Tàn nhang là những đốm nhỏ trên da có màu nâu (đậm hoặc nhạt), vàng, đen, nằm riêng lẻ hoặc liên kết với nhau theo từng đám.
Chúng thường xuất hiện ở những vùng da tiếp xúc nhiều với ánh nắng mặt trời như vai, cổ, cánh tay, mặt… đặc biệt là gò má và mũi.
Mật độ và màu sắc của tàn nhang cũng có sự thay đổi theo mùa, chúng thường sẽ xuất hiện nhiều và đậm màu hơn vào mùa hè so với mùa đông.
Theo Bệnh viện Da liễu Trung ương, các nguyên nhân gây ra tàn nhang, bao gồm:
Nguyên nhân do di truyền: Tàn nhang có yếu tố di truyền. Nếu bố mẹ bị tàn nhang thì con cũng tiềm ẩn nguy cơ xuất hiện tàn nhang.
Tiếp xúc quá nhiều với ánh nắng mặt trời: Melanin sẽ được sản xuất để bảo vệ da khỏi tác hại của ánh nắng tuy nhiên nếu vượt ngưỡng cần thiết (khi bạn phơi nắng quá nhiều) thì chúng sẽ gây ra tàn nhang.
Thay đổi nội tiết tố: Sự thay đổi hormone có thể kích thích melanin sản xuất nhiều hơn và đây là loại tế bào hắc tố gây ra tàn nhang.
Lão hóa: Lão hóa là quá trình tự nhiên của cơ thể. Khi có tuổi, làn da sẽ dễ bị các tác nhân gây hại tấn công dẫn đến việc hình thành tàn nhang.
Chăm sóc da không đúng cách: Thói quen chăm sóc da và sử dụng mỹ phẩm cũng có thể là một trong những nhân tố tác động và có thể gây nên tàn nhang.
Làm gì để loại bỏ tàn nhang?
Tàn nhang không phải là vấn đề sức khỏe nghiêm trọng và không cần điều trị. Tuy nhiên, tàn nhang ảnh hưởng rất lớn đến thẩm mỹ, đặc biệt là những tàn nhang xuất hiện ở mặt. Do vậy, làm gì để xóa bỏ tàn nhang hoặc làm mờ các đốm da này là chủ đề được nhiều người quan tâm, nhất là các chị em phụ nữ.
Có một số phương pháp loại bỏ tàn nhang được áp dụng phổ biến hiện nay gồm:
- Điều trị tàn nhang bằng tia Laser.
- Sử dụng mặt nạ hóa học.
- Điều trị bằng phương pháp áp lạnh.
- Sử dụng các sản phẩm như AHA (alpha hydroxy acid) và TCA (trichloroacetic acid).
- Các loại kem chứa thành phần retinol.
Dựa trên nguyên nhân và tình trạng nám da, bác sĩ da liễu sẽ gợi ý phương pháp nào điều trị nám da là tốt nhất. Các sản phẩm chứa AHA và TCA được bán khá phổ biến trên thị trường, bạn có thể mua và sử dụng mà không cần kê đơn bác sĩ. Tuy nhiên, sử dụng không đúng cách có thể gây kích ứng da, trước hết hãy dùng thử trên một vùng da nhỏ và theo dõi các dấu hiệu của da.
Ngoài dùng chất hóa học thì điều trị tàn nhang bằng laser là phương pháp hiệu quả nhanh, tiện lợi được nhiều người lựa chọn. Một số loại tia laser có khả năng tái tạo bề mặt phân đoạn da, từ đó làm mờ tàn nhang ở các vùng da tiếp xúc nhiều với ánh nắng mặt trời. Khi sử dụng tia laser này trên da, các tế bào sắc tố biểu bì cũ bị đào thải, phản ứng dẫn đến tái tạo collagen và hình thành collagen mới.
Sau điều trị, da vẫn có thể tái phát tàn nhang do tiếp xúc với ánh nắng mặt trời hoặc tia UV từ các nguồn ánh sáng khác. Do vậy, để ngừa tàn nhang tái phát, cần lưu ý bảo vệ da tốt dưới ánh nắng mặt trời bằng kem chống nắng phổ rộng cùng mũ, nón, quần áo chống nắng khi ra ngoài.
Các phương pháp phòng ngừa tàn nhang hiệu quả như:
Luôn thoa kem chống nắng và bảo vệ da khỏi ánh nắng mặt trời; có chế độ ăn uống cân đối, khoa học và bổ sung các loại thực phẩm giàu vitamin A, C, E, selen, beta-carotene… hay có khả năng cải thiện tình trạng tàn nhang.
Chăm sóc da, sử dụng mỹ phẩm đúng cách, không lạm dụng đồng thời nên dùng các sản phẩm phòng ngừa sự hình thành của tàn nhang; nếu bạn đang gặp vấn đề với sự thay đổi nội tiết thì có thể cân nhắc sử dụng các loại thực phẩm chức năng với sự tư vấn của bác sĩ chuyên khoa như vitamin C, glutathione…
Thùy Dung (T/h)