(ĐSPL) - Không phải tới khi những vụ tai nạn giao thông xảy ra với mức độ nghiêm trọng, câu chuyện lái xe đường dài nghiện ma túy, chất gây nghiện mới được nhắc đến.
Thực tế cho thấy, nhiều năm qua, hiện tượng người nghiện ngồi sau vô lăng gây tai nạn trên đường không hiếm.
Mới đây, một thông tin rúng động dư luận được sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP.HCM đưa ra: Có hàng trăm lái xe taxi dương tính với chất gây nghiện. Đến giờ phút này, trên cả nước, chưa có con số chính xác bao nhiêu “con nghiện” đang chở khách “làm xiếc” trên đường.
Những cái chết được báo trước
Có lẽ, sẽ chẳng ai có thể quên được vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng xảy ra vào đầu tháng 10/2014 tại Đắk Lắk trên Quốc lộ 14 làm 2 người chết và nhiều người bị thương nặng. Theo nhân chứng của vụ tai nạn, lúc đó vào khoảng 16h30 ngày 1/10/2014, ô tô khách BKS: 47B-004.88 do Trần Thế Nam (34 tuổi, trú ở phường Ea Tam, TP. Buôn Ma Thuột) điều khiển chạy theo hướng Gia Lai – Đắk Lắk. Khi đi đến Km 611+ 200m Quốc lộ 14 đoạn đi qua địa phận thôn 1 (xã Ea H’Leo, huyện Ea H’Leo), thấy xe chạy phía trước chắn đường, Nam tăng tốc chạy lấn sang phần đường bên trái để vượt.
Khi Nam điều khiển chạy ngang và song song với xe ô tô khách cùng chiều thì phát hiện phía trước, cách khoảng 50m, có một xe mô tô đi ngược chiều, Nam đạp phanh để giảm tốc độ thì bánh xe phía trước bên phải nổ lốp, xe bị mất lái lao về phía lề đường bên trái, tông vào xe mô tô BS: 77M2-1844 do ông Võ Trung Tr. điều khiển phía sau chở bà H.
Sau cú tông, xe ô tô lật nhào nhiều vòng và dừng lại ở lề đường phía bên trái. Hậu quả, làm ông Tr. và bà H. tử vong tại chỗ, 12 người khác bị thương. Khi cơ quan công an đến hiện trường điều tra thì hành khách mới tá hỏa với sự thật, lái xe Nam là một con nghiện ma túy.
Thậm chí, hắn đã cướp đi mạng sống của 2 hành khách rồi, thì vẫn còn trong trạng thái “phê” ma túy. Ngày 31/1 mới đây, TAND huyện Ea H’Leo (Đắk Lắk) đã mở phiên tòa xét xử bị cáo Nam về hành vi vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ. Sau giờ nghị án, HĐXX tuyên phạt Nam 10 năm tù.
Hiện trường một vụ tai nạn. |
Mới đây nhất, một vụ tai nạn giao thông do kẻ nghiện cầm vô lăng cũng khiến dư luận hoang mang. Thời điểm đó là ngày 10/1/2015, trên tuyến đường tránh TP. Huế́, xe container BKS 29C-240.51 không làm chủ được tốc độ đã đâm vào ô tô đi ngược chiều của lực lượng cảnh sát giao thông đang làm nhiệm vụ. Vụ tai nạn khiến một cảnh sát giao thông bị chấn thương sọ não. Theo cơ quan công an, trước khi xảy ra tai nạn, tài xế đã dừng lại chích ma túy nên bị ảo giác, không làm chủ được tay lái.
Có lẽ, đã 2 năm trôi qua nhưng người dân vẫn ám ảnh khi nhắc đến vụ tai nạn thảm khốc tại xã Phong An, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên – Huế, làm chết 7 người, 6 người bị thương. Đó là buổi trưa định mệnh ngày 30/4/2013 trên Quốc lộ 1A.
