Khi Taliban áp đảo quân đội Afghanistan và nắm quyền kiểm soát các kho vũ khí và phương tiện lớn, các tay súng cũng đã thu giữ ít nhất 100 máy bay trực thăng Mi-17 Hip, một loại máy bay vận tải do Nga sản xuất được Mỹ mua cho các lực lượng vũ trang Afghanistan vì nó tương đối rẻ và dễ bay hơn UH-60 Black Hawks do Mỹ sản xuất.
Ông Alexander Mikheev, người đứng đầu công ty xuất khẩu vũ khí và các sản phẩm quân sự Rosoboronexport (thành viên Tập đoàn Nhà nước Rostec), cho biết: “Phi đội trực thăng ở đó rất lớn - hơn 100 trực thăng Mi-17 các loại. Tất nhiên, các máy bay này cần sửa chữa, bảo dưỡng và cung cấp phụ tùng thay thế”.
Ước tính của ông Mikheev về số lượng máy bay trực thăng do Nga sản xuất ở Afghanistan cao hơn đáng kể so với số lượng được báo cáo trước đó.
Một báo cáo hồi tháng 7 của Tổng thanh tra đặc biệt Mỹ về tái thiết Afghanistan (Sigar) cho biết, quân đội Afghanistan có 56 trực thăng Mi-17, trong đó chỉ có 32 chiếc còn sử dụng được. Mi-17 là phiên bản xuất khẩu của trực thăng Mi-8 của Nga, được sản xuất tại hai nhà máy ở Kazan và Ulan-Ude của Nga.
Hiện vẫn chưa rõ bao nhiêu chiếc trực thăng đó đang trong tình trạng có thể bay, vì việc Mỹ rút bớt lực lượng vũ trang và cuộc tấn công dữ dội của Taliban đã khiến lực lượng không quân Afghanistan bị tổn hại nặng nề.
Đầu tháng này, các video có quay lại cảnh các chiến binh Taliban bay trên chiếc Mi-17. Tuy nhiên, vẫn chưa có dấu hiệu nào cho thấy Taliban đang triển khai trực thăng tham chiến.
Mỹ đã chuyển sang cung cấp Black Hawks cho Afghanistan trong những năm gần đây, một phần vì những hạn chế trong việc hợp tác với các nhà sản xuất và xuất khẩu vũ khí Nga. Tuy nhiên các phi hành đoàn Afghanistan đã được đào tạo để có thể bảo trì máy bay Mi-17. Theo Sigar, mức độ sẵn sàng của phi đội Black Hawk đã giảm một nửa - chỉ còn 39% trong giai đoạn từ tháng 4 đến tháng 6.
Trong nhiều năm, phi đội Mi-17 đã trở thành xương sống của lực lượng không quân Afghanistan, hoạt động thường xuyên để vận chuyển quân đội, cung cấp đạn dược và sơ tán thương vong.
Mỹ bắt đầu mua sắm trực thăng Mi-17 vào năm 2005, mua ít nhất 50 chiếc từ nhà xuất khẩu nhà nước Nga trước khi có kế hoạch mua thêm 30 chiếc trực thăng song vấp phải sự phản đối của Quốc hội vào năm 2013.
Lầu Năm Góc đã thúc ép để thỏa thuận được thông qua. "Họ đã sử dụng nó trong nhiều năm", Bộ trưởng Quốc phòng khi đó, Chuck Hagel, cho biết vào tháng 4/2013, Washington Post đưa tin. “Bảo trì dễ dàng, không phức tạp. Chúng tôi có thể nhận được nó khá nhanh chóng. Đó là thứ họ (Afghanistan) muốn”.
Trong khi người Afghanistan ngày càng có thể đảm nhận công việc bảo dưỡng chiếc máy bay tương đối đơn giản, thì việc kiếm được phụ tùng thay thế trong bối cảnh quan hệ nguội lạnh giữa Moscow và Washington đã trở thành một vấn đề nan giải.
Ông Mikheev cho biết: “Ngay sau khi các nhân viên bảo dưỡng ngừng hoạt động, thiết bị theo tiêu chuẩn của Nga sẽ không bay được”.
Khi Taliban đóng cửa ở Kabul , hàng chục phi công Afghanistan đã bỏ chạy cùng máy bay quân sự của họ qua biên giới sang Uzbekistan. Một tuyên bố của chính phủ Uzbekistan cho biết 46 máy bay Afghanistan, trong đó có 24 máy bay trực thăng, đã buộc phải hạ cánh xuống quốc gia Trung Á này. Phân tích các bức ảnh vệ tinh của máy bay cho thấy 19 chiếc có vẻ là Mi-17 và 9 chiếc là Black Hawks.
Mộc Miên (Theo Guardian)