này và tuyên bố: "Nhưng chúng tôi không coi họ là một nửa".
Ông Hashimi cũng cho biết, những cuộc biểu tình của phụ nữ trên đường phố không đại diện cho phụ nữ Afghanistan. "Phụ nữ Afghanistan là những người sinh ra trẻ em Afghanistan và giáo dục chúng về đạo đức Hồi giáo", ông nói.
Ngày 7/9, Taliban đã cho thông báo danh sách các thành viên nội các trong chính phủ lâm thời. Tất cả thành viên đều là nam giới. Đáng nói, một số Bộ trưởng trong chính phủ lâm thời Taliban còn nằm trong danh sách truy nã toàn cầu vì là đối tượng khủng bố.
Trước đó, sau khi giành được quyền kiểm soát thủ đô Kabul vào ngày 15/8, Taliban nhấn mạnh lực lượng phiến quân sẽ điều hành Afghanistan theo cách thức khác với chính quyền cách đây 20 năm như đảm bảo quyền của phụ nữ được đi học và đi làm. Song trên thực tế, Taliban đang có sự khác biệt giữa hành động và lời nói.
Theo các quy định mới của Taliban, phụ nữ có thể được đi làm nhưng phải “tuân theo các quy tắc của đạo Hồi”. Nữ sinh cũng được quay trở lại các trường đại học. Nhưng các lớp học bị chia đôi bằng tấm rèm hoặc giảng viên chia giờ đứng lớp để giảng dạy cho riêng nữ sinh và nam sinh. Ngoài ra, các nữ sinh phải mặc trang phục truyền thống che kín từ đầu tới chân và chỉ hở khuôn mặt hoặc hở đôi mắt.
Một nhóm phụ nữ tại Afghanistan đã xuống đường biểu tình từ đầu tháng nhằm phản đối chính quyền Taliban. Họ hô khẩu hiệu "phụ nữ Afghanistan muôn năm" và kêu gọi sự hiện diện của phụ nữ trong chính phủ.
Các nhân chứng cho biết các thành viên của Taliban đã dùng roi, gậy đánh nhóm phụ nữ biểu tình. Tuy nhiên, các cuộc biểu tình vẫn diễn ra ở thủ đô Kabul.
Khi Taliban cầm quyền tại Afghanistan từ năm 1996-2001, phụ nữ nước này gần như không được phép tự do rời khỏi nhà, ngoại trừ một số điều kiện nhất định như đi cùng người thân là nam giới. Những người vi phạm quy định này có thể bị trừng phạt, đánh đập, thậm chí bị hành hình.
Mộc Miên (T/h)