Theo Ban Bí thư, đây là vụ việc rất nghiêm trọng, phức tạp, nhạy cảm và thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận xã hội.
Ngày 8/3, Ban Bí thư đã có văn bản đề nghị Thường trực Chính phủ, Thanh tra Chính phủ chỉ đạo và chịu trách nhiệm về Kết luận thanh tra, sớm công bố Kết luận thanh tra vụ việc Mobifone mua AVG bảo đảm khách quan, chính xác theo quy định của Đảng và pháp luật nhà nước với tinh thần kiên quyết, chặt chẽ, làm rõ đến đâu xử lý đến đó, đúng người, đúng vi phạm, đúng pháp luật và thu hồi tài sản nhà nước bị thất thoát.
Trước đó, ngày 1/8/2016, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đã ký công văn số 1344/TTg-V.I gửi Thanh tra Chính phủ về việc thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thường trực Ban Bí thư.
Công văn nêu rõ, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thường trực Ban Bí thư tại Văn bản số 1621-CV/VPTW ngày 22/7/2016 của Văn phòng Trung ương về việc tiến hành thanh tra toàn diện việc mua 95% cổ phần của AVG, Thủ tướng Chính phủ giao Thanh tra Chính phủ chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan khẩn trương tiến hành thanh tra toàn diện về Dự án MobiFone mua 95% cổ phần của AVG.
Vào thời điểm đó, trả lời câu hỏi: Cơ sở nào để quyết định thanh tra thương vụ Mobifone mua lại AVG? Bộ trưởng Mai Tiến Dũng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ - Người phát ngôn của Chính phủ nói: Chúng ta đều biết Mobifone là doanh nghiệp viễn thông hàng đầu Việt Nam và cũng là doanh nghiệp viễn thông đầu tiên thực hiện quá trình cổ phần hóa. Việc mua cổ phần nêu trên là hoạt động đầu tư lớn của doanh nghiệp, cho nên rất cần sự thận trọng.
Thương vụ Mobifone mua lại 95% cổ phần AVG đã chính thức bị hủy bỏ. Ảnh: VnEconomy. |
Theo Lao động, việc mua AVG được mô tả là để Mobifone nhanh chóng đuổi kịp các đối thủ cạnh tranh, trong khi là doanh nghiệp mới hình thành, chuyển từ kinh doanh viễn thông thuần tuý sang các dịch vụ giá trị gia tăng (GTGT), đa phương tiện và đặc biệt là "chen chân" vào lĩnh vực truyền hình vốn đã có quá nhiều đối thủ nặng ký, MobiFone không còn con đường nào khác là phải “đi tắt, đón đầu”.
MobiFone đã nhắm đến việc mua AVG theo một lộ trình đã được định sẵn. Theo đó, từ tháng 8/2015, Tổng Giám đốc MobiFone đã có công văn về việc lập dự án đầu tư dịch vụ truyền hình trong đó MobiFone đề cập tới phương án mua lại 90,1% cổ phần của Truyền hình An Viên (AVG).
Trước khi thuộc về Mobifone, AVG chưa có lãi bởi đầu tư ban đầu lớn (vốn điều lệ 1.800 tỉ) cũng như việc phát triển thuê bao cũng chỉ dừng lại khoảng 450.000 thuê bao - con số quá khiêm tốn so với gần 10 triệu thuê bao truyền hình trả tiền sau gần 5 năm hoạt động.
Vấn đề là Mobifone sẽ chấp nhận mua AVG với giá bao nhiêu khi mà ở thời điểm 31/12/2015, theo tính toán của Bộ Tài chính, vốn chủ sở hữu của Mobifone là 15.289 tỉ.
Để xây dựng giá mua phù hợp, MobiFone đã tham khảo và căn cứ vào ý kiến của nhà thầu tư vấn Công ty TNHH chứng khoán Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (VCBS) để định giá AVG. VCBS đã kết hợp với cơ quan chức năng thẩm định giá và đưa ra nhiều mức giá khác nhau.
Theo báo cáo số 142/MobiFone gửi Tổng Giám đốc MobiFone, VCBS đã thuê Công ty TNHH Hãng kiểm toán AASC thực hiện định giá AVG và cho ra kết quả: AVG giá 33.299,49 tỷ đồng, tương đương 1,5 tỷ USD.
Trên cơ sở định giá của AASC, VCBS đã tư vấn thêm cho MobiFone về cách định giá thận trọng hơn, kết quả giá trị của AVG giảm xuống còn 24.548,19 tỷ đồng, tương đương 1,124 tỷ USD. Tuy nhiên, để thận trọng hơn, VCBS cũng tiếp tục thuê thêm Công ty TNHH định giá Hà Nội - TPHCM để định giá theo phương pháp tài sản.
Theo cách tính của công ty này, giá trị của AVG chỉ còn 18.520 tỉ đồng, tương đương 847,6 triệu USD. Cuối cùng để cho chắc chắn, MobiFone đã thuê thêm một đơn vị thẩm định giá được Bộ Tài chính cấp phép xác định giá trị của AVG theo phương pháp tài sản là 16.565 tỷ đồng, theo phương pháp thu nhập là 17.184 tỷ đồng.
Nghĩa là AVG đã được “định giá” ở 4 mức khác nhau, dao động từ 33.299 tỷ xuống thấp nhất là 16.565 tỷ đồng.
Trên cơ sở định giá, MobiFone đã nhanh chóng đưa ra kế hoạch kinh doanh của AVG sau khi MobiFone mua lại cổ phần. Theo đó, nếu việc mua bán hoàn thành trong 2016 thì doanh thu thuần của AVG đạt 1.251 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế là 91 tỷ đồng. Cho đến năm 2020, dự kiến doanh thu thuần của AVG sẽ là trên 7.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế sẽ đạt 1.876 tỷ đồng.
Tháng 1/2016, MobiFone hoàn tất thương vụ mua AVG. Tuy nhiên, phía MobiFone chỉ xác nhận là mua 95% cổ phần của AVG còn giá trị bao nhiêu thì hai bên không tiết lộ. Ông Lê Nam Trà - nguyên Chủ tịch HĐTV Mobifone đã chính thức từ chối tiết lộ vì đây là “điều khoản bảo mật giữa 2 bên, Mobifone không thể tiết lộ được”.
Sau một thời gian ngắn tiếp quản AVG, ông Lê Nam Trà - nguyên Chủ tịch HĐTV Mobifone đã tuyên bố có lãi. Cụ thể, họ phát triển thêm được 168.000 thuê bao và lãi 6,4 tỉ đồng. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, cần xem xét mức độ đáng tin cậy của con số này bởi thị trường truyền hình đã gần bão hòa và việc xoay chuyển AVG từ chỗ rất lỗ sang lãi không đơn giản như vậy.
Minh Thư(T/h)