“Một bộ phận cán bộ suy thoái, biến chất đã lợi dụng kẽ hở của pháp luật để làm giàu bất chính”, ĐBQH Nguyễn Hoàng Mai nêu quan điểm.
Lần thứ ba, dự thảo luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) lên bàn thảo luận của ủy ban Thường vụ Quốc hội vào phiên họp thứ 27 đang diễn ra tại Hà Nội.
Trước đó tại phiên họp thứ 23 (tháng 4/2018) và 26 (tháng 8/2018), dự thảo Luật cũng đã làm nóng không khí thảo luận với một số nội dung còn nhiều ý kiến khác nhau. Hội nghị Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) hoạt động chuyên trách vừa qua cũng đã dành 1 ngày để thảo luận về Luật này (ngày 6/9). Tại kỳ họp thứ 4, thứ 5, Quốc hội cũng đã cho ý kiến về dự án Luật.
Một trong những vấn đề được đưa ra bàn luận nhiều lần là phương án xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm không giải trình được hợp lý về nguồn gốc (quy định tại Điều 57 dự thảo Luật – PV). Qua phiên họp 27 vừa qua, ủy ban Tư pháp đã “gom” lại 2 phương án lựa chọn bao gồm: Đánh thuế thu nhập cá nhân và kiện ra tòa để đề nghị tịch thu.
Nếu được đồng thuận cao, dự kiến luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) sẽ được Quốc hội thông qua vào kỳ họp thứ 6 diễn ra vào tháng 10/2018 với quy trình thông qua 3 kỳ họp.
Biệt thự Mai Chi trên đỉnh núi Tam Đảo do ông Trịnh Xuân Giới - bố của Trịnh Xuân Thanh đứng tên. Nguồn ảnh: Internet. |
Vấn đề tài sản, thu nhập của quan chức, cán bộ còn thiếu cơ chế công khai, minh bạch như thời gian qua, nhiều trường hợp không thể xác định được nguồn gốc khối tài sản kếch xù.
Ví dụ trong vụ án Trịnh Xuân Thanh, bố đẻ của bị cáo đứng tên những khu bất động sản có giá trị rất lớn nhưng hiện không thể xác định được tài sản đó có phải là do Trịnh Xuân Thanh tham nhũng mà có rồi nhờ người thân đứng tên hay không? Nhiều cán bộ, công chức đóng thuế thu nhập cá nhân hằng tháng chỉ một vài triệu đồng nhưng ở biệt thự, đi xe sang, tài sản lớn lại đứng tên vợ, con hoặc cha mẹ…
Dư luận băn khoăn, tài sản kếch xù đó không tự nhiên mà có, cũng không phải từ tích cóp những đồng lương công chức Nhà nước ít ỏi mỗi tháng, nhưng bản thân người trong cuộc là những cán bộ, quan chức đang thụ hưởng nó lại không giải trình được một cách hợp lý về nguồn gốc số tài sản này. Vậy nên, việc cán bộ lao động đến thối cả móng tay, hay chăn lợn, buôn chổi đót, chạy xe ôm… để xây biệt phủ vẫn là những câu chuyện khiến nhiều người phải bật cười.
Xung quanh những thắc mắc này, PV báo Người Đưa Tin đã có cuộc phỏng vấn ĐBQH Nguyễn Hoàng Mai, Phó Chủ nhiệm ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội để cùng lý giải câu hỏi: Vì sao, tài sản kếch xù mà cán bộ lại không giải trình được hợp lý?
ĐBQH Nguyễn Hoàng Mai cho rằng, có cán bộ muốn giấu giếm tài sản nên giải trình chưa hợp lý. |
PV: Tài sản là vật chất hiện hữu, là nhà lầu, xe hơi, là biệt phủ, xe sang… vì sao phần tài sản thu nhập tăng thêm này cán bộ lại không thể giải trình được một cách hợp lý và để lại dư luận rất nhiều băn khoăn, nghi ngại về tính minh bạch của nó, thưa ông?
ĐBQH Nguyễn Hoàng Mai: Thực tế, ai cũng có thể giải trình được, nhưng vấn đề là họ giải trình có hợp lý hay không mà thôi. Nếu họ có ý muốn giấu giếm hoặc số tài sản đó không phải là từ nguồn thu nhập chính đáng, họ giải trình là của cha mẹ để lại, của anh em họ hàng hỗ trợ, của vợ kinh doanh hợp pháp mà có… thì làm sao bắt bẻ họ được thêm nữa – trừ khi có những bằng chứng xác thực phủ nhận tất cả những điều đó.
Khi bị khơi ra tài sản kếch xù, vị cán bộ đó thường khẳng định do ông bà để lại, bản thân lao động chân tay mà có được, thậm chí lao động đến thối cả móng tay, hay đó là thành quả của một đời buôn chổi đót, chạy xe ôm… chẳng hạn. Họ giải trình như vậy cũng là lý do, nhưng vấn đề là người dân thấy chưa thỏa đáng.
Thực tế, hiện chúng ta đang thiếu một quy định cụ thể về vấn đề này và các cơ quan trong đó có Quốc hội đang bàn rốt ráo. Tôi nghĩ rằng, chống tham nhũng không phải chỉ có luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) mà có cả một hệ thống văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến kinh tế, tài chính... khác. Ngoài ra, có một loạt các văn bản điều chỉnh hoạt động của cán bộ công chức. Vấn đề là chúng ta vận hành và áp dụng pháp luật làm sao cho hiệu quả.
