+Aa-
    Zalo

    Tại sao tử tù mà vẫn bị đưa vào vòng tố tụng?

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Ngày 14/9, Công an Hà Nội đã khởi tố vụ án trốn khỏi nơi giam giữ, đồng thời phát lệnh truy nã đặc biệt với hai tử tù Lê Văn Thọ (tức Thọ "Sứt", 37 tuổi, ở Hải Dương)

    Ngày 14/9, Công an Hà Nội đã khởi tố vụ án trốn khỏi nơi giam giữ, đồng thời phát lệnh truy nã đặc biệt với hai tử tù Lê Văn Thọ (tức Thọ "Sứt", 37 tuổi, ở Hải Dương) và Nguyễn Văn Tình (28 tuổi, ở huyện Quốc Oai).

    Trước đó, Lê Văn Thọ bị TAND tỉnh Hà Nam tuyên phạt 20 năm tù do phạm tội giết người, 10 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản; tử hình về tội mua bán trái phép chất ma túy. Tổng hợp hình phạt buộc bị cáo Lê Văn Thọ phải chấp hành chung cho cả ba tội là tử hình.

    Nguyễn Văn Tình cũng bị tuyên phạt tử hình về tội buôn bán ma túy trái phép.

    Sau khi bị tuyên án, tử tù Thọ "sứt" được chuyển đến trại tạm giam T16. Trong thời gian bị giam giữ tại đây Thọ có đơn kháng cáo. Hồ sơ vụ án được chuyển lên TAND cấp cao tại Hà Nội. Dự kiến cuối tháng 9 vụ án của Thọ sẽ được xử phúc thẩm.

    Tại sao đã là tử tù mà vẫn tiếp tục bị đưa vào vòng tố tụng, để xem xét hành vi, tội danh và hình phạt? Xung quanh vấn đề này, chúng tôi có trao đổi với luật sư Phạm Hồng Bách (Đoàn Luật sư Thành Phố Hà Nội):

    Luật sư Phạm Hồng Bách (Đoàn Luật sư Thành Phố Hà Nội)


    Phóng viên: Ông có bình luận gì về tội danh mà hai tử tù bỏ trốn mới bị khởi tố?

    Luật sư Phạm Hồng Bách: Hai phạm nhân bỏ trốn bị khởi tố về tội danh “trốn khỏi nơi giam giữ hoặc trốn khi đang bị dẫn giải, đang bị xét xử” theo điều 311 BLHS 1999. Hình phạt ở khoản 1 là tù từ 6 tháng đến 5 năm. Khoản 3 là từ 3 năm đến 10 năm.

    Tội phạm này thể hiện ở hành vi của người đang bị giam ( tức là đã có lệnh tạm giam hoặc đang chấp hành án tù) mà bỏ trốn (tức là thoát khỏi sự quản lý của trại giam, trại cải tạo, hoặc của người dẫn giải). Tội phạm này được thực hiện do cố ý. Nếu hành vi nói trên thực hiện nhằm chống chính quyền nhân dân thì bị xét xử theo điều 84 về tội chống phá trại giam.

    Theo thông tin thì hai phạm nhân trốn trại đều là những người đã bị lĩnh án tử hình, tại sao họ vẫn bị tiếp tục khởi tố để xem xét thêm tội?

    Vì tội phạm cũ mà người trốn trại phạm phải có hình phạt là tử hình nên chắc chắn sau khi xử lý thêm về tội danh trốn khỏi nơi giam giữ thì tổng hợp hình phạt vẫn là tử hình. Cho nên nhiều người sẽ cho rằng trường hợp này khởi tố, truy tố, xét xử là thừa. Nhìn nhận như vậy là chưa đúng.

    Một nguyên tắc quan trọng trong việc xử lý tội phạm đó là có tội thì phải bị xử lý. Mọi hành vi phạm tội phải được phát hiện kịp thời, xử lý nhanh chóng, công minh theo đúng pháp luật.

    Trên thực tế, hiện tượng này khá phổ biến. Bị cáo bị xử rất nhiều tội thì hình phạt chung là tổng hợp hình phạt của các tội khác nhau theo quy định của BLHS.

    Theo đó, khi xét xử một người đang phải chấp hành một bản án mà lại phạm tội mới, Tòa án quyết định hình phạt với tội mới, sau đó tổng hợp với phần hình phạt chưa chấp hành của bản án trước rồi quyết định hình phạt chung theo quy định tại điều 50 Bộ Luật hình sự.

    Nếu hình phạt nặng nhất trong số các hình phạt đã tuyên là tử hình thì hình phạt chung là tử hình.

    Một điều mà dư luận quan tâm đó là giả sử sau này hai phạm nhân trốn trại bị bắt lại, quy trình tố tụng sẽ là như thế nào?

    Đó sẽ là một quy trình tố tụng bình thường với quá trình điều tra, truy tố và xét xử theo quy định của Bộ Luật Tố tụng hình sự.

    Cảm ơn luật sư đã chia sẻ!


    Tâm Anh

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/tai-sao-tu-tu-ma-van-bi-dua-vao-vong-to-tung-a202041.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan