Đối với xe ô tô
Căn cứ Điểm b Khoản 10 và Điểm h Khoản 12, Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định, không chấp hành yêu cầu kiểm tra về nồng độ cồn của người thi hành công vụ sẽ bị phạt tiền từ 30 - 40 triệu đồng.
Ngoài ra, tài xế xe thực hiện hành vi vi phạm còn bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 22 tháng đến 24 tháng.
Đây là mức phạt cao nhất đối với lái xe ô tô vi phạm vượt quá nồng độ cồn.
Đối với xe máy
Theo quy định tại Điểm g Khoản 8 và Điểm g Khoản 10, Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, xử phạt người điều khiển, người ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy không chấp hành yêu cầu kiểm tra về nồng độ cồn với mức phạt hành chính từ 6 - 8 triệu đồng.
Ngoài ra, theo quy định tại điểm e, điểm g, điểm h, điểm i khoản 8 Điều này, tài xế còn bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 22 tháng đến 24 tháng.
Đối với máy kéo, xe máy chuyên dùng
Theo quy định tại Điểm b Khoản 9 và Điểm e Khoản 10, Điều 7 Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định, không chấp hành yêu cầu kiểm tra về nồng độ cồn của người thi hành công vụ sẽ bị phạt từ 16 - 18 triệu đồng.
Ngoài ra, người điều khiển xe bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe (khi điều khiển máy kéo), chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ (khi điều khiển xe máy chuyên dùng) từ 22 tháng đến 24 tháng.
Như vậy, tất cả người điều khiển phương tiện khi không chấp hành thổi nồng độ cồn đều sẽ bị xử phạt hành chính ở mức cao nhất. Do đó, người dân khi đã uống rượu, bia không được lái xe để đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông, tránh mất tiền và giữ Giấy pheo lái xe thời gian dài.
Không thổi nồng độ cồn, CSGT có giữ xe không?
Theo Khoản 1, Điều 82 Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định:
“Điều 82 Tạm giữ phương tiện, giấy tờ có liên quan đến người điều khiển và phương tiện vi phạm
Để ngăn chặn ngay vi phạm hành chính, người có thẩm quyền xử phạt được phép tạm giữ phương tiện đến 07 ngày trước khi ra quyết định xử phạt đối với những hành vi vi phạm được quy định tại các Điều, Khoản, Điểm sau đây của Nghị định này và phải tuân thủ theo quy định tại Khoản 2 Điều 125 của Luật Xử lý vi phạm hành chính:
a) Điểm c khoản 6; điểm a, điểm c khoản 8; khoản 10 Điều 5;
b) Điểm b, điểm c khoản 6; điểm c khoản 7; điểm a, điểm b, điểm c, điểm d, điểm e, điểm g, điểm h, điểm i khoản 8; khoản 9 Điều 6;
c) Điểm c khoản 6; điểm b khoản 7; điểm a, điểm b khoản 8; khoản 9 Điều 7;”
Theo đó, khi không chấp hành yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn của CSGT thì ngoài việc bị phạt tiền và tước bằng lái như đã trình bày ở trên, bạn còn có thể bị tạm giữ phương tiện đến 07 ngày.
PV