(ĐSPL) - Tại hiện trường tai nạn giao thông nếu thấy có thể dẫn tới ùn tắc giao thông, thì phải đánh dấu các vị trí xe đổ, sau đó đưa cả 2 xe vào lề đường nơi có vị trí đỗ an toàn.
Mới đây, trên Quốc lộ 12, đoạn chạy qua địa phận huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình đã xảy vụ kẹt xe hy hữu.
Theo đó, khoảng 12h ngày 30/7, chiếc xe tải lưu thông trên đường Quốc lộ 12 theo hướng từ cửa khẩu Quốc tế Cha Lo (huyện Minh Hoá, Quảng Bình) để ra đường mòn Hồ Chí Minh. Khi đến khúc cua ở xã Dân Hoá thì bất ngờ va chạm với xe ô tô 9 chỗ chạy ngược chiều.
Cú đối đầu bất ngờ này làm cho phần đầu chiếc ô tô 9 chỗ bị hư nhẹ, còn xe tải không ảnh hưởng gì lớn. Cú va chạm khiến 2 chiếc xe quay ngang chiếm phần lớn lòng đường Quốc lộ 12.
Sau đó, 2 bên đã xảy ra cự cãi đến hơn 4 giờ đồng hồ, kéo theo toàn bộ phương tiện trên tuyến đường bị ùn tắc nghiêm trọng.
Chỉ đến khi Đội CSGT Số 7 – Phòng CSGT Công an tỉnh Quảng Bình và lực lượng CSGT Công an huyện Minh Hoá đã đến hiện trường phân luồng giao thông, đồng thời yêu cầu 2 xe về Công an huyện để giải quyết vụ việc thì các xe mới lưu thông trở lại được.
Quốc lộ 12 chỉ bắt đầu thông thoáng khi cơ quan chức năng mời hai tài xế khoái "đấu võ mồm" về làm việc - Ảnh: Báo Người Lao Động |
Có bị xử lý về hành vi "đấu võ mồm" làm tắc đường
Theo quy định của pháp luật, khi tham gia giao thông, tất cả mọi công dân đều phải tuân thủ luật giao thông cũng như những biển báo giao thông đường bộ Trường hợp người điều khiển ô tô, xe máy tham gia giao thông trên đường không may xảy ra va chạm hoặc tai nạn giao thông thì cần phải giữ nguyên hiện trường và điện thoại cho cơ quan công an nơi gần nhất đến giải quyết.
Tuy nhiên, trong hiện trường tai nạn giao thông nếu thấy để phương tiện nơi xảy ra vụ việc sẽ có thể dẫn tới ùn tắc giao thông, thì người điều khiển phương tiện phải đánh dấu các vị trí xe đổ, sau đó đưa cả 2 xe vào lề đường nơi có vị trí đỗ an toàn và chờ cơ quan chức năng đến giải quyết.
Trường hợp xảy ra va chạm, người điều khiển phương tiện tự ý cho xe vào lề đường, mà lại không đánh dấu các vị trí xe đổ thì khi cảnh sát giao thông đến sẽ lập biên bản theo lỗi cụ thể của từng trường hợp vi phạm. Cảnh Sát giao thông sẽ lập biên bản theo lỗi không giữ nguyên hiện trường của vụ tai nạn giao thông.
Nghị định 171/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy các mức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt đã nêu rõ các mức phạt cho từng đối tượng:
Đối với người điều khiển, người ngồi trên xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô
Theo quy định tại điều 5 của Nghị định: Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với người điều khiển xe gây tai nạn giao thông không dừng lại, không giữ nguyên hiện trường, bỏ trốn không đến trình báo với cơ quan có thẩm quyền, không tham gia cấp cứu người bị nạn.
Đối với người điều khiển, người ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy
Điều 6 Nghị định quy định phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với người điều khiển xe gây tai nạn giao thông không dừng lại, không giữ nguyên hiện trường, bỏ trốn không đến trình báo với cơ quan có thẩm quyền, không tham gia cấp cứu người bị nạn;
Đối với người điều khiển máy kéo, xe máy chuyên dùng
Điều 7 Nghị định quy định: Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi gây tai nạn giao thông không dừng lại, không giữ nguyên hiện trường, bỏ trốn không đến trình báo với cơ quan có thẩm quyền, không tham gia cấp cứu người bị nạn.
