Như đã đưa tin, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, lúc 6h hôm nay 22/12, Bắc Bộ chìm trong rét đậm, rét hại, có nơi xuống âm độ C.
Cụ thể, thời điểm này, nhiệt độ ở Bắc Bộ phổ biến 10-12,3 độ C, thủ đô Hà Nội 12 độ C. Trong đó, nhiều nơi xuống dưới 10 độ C như: Sa Pa (Lào Cai) 3,8 độ C; Cao Bằng 6,5 độ C; Bãi Cháy (Quảng Ninh) 8,9 độ C; Phù Liễn (Hải Phòng) 9,5 độ C. Đặc biệt, Mẫu Sơn (Lạng Sơn) nhiệt độ giảm sâu, xuống -2,2 độ C.
Cập nhật tình hình ở nhiều địa phương, do thời tiết giảm sâu đã xuất hiện sương muối, băng giá như: Tại huyện Mù Cang Chải (tỉnh Yên Bái) đã xuất hiện băng giá khi nhiệt độ giảm sâu xuống dưới 2 độ C. Đặc biệt, với độ cao 2.000 m so với mực nước biển, tại đỉnh La Pán Tẩn băng giá xuất hiện dày đặc.
Hay trên đường lên đỉnh Fansipan (thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai) xuất hiện băng giá ở điểm cao 2.300m so với mực nước biển.
Băng giá hay sương muối đều tạo nên cảnh tượng thiên nhiên kỳ thú.
Tuy nhiên, tại đỉnh núi Mẫu Sơn (tỉnh Lạng Sơn) cũng ghi nhận tình trạng nền nhiệt xuống thấp trong sáng nay nhưng vẫn không xuất hiện băng giá khiến nhiều người thắc mắc và bày tỏ sự tiếc nuối.
Lý giải cho hiện tượng này, ông Lưu Minh Hải, nguyên Giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn Lào Cai thông tin trên VTC News, đêm qua, không khí lạnh khô ảnh hưởng gây bầu trời quang mây khiến mức xạ nhiệt mặt đất lớn, làm nhiệt độ giảm sâu.
Mẫu Sơn nhiệt độ xuống tới -2,5 độ C nhưng không xuất hiện sương muối bởi tại đây có gió to.
Cụ thể, lúc 1h ngày 22/12, trạm khí tượng Mẫu Sơn đo được gió hướng đông bắc, tốc độ 16m/s. Lúc 7h cùng ngày, gió hướng đông đông bắc, tốc độ 17m/s (tương đương với gió trong áp thấp nhiệt đới, cấp 6-7).
"Gió thổi mạnh khiến hơi nước không thể ngưng tụ được để tạo thành sương muối. Để có sương muối điều kiện cần là nhiệt độ xuống dưới 0 độ C, điều kiện đủ là bầu trời từ ít đến quang mây, trời gió nhẹ hoặc lặng gió thì sương muối mới hình thành được.
Trong khi đó, đêm qua Mẫu Sơn trời quang mây, nhiệt độ thấp, nhưng gió mạnh. Điều kiện cần có nhưng điều kiện đủ không có", ông Hải nói.
Theo dự báo từ cơ quan khí tượng, ngày và đêm 22/12, nhiệt độ thấp nhất ở vùng núi Bắc Bộ 4-7 độ C, trung du, vùng đồng bằng Bắc Bộ, Thanh Hóa, Nghệ An 8-11 độ C, Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế 13-16 độ C.
Nhiệt độ thấp nhất trong ngày và đêm 23/12 ở vùng núi Bắc Bộ nhích nhẹ, phổ biến 5-8 độ C, trung du, vùng đồng bằng Bắc Bộ, Thanh Hóa, Nghệ An 9-12 độ C, từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế 14-17 độ C.
Đợt rét đậm, rét hại diện rộng này ở Bắc Bộ, các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An khả năng kéo dài đến khoảng ngày 25/12. Trung du và vùng núi phía Bắc có thể xảy ra băng giá và sương muối.
Ảnh hưởng của không khí lạnh, đêm qua và sáng sớm nay, Hà Tĩnh đến Khánh Hòa có mưa, mưa vừa, cục bộ mưa to. Lượng mưa tính từ 19h ngày 21/12 đến 3h ngày 22/12 có nơi trên 30mm như: Thạch Sơn (Hà Tĩnh) 34.6mm, Lộc Vĩnh (Thừa Thiên Huế) 44mm, Thọ Quang (Đà Nẵng) 56.5mm, Tam Trà (Quảng Nam) 42.6mm, Phổ Phong (Quảng Ngãi) 32.6mm, Vạn Phước (Khánh Hòa) 51mm…
Ngày và đêm 22/12, Hà Tĩnh đến Khánh Hòa tiếp tục có mưa, mưa vừa, cục bộ mưa to với lượng mưa 15-30mm, có nơi trên 50mm.
Từ ngày 23/12 đến 24/12, Đà Nẵng đến Bình Thuận khả năng xảy ra đợt mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và dông.
Mưa lớn cục bộ có thể gây ra lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc và tình trạng ngập úng tại các vùng trũng, thấp.
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cũng cảnh báo nhiệt độ giảm thấp có khả năng ảnh hưởng tới cây trồng, vật nuôi.
Bảo An (T/h)