+Aa-
    Zalo

    Tai nạn trên truyền hình thực tế: Đừng mang tính mạng làm trò chơi

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Các chương trình truyền hình thực tế ở nước ta dường như ngày càng tăng độ nguy hiểm đến... tính mạng người tham gia.

    (ĐSPL) - Các chương trình truyền hình thực tế ở nước ta dường như ngày càng tăng độ nguy hiểm đến... tính mạng người tham gia. Thỉnh thoảng, khán giả lại chứng kiến một màn biểu diễn bị sự cố và người chơi phải “đổ máu”. Mới đây nhất là màn song đấu khiến võ sư Kim Tuấn gãy răng và một bé gái 16 tuổi bị chảy máu. Vấn đề đặt ra là sự an toàn của các chương trình thực tế đầy nguy hiểm này liệu có được đảm bảo?

    Chưa mua được vui, máu đã đổ

    Mấy ngày gần đây, dư luận xôn xao về việc hai thí sinh đổ máu trong chương trình Song đấu. Hai thí sinh “đối đầu” này là võ sư Kim Tuấn (54 tuổi) lột dừa khô bằng răng và cô bé Mỹ Linh (16 tuổi) lột dừa bằng cây nằm (vật dụng giống như dao nhưng có mũi chĩa thẳng lên trời, được làm bằng thép). Trong quá trình thi đấu, anh Tuấn bị gãy một chiếc răng, còn Linh bị cây nằm đâm vào tay chảy máu. Điều đáng nói, khi Linh bị chảy máu ở tay, tự dừng màn thi đấu, thì cả khán đài kể cả MC chỉ chú tâm vào cổ vũ, reo hò cho thí sinh còn lại. Trong màn thi đấu này, cả hai thí sinh đều phải “đổ máu”.


    Đã có rất nhiều ý kiến lên án màn thi đấu của chương trình này. Nhiều cư dân mạng cho rằng, màn thi đấu của hai thí sinh chỉ mang tính giải trí, câu khách, riêng tính nhân đạo, nhân văn còn hạn chế. Chương trình cũng coi thường sức khỏe của người tham gia. “Chỉ vì muốn mua vui, tạo hấp dẫn cho khán giả mà khiến thí sinh bị thương như vậy có hợp lý hay không?”, một khán giả bình luận.

    Cũng trong chương trình Song đấu, màn “đối đầu” “hơi ai dài hơn” giữa người thổi sáo Tấn Vũ và chàng thợ lặn Hữu Thời khiến khán giả vô cùng lo lắng. Anh Thời nín thở bằng cách ngụp mặt trong một chiếc chậu bằng kính. Do nín thở quá lâu, khi màn thi đấu kết thúc, anh ngã về phía sau, chiếc chậu rơi xuống và bị vỡ. Ngay lập tức, nhân viên của chương trình phải ra sân khấu để giúp thí sinh có thể thở lại bình thường. Dường như những người thực hiện cũng nhận thấy độ nguy hiểm của màn thi đấu, nên trên trang mạng xã hội của chương trình cũng để tiêu đề “Màn song đấu khiến khán giả đứng tim”.


    Điểm qua các game show trên sóng truyền hình thời gian gần đây, khán giả dễ dàng nhận thấy có nhiều màn biểu diễn rất nguy hiểm, ghê rợn. Và các tiết mục nguy hiểm ngày càng xuất hiện nhiều hơn. Chẳng hạn như chương trình Tìm kiếm tài năng Việt, khán giả không khỏi thót tim khi xem các màn biểu diễn nuốt rắn, cầm thương nhọn đâm vào yết hầu, dao xuyên qua mũi, dùng đầu đập đinh vào trán, nuốt lưỡi cưa vào cổ... Hay trong chương trình Cuộc đua kỳ thú, các đội chơi phải trải qua những thử thách vô cùng nguy hiểm... Thậm chí, có ý kiến còn cho rằng nguyên nhân là do chương trình thực tế càng mạo hiểm thì càng “ăn” khách.

    Có thể nói, màn “mất máu” trên sóng truyền hình ở chương trình Song đấu không phải là tai nạn đầu tiên trong các game show. Ắt hẳn khán giả còn nhớ vụ việc thí sinh Tấn Phát uống nhầm axit trong chương trình Tìm kiếm tài năng Việt từng gây tranh cãi trong khoảng thời gian dài. Cũng trong chương trình này, nghệ sỹ xiếc Minh Công thực hiện màn nuốt dao lam đã bị chảy máu ngay trên sân khấu...

    Chấp nhận rủi ro để đổi miếng cơm manh áo

    Sự bùng nổ các tiết mục mạo hiểm, có thể gây tai nạn cho người chơi trong các game show truyền hình, khiến khán giả đặt ra câu hỏi về tính an toàn của các tiết mục. Bà Đỗ Kim Nhung (đại diện công ty hiện chương trình Song đấu, ê-kíp đã thực hiện khâu tuyển chọn rất kỹ lưỡng. Các đấu sỹ muốn tham gia chương trình phải có giấy chứng nhận kỷ lục đã đạt được. Đối với những đấu sỹ hành nghề lâu năm, vẫn phải trải qua khâu kiểm tra của ban tổ chức. Trong quá trình quay luôn có đội ngũ y tế túc trực thường xuyên từ ban đầu cho đến khi kết thúc. Ngoài ra, các đấu sỹ khi tham gia chương trình cũng được ban tổ chức mua bảo hiểm”.

    Trong khi đó, đại diện chương trình Tìm kiếm tài năng Việt xác nhận, trước khi thực hiện các tiết mục, nghệ sỹ phải trải qua vòng kiểm tra kĩ lưỡng. Tuy nhiên, do tính chất của các tiết mục nên việc xảy ra sự cố đáng tiếc là khó tránh khỏi và nằm ngoài sự tính toán của người chơi. Đây cũng chính là lý do mà một số thí sinh trong lúc tham gia chương trình đã không hoàn thành tiết mục. Tuy nhiên, do chương trình luôn có đội ngũ y tế túc trực nên bất kỳ sự cố đáng tiếc nào xảy ra đều được giải quyết nhanh và thỏa đáng.

    Trao đổi với PV báo ĐS&PL, nghệ sỹ xiếc Minh Công cho hay, khán giả xem truyền hình nhìn thấy các tiết mục tham gia trong các game show là nguy hiểm, đáng sợ. Tuy nhiên, thực chất, có rất nhiều người chọn các nghề nguy hiểm này để sinh sống. Trong quá trình tập luyện, họ phải đánh đổi bằng mồ hôi, nước mắt và có khi bằng máu. Do đó, không ít nghệ sỹ có màn biểu diễn hấp dẫn gửi đến khán giả đã phải đổi bằng các vết sẹo trên thân thể do sự cố ngoài ý muốn xảy ra. Tuy nhiên, khi đã chọn nghề này thì không ít người phải chấp nhận rủi ro để đổi miếng cơm manh áo.

    Bị tai nạn vì bắt chước game show

    Cách đây chưa lâu, cháu Trần Quang Nhật (11 tuổi, ngụ huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai) nhập viện vì bắt chước game show Không giới hạn – Sasuke Việt Nam trên truyền hình. Cháu xem clip của chương trình này và bắt chước leo lên hai bức tường song song, hẹp bằng cách chống hai tay, hai chân vào tường và di chuyển lên cao. Cháu cũng học theo chương trình tạt nước lên tường để tăng chất dính. Khi leo lên chừng 2m thì cháu bị trượt té và bị gãy hai tay.

    HUY CƯỜNG

    Mời độc giả xem thêm video Giải trí:

    [mecloud]X8M3dVt8zl[/mecloud]

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/tai-nan-tren-truyen-hinh-thuc-te-dung-mang-tinh-mang-lam-tro-choi-a125257.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.