Xe khách mang BKS 38N – 5435 đang lưu thông trên đường thì bị xe container BKS 29C-065.76 đâm trực diện. Sau đó, nhiều người ngỡ ngàng khi biết lái xe container là một con nghiện ma túy. Do “phê” thuốc, hắn đã chạy quá tốc độ và cướp đi hạnh phúc của 7 gia đình.
Và, tưởng rằng những con nghiện chỉ núp danh dưới những tài xế đường dài thì thông tin của sở GTVT TP.HCM khiến nhiều người thực sự hoang mang. Sau khi khám sức khỏe, 122 lái xe đã bị phát hiện dương tính với chất gây nghiện. Đây là các lái xe thuộc hai hãng taxi lớn nhất TP.HCM.
Không chỉ ở TP. HCM, đầu tháng Bảy vừa qua, sở GTVT TP. Hải Phòng đã phát hiện 8 lái xe có kết quả dương tính với ma túy. Ngoài ra, cơ quan này còn phát hiện 752 lái xe khác có bệnh lý cần phải điều trị. Trước đó, trong năm 2014, tại thành phố này cũng phát hiện 100 tài xế dương tính với chất gây nghiện.
Có lẽ, thảm khốc nhất là vụ tai nạn giao thông tại Lào Cai vào đêm 1/9/2014. Được biết, sau khi tránh chiếc xe ô tô 4 chỗ, xe khách BKS 29B – 085.82 do tài xế Nguyễn Hữu Thọ điều khiển đã mất lái, lao xuống vực sâu khiến 13 người tử vong và 40 người bị thương.
Sau đó, đích thân Bộ trưởng bộ GTVT đã chỉ đạo điều tra tài xế này bởi Bộ trưởng nhận tin báo tài xế điều khiển xe tai nạn bị nghiện ma túy. Vụ việc này như một tiếng chuông cảnh báo về tình trạng lái xe sử dụng chất kích thích.
Nhiều người lo lắng trước thông tin lái xe taxi dương tính với chất gây nghiện (ảnh minh họa). |
Hay một minh chứng cho những tài xế “tử thần” sử dụng ma túy chính là vụ tai nạn xe khách tông vỡ lan can cầu 14, rớt thẳng xuống sông Sêrêpốk (Đắk Lắk) vào đêm 17 rạng sáng ngày 18/5/2012 làm 34 người chết và hơn 20 người bị thương. Sau quá trình điều tra, cơ quan công an kết luận, tài xế điều khiển chiếc xe là Phạm Ngọc Lâm có tiền án 7 năm tù vì mua bán và sử dụng ma túy.
Tại Nghệ An, cách đây không lâu, sở GTVT đã tổ chức khám sức khỏe cho hơn 2.400 tài xế thuộc 43 doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh vận tải trên địa bàn tỉnh, qua đó phát hiện 20 tài xế dương tính với ma túy, 40 tài xế bỏ khám giữa chừng không qua khâu xét nghiệm nước tiểu để phát hiện chất ma túy.
Và, tại Hà Nội, ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó Giám đốc sở GTVT cho biết: Trong đợt tổng kiểm tra sức khỏe tài xế năm 2014 trên địa bàn, các doanh nghiệp vận tải đã khám sức khỏe cho 25.500 tài xế, trong đó có 17.000 tài xế taxi. Kết quả, 57 tài xế không đạt yêu cầu về sức khỏe do có biểu hiện dương tính với chất gây nghiện, mắc các bệnh về thị giác.
Chiều 18/9, trao đổi với PV báo ĐS&PL, ông Lê Quý Tiệp, Phó giám đốc sở GTVT Hải Dương cho biết: “Chúng tôi vừa tiến hành kiểm tra sức khỏe cho các lái xe thuộc các công ty vận tải trên địa bàn vào đầu tháng Chín.
Địa điểm khám sức khỏe là bệnh viện của ĐH Kỹ thuật Y tế Hải Dương. Qua trá trình làm các xét nghiệm, chúng tôi phát hiện, có khoảng hơn 20 tài xế không đạt tiêu chuẩn và dương tính với chất gây nghiện”.
Các “ông chủ” luôn điệp khúc: Không có gì
Theo thông tin từ sở GTVT TP.HCM, phần lớn trong 122 tài xế dương tính với ma túy thuộc hai hãng taxi Vinasun và Mai Linh. Theo yêu cầu của sở GTVT TP.HCM, các doanh nghiệp phải cho các tài xế xét nghiệm lại tại viện Pasteur TP.HCM. Các tài xế sẽ bị buộc thôi việc nếu kết quả xét nghiệm tiếp tục dương tính với chất ma túy.
Trước thông tin này, chiều ngày 17/9, hãng taxi Vinasun ra thông cáo báo chí: Gần đây có thông tin, một số lái xe nghiện ma túy mà vẫn hành nghề, trong đó có lái xe Vinasun. Vinasun khẳng định, khi tuyển dụng, tất cả lái xe phải khám sức khỏe theo quy định của pháp luật, căn cứ giấy khám sức khỏe của cơ quan y tế cấp huyện hoặc tương đương trở lên, được lưu trong hồ sơ dự tuyển để xem xét.
Để tìm hiểu rõ hơn về sự việc này, chúng tôi đã liên hệ với các hãng taxi có tài xế dương tính với chất gây nghiện. Chiều ngày 17/9, trao đổi với PV báo ĐS&PL, ông Tạ Long Hỷ, Phó Tổng Giám đốc thường trực công ty cổ phần Ánh Dương – Giám đốc hãng taxi Vinasun cho biết: “Trong đợt kiểm tra năm nay, Vinasun có 84 trường hợp dương tính với chất gây nghiện. Trong tuần tới, chúng tôi sẽ cho 84 lái xe này đến trung tâm y tế để kiểm tra lại ở trung tâm Y tế Q.3”.
Khi PV hỏi về hình thức kiểm tra, ông Hỷ xác nhận, các tài xế sẽ được kiểm tra máu, nước tiểu để xác định xem là dương tính với cụ thể là chất gây nghiện gì. Nếu như xác định là dương tính với chất ma túy thì công ty sẽ dứt khoát chấm dứt hợp đồng. Còn nếu không dương tính với ma túy mà là một chất khác, ví như do đang uống thuốc hay một chất gây nghiện khác thì sẽ phải xem lại.
Trước câu hỏi quy trình tuyển tài xế của taxi Vinasun, ông Hỷ cho rằng, công ty có quy trình tuyển tài xế rất chặt chẽ nhưng không dám nói là tuyệt đối được. “Tôi lấy ví dụ như khi tài xế nộp hồ sơ ban đầu có giấy chứng nhận đủ sức khỏe để lái xe của các cơ sở y tế từ quận, huyện trở lên thì không được phép từ chối. Còn trong quá trình làm việc, nếu phát hiện những phát sinh, công ty sẽ yêu cầu lái xe kiểm tra lại”, ông Hỷ nói.
Trong khi đó, đại diện taxi Mai Linh phản ánh, lãnh đạo đơn vị thực hiện theo đúng pháp luật, phát hiện trường hợp tài xế dương tính với ma túy sẽ cho nghỉ việc ngay. Về quy trình tuyển tài xế cũng thực hiện hết sức nghiêm ngặt. Ngoài giấy chứng nhận đủ sức khỏe để lái xe ban đầu, theo quy định, công ty cũng phối hợp với các cơ sở khám bệnh phù hợp với tài xế tại các quận, huyện để thăm khám theo định kỳ. Được biết, trong đợt kiểm tra vừa rồi, Mai Linh có 16 trường hợp dương tính với chất gây nghiện.
Ở góc độ là một doanh nghiệp vừa là khách hàng thường