Đối với người điều khiển, người ngồi trên xe đạp, xe đạp máy, người điều khiển xe thô sơ khác
Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với hành vi vi phạm sau đây: Gây tai nạn giao thông không dừng lại, không giữ nguyên hiện trường, bỏ trốn không đến trình báo với cơ quan có thẩm quyền, không tham gia cấp cứu người bị nạn;
Như vậy, theo quy định của pháp luật có yêu cầu “trong hiện trường tai nạn giao thông nếu thấy để phương tiện nơi xảy ra vụ việc sẽ có thể dẫn tới ùn tắc giao thông, thì người điều khiển phương tiện phải đánh dấu các vị trí xe đổ, sau đó đưa cả 2 xe vào lề đường nơi có vị trí đỗ an toàn”, nhưng lại không có chế tài xử lý với hành động dẫn tới ùn tắc này.
Phải chịu cảnh tắc đường bởi chính ý thức của người tham gia giao thông
Chuyện xảy ra va chạm khi đi đường gần như là một hình ảnh thường nhật trên các tuyến đường. Tuy nhiên, phản ứng của người trong cuộc thì không ai giống ai.
Có cuộc va chạm sẽ kết thúc khi có một câu xin lỗi và một cái gật đầu thông cảm hoặc trong một lời diễn giải nhẹ nhàng và có một sự đồng ý chấp nhận bồi thường. Nhưng trong nhiều trường hợp khác, cách xử lý của những người liên quan tới vụ va chạm là những câu chửi rủa, trách mắng, thậm chí là những trận “đấu khẩu” nảy lửa hoặc ở mức cao hơn là lao vào đánh nhau. Và địa điểm cho những trận đối kháng này là ở…ngay trên đường, giữa dòng xe cộ đang tấp nập. Do đó, không biết khi phân tích nguyên nhân của vụ va chạm là ai sai ai đúng, nhưng hậu quả của việc cãi vã sau đó không còn là chuyện riêng của hai người nữa mà đã chuyện của cả…đoàn người.
Không táp xe vào lề đường, không đứng lên vỉa hè, sau va chạm, các chủ phương tiện cho cả xe và người ở giữa đường để cãi vã. Điều này đã tạo chướng ngại vật cho các đối tượng khác đang lưu thông trên đường. Vì vậy, ùn tắc đường rất dễ xảy ra.
Có thể thấy rằng, sau va chạm, qua cách ứng xử của đối phương như đổ lỗi, chửi rủa quá đáng, thậm chí ra đạp xe của mình, nhiều người đã tỏ ra bực bội và không thể kiềm chế cơn nóng giận. Vì vậy, họ sẵn sàng nói cho “ra ngô ra khoai” với người kia.
Trong cuộc đấu khẩu ấy, dường như những người trong cuộc đều đã quên mọi khung cảnh ở bên ngoài. Họ chỉ quan tâm tới sự vô lý của người kia và nghĩ cách để ứng phó lại. Còn các phương tiện xung quanh có bị chướng ngại vì họ hay không, đường có bị tắc vì họ hay không, họ cũng không coi đó là điều quan trọng. Và dĩ nhiên họ không thể nghĩ xa hơn là có ai đó bị trễ học, trễ giờ làm, hay trễ một buổi họp, lễ ký hợp đồng hay không, hoặc ngay cả nếu có người nào đó đang lo lắng, sợ hãi vì không biết có kịp đưa người thân tới bệnh viện cấp cứu hay không thì điều đó vẫn ở ngoài mối bận tâm của họ, vì họ đang “bận” cãi nhau!
Cách xử lý sau va chạm có lẽ là một bài học rất lớn mà mỗi người đi đường cần tự vun đắp cho mình. Mọi điều xảy ra trong nhẹ nhàng hay “đao to búa lớn” là tùy thuộc vào cách nhìn nhận, sau đó là thể hiện bằng lời nói, hành động của mỗi người.
Trong trường hợp không nhất thiết phải giữ nguyên hiện trường của vụ va chạm thì điều đầu tiên mà mỗi chúng ta cần làm đó là táp xe vào lề đường, ra khỏi khu vực đang đông xe cộ và cùng lên vỉa hè, sau đó mới tiến hành trao đổi với nhau. Đây có thể là một việc làm rất nhỏ, nhưng nếu như chủ phương tiện chỉ quan tâm tới cảm xúc tức thời của mình mà không nghĩ tới sự lưu thông của các đối tượng xung quanh thì đó là một gam màu buồn trong bức tranh giao thông.
GIA HUY
[mecloud]PRnIiw3P5l[/mecloud]