(ĐSPL) Đã gần 40 năm trôi qua, trải qua bao sóng gió cuộc đời, ông Nguyễn Văn Thành vẫn không thể quên những năm tháng bi hùng của thời làm “lãnh chúa” hang vàng khe Đá Mài.
Cũng ngần ấy thời gian, ký ức đau thương về vụ sập hang vàng, vùi chôn hơn 40 mạng người, vĩnh viễn xóa sổ ước vọng làm giàu của bao cuộc đời nghèo khó, vẫn không hề nguôi ngoai trong ông…
Những ký ức buồn
Rít sâu một hơi thuốc lào, chầm chậm nhả những làn khói trắng, ký ức xa xưa như một cuốn phim quay chậm, rưng rưng trở về trong lời kể của đại ca “Ba Chòm”. Hồi ấy, ngay sau khi phát hiện ra hang vàng trong khe Đá Mài, rồi tự mình chui vào hang thám thính rồi đào đãi vàng, ông Thành nhận thấy, hang vàng khe Đá Mài là một hang vàng nguyên sơ, chưa từng được ai khai thác. Ông thông báo cho người thân đến để đào đãi vàng.
Ảnh minh họa. |
Tiếng lành đồn xa, tin đồn về hang vàng do ông Thành phát hiện nhanh chóng được người dân trong thôn, xã biết đến. Dân làng bảo nhau mang xô, chậu, cuốc, xẻng tìm tới hang vàng Đá Mài.
Cứ thế, một đồn mười, mười đồn trăm, dân liên xã, trong huyện cũng kéo đến, hàng trăm người ầm ĩ, náo loạn mỗi ngày. An ninh trật tự trong xã vì thế mà bị ảnh hưởng. Hang vàng, dù do ông Thành phát hiện, nhưng đó là “của Trời”, không thể cấm, không thể giữ để một mình ông hưởng lợi được. Càng không thể để tình trạng mất an ninh, trật tự tiếp diễn mãi. Vắt óc suy nghĩ mấy đêm liền, ông Thành quyết tâm thiết lập một “thể chế” để trấn giữ trật tự ở hang vàng khe Đá Mài.
Nghĩ là làm, ông Thành một mình lần tìm đến những bưởng vàng, tìm những tay “anh chị” có khí phách, đồng chí hướng, đặt vấn đề thành lập “Ban quản lý” để cùng ông quản lý trật tự hang vàng. “Ban quản lý” hang vàng khe Đá Mài nhanh chóng được thành lập, dưới sự đồng thuận của ông Thành và hơn chục đệ tử giang hồ khác. Để gây thanh thế và tạo uy lực, ông Thành đưa ra những quy định khá nghiêm ngặt và yêu cầu tất cả các phu vàng đến đào đãi vàng ở khe Đá Mài phải tuân theo.
Ông Thành kể, thời đó, việc đào đãi vàng tuy diễn ra ở bề rộng, phu vàng xuất hiện ở khắp nơi, nhưng hầu như hành vi đào đãi vàng hoặc chỉ mang tính tự phát cá nhân, hoặc để phục vụ lợi ích của một nhóm người. Việc lập ban quản lý, đặt ra thể chế để quản lý trật tự và kiểm soát hành vi của phu đào vàng của ông Thành là việc làm tiên phong, táo bạo, có sách lược đàng hoàng.
Theo đó, những người đến đào đãi vàng ở hang vàng khe Đá Mài phải nộp một khoản tiền bãi, tiền mua đất đãi vàng theo giá quy định. Ông Thành cũng quy định, chỉ được lưu trú trong hang một lượng người, trong một lượng thời gian nhất định, để đảm bảo sự an toàn tính mạng, đáp ứng được nhu cầu đào đãi của các phu vàng. Ông Thành cũng tuyệt đối lưu ý, ngăn chặn những va chạm, đánh đấm, tranh giành lãnh địa đối với các phu vàng.
Vốn là người thông minh, nhanh nhẹn, khỏe mạnh bẩm sinh, lại được tôi luyện trong môi trường sỹ quan quân đội, võ nghệ, bắn súng, vượt rào, bơi lội, cái gì ông Thành cũng thạo. Danh tiếng của ông vì thế được giới phu vàng rất trọng vọng. Ông đi đến đâu cũng có người cung phụng, muốn ăn gì, muốn mặc gì đều có đệ tử sẵn sàng phục vụ.
Ông Thành để tóc chỏm trái đào, đeo súng K54, tiếng là đại ca, là “lãnh chúa” nhưng ông chẳng chèn ép, bắt nạt ai bao giờ. Ngược lại, ông luôn công bằng, bênh vực những người yếu thế và rất nghiêm với tất cả các phu vàng. Chính bởi lẽ đó, dưới sự quản lý của ông Thành và các đệ tử, trật tự hang vàng được giữ ổn định.
Suốt một thời gian dài, chỉ có những cãi vã, tranh chấp cá nhân, chứ tuyệt nhiên không có những cuộc đâm chém đẫm máu nào diễn ra trên lãnh thổ xã Cẩm Sơn. Chính quyền xã, huyện đến tìm ông, chứng kiến những việc làm của ông, họ đã chấp nhận cái “thể chế” của ông, như một biện pháp góp phần cùng chính quyền địa phương trấn áp tội phạm, giữ gìn an ninh, trật tự trên địa bàn.
“Thời đó, tôi sướng như vua ấy. Khát có người mang nước đến tận miệng. Đói là có những mâm rượu thịt tú ụ bày sẵn ở cửa hang. Muốn gì được nấy. Nhưng phải cái tội, tôi chẳng tham lam, chiếm đoạt của ai. Có lẽ vậy mà mấy năm quản lý hang vàng, lúc ra đi tôi vẫn là người tay trắng...”, ông Thành hồi tưởng.
Những bước chân lưu lạc
Rít thêm mấy hơi thuốc lào, ông tiếp: “Chẳng nhớ thì thôi, nhớ lại tôi vẫn thấy tim mình đau nhói. Hình ảnh cả hang đá đổ sụp, những tảng đá to như mái nhà lấp kín các cửa hang, chôn vùi thân xác của hơn 40 con người xấu số, vẫn là những hình ảnh bi thương theo ám ảnh tôi suốt hơn 40 năm qua...”. Giọng ông Thành nghèn nghẹn, đôi mắt già nua hằn sâu dấu chân chim ầng ậng những giọt nước mắt. Có chút gì như tiếc nuối, như xót xa, như đau đớn, trong lời kể của ông...
Ông Thành ngậm ngùi nhắc đến vụ sập hang vàng hơn 40 năm trước. |
Theo lời kể của ông Thành, thường thì mọi ngày ông là người duy nhất có quyền cho ai ra, ai vào đào đãi vàng ở hang vàng khe Đá Mài. Đường xuống hang vàng khe Đá Mài nhỏ hẹp, dốc đứng, chỉ đủ sức chứa một vài người trong lòng hang.
Có những đoạn hang tối om, trơn trượt, phu vàng phải dùng đèn pin vừa buộc trên đầu, vừa cầm trên tay mới đủ ánh sáng để chui vào, mà cũng chỉ nhích được từng chút một. Chính vì hiểu nằm lòng địa thế hang vàng khe Đá Mài, lại biết nắm bắt thời tiết để linh động lượng người ra vào, nên ông Thành rất nghiêm khắc trong việc quản lý người ra vào đào đãi vàng trong hang.
Hôm đó, do có việc quan trọng của gia đình, phải đích thân ông giải quyết, nên ông Thành đã căn dặn đám đệ tử phải quản lý cẩn thận những người đào đãi vàng, lúc ông vắng mặt. Ông cũng dặn đi dặn lại không để cho người đào vàng kéo nhau ồ ạt xuống hang, bởi không thể biết trước được nguy hiểm nào đang rình rập.
“Tôi đã dặn kỹ như thế, mấy thằng đó (tức đám đệ tử của ông Thành - PV) cũng “vâng dạ” ra chiều nghe lời tôi lắm, nên tôi mới yên tâm giao việc quản lý hang vàng cho bọn chúng. Ai ngờ, sau khi tôi đi, những người đào vàng vì không muốn chờ đợi lâu, đã đút tiền cho đám đệ tử để được chui vào hang. Một người đút tiền vào được, thì người khác cũng làm như thế để được vào.
Đám người đua nhau, chen nhau, ồ ạt chui vào hang. Do quá tải, hang vàng đã sập xuống, những tảng đá to chắn cửa hang, vĩnh viễn vùi chôn hơn 40 mạng người trong hang vàng...”, ông ngậm ngùi kể.
Giải quyết xong công việc trở về, ông Thành như chết đứng trước cảnh tượng tan hoang kinh hoàng ở khu đào đãi vàng. Không thể tìm thấy xác bất cứ một người nào trong hang vàng, bởi những tảng đá to như mái nhà đã sập xuống, bít kín những lối vào dù là nhỏ nhất. Hơn 40 mạng người vĩnh viễn bị chôn vùi đau đớn trong lòng hang vàng khe Đá Mài.
Hang vàng bị xóa sổ, những đệ tử của ông Thành cũng vì sợ liên đới mà trốn biệt. Bản thân ông Thành, dù không phải chịu trách nhiệm trong việc gây ra cái chết của hơn 40 phu vàng xấu số, nhưng do quá đau đớn, xót thương, ông cũng bỏ quê hương đi biệt xứ.
Hơn 40 năm đã qua. Nỗi đau cũng đã lùi vào dĩ vãng. Dấu tích hang vàng xưa giờ chỉ còn là những phiến đá vô tri. Bao người đã giàu lên từ hang vàng. Cũng bao nhiêu người khốn đốn, mất cả cơ đồ vào việc tìm kiếm vàng. Bao nhiêu người phải chết oan ức... Ông cũng không muốn nhớ nữa. Quá khứ với những vết thương rỉ máu, ông xin được coi như một trải nghiệm đau đớn thuộc về quá khứ.
Cất bước rời khỏi quê hương, ông Thành không tiếc nuối, cũng không hy vọng. Bản thân ông lúc đó có gia đình mà như không có, những người thân của ông vì sợ “vạ miệng”, sợ điều tiếng nên đã ngấm ngầm dứt bỏ ông. Quá đau đớn mà ông phải dứt áo rời bỏ quê hương, chứ kỳ thực ngày đó ông không biết đi đâu, về đâu...
NGUYỄN HẠNH - TÔ HIỂN
Xem thêm video:
[mecloud]cCT1O4rLaV[/mecloud]