PV: Vâng thưa ông, đã là cán bộ - công bộc của dân, bản thân họ mang trên vai không chỉ là trách nhiệm, nghĩa vụ mà còn là niềm tin, là kỳ vọng của người dân. Khi người cán bộ không thành thật, giải trình bằng những lý do bất hợp lý thì chỉ càng khiến người dân mất lòng tin. Ông nghĩ sao về điều này?
ĐBQH Nguyễn Hoàng Mai: Một bộ phận cán bộ suy thoái, biến chất đã tạo nên điều đó. Họ lợi dụng kẽ hở của pháp luật để làm giàu bất chính.
Tuy nhiên, cũng cần nhìn nhận một cách thấu đáo, xem xét đầy đủ. Đúng ra phải gọi rộng hơn là tài sản không hợp pháp. Có hai trường hợp: Một là nguồn thu nhập có thể từ tham nhũng, thứ hai có thể là nguồn từ thu nhập không hợp pháp. Chúng ta không thể khẳng định hay suy đoán đó là tài sản tham nhũng được. Vì luật đã quy định tài sản tham nhũng sẽ bị tịch thu.
Vấn đề ở đây là cả hệ thống quản lý về tài chính còn kẽ hở nhất định nên không thể kiểm soát tốt nguồn tiền mà một cán bộ có, không thể phân biệt nguồn tiền đó từ tham nhũng, hoạt động phi pháp ngầm mà có hay do làm ăn chân chính tạo nên.
Vậy mới nói, việc giải trình là giải trình được nhưng vấn đề là giải trình đó có hợp lý hay không mà thôi. Điều này đến nay chúng ta chưa có cơ chế tốt để kiểm soát.
PV: Quay trở lại vấn đề kê khai tài sản, hiện nay giám sát kê khai chưa hiệu quả. Ông đánh giá thế nào?
ĐBQH Nguyễn Hoàng Mai: Khi cán bộ kê khai tài sản lần đầu, cần triển khai kiểm tra, xác minh ngay tính hợp pháp của tài sản đó. Tôi nghĩ cần thay đổi cách thức đi thẩm tra các tài sản của cán bộ khi kê khai lần đầu để nắm rõ nguồn gốc và giám sát phần phát sinh thêm sau này.
PV: Cán bộ có trình độ, học thức, họ tự nhận biết được đâu là phần tài sản tăng thêm bất hợp lý, đâu là tài sản chính đáng hay không chính đáng. Nhưng biệt phủ vẫn mọc lên ở nhiều nơi, phải làm sao để giải quyết triệt để biểu hiện tham nhũng quyền lực này, thưa ông?
ĐBQH Nguyễn Hoàng Mai: Đúng là những trường hợp cán bộ đó đã lợi dụng quyền lực. Trong bất cứ một thể chế nào cũng vậy, khi đã có quyền lực sẽ có nguy cơ lợi dụng, lạm dụng quyền lực. Vấn đề là chúng ta cần cơ chế hợp lý để kiểm soát quyền lực cho thật tốt.
Cần siết chặt hơn nữa vấn đề kiểm soát quyền lực của cán bộ bằng hệ thống pháp luật hiện hành. Luật PCTN chỉ là một phần trong hệ thống để phòng chống tham nhũng. Như tôi đã nói ở trên, chúng ta cần làm tốt cả việc thực thi các pháp luật khác – là những công cụ hữu hiệu để phòng, chống tham nhũng.
PV: Trân trọng cảm ơn ông về cuộc trao đổi!
Sợ mất ghế: Ông Phạm Trọng Đạt, Cục trưởng cục Chống tham nhũng – Thanh tra Chính phủ: “Cán bộ không thể giải trình được nguồn gốc tài sản thu nhập tăng thêm chỉ có thể là có sự “làm luật”. Họ không kê khai tài sản vì giấu giếm, sợ kê khai không đảm bảo an toàn cho chiếc ghế của mình. Quan chức chủ yếu là giấu giếm tài sản, tìm cách để giấu tài sản. Bởi vậy mới cần các biện pháp xử lý nguồn tài sản này. Ai cũng có thể nghi ngờ, nhưng không thể chứng minh được tài sản tham nhũng thì cũng không thể xử lý được. Quốc hội đang bàn luận và chắc chắn sẽ có giải pháp hợp lý cho vấn đề này”. Đường đi lắt léo: “Tài sản kếch xù có thể trực tiếp tham nhũng hoặc dán tiếp thông qua các bộ phận trung gian, nhưng vấn đề chứng minh tài sản đó là tham nhũng thì chưa thể làm được. Cần tiến tới hạn chế dùng tiền mặt. Tham nhũng đó không thể liệt kê được vì nó biến tướng tinh vi qua sinh nhật con, tiễn con đi học… hay bất cứ một sự kiện nào đó”, PGS.TS. Đặng Ngọc Dinh - Giám đốc trung tâm Nghiên cứu phát triển Hỗ trợ cộng đồng. |
Dương Thu/Người Đưa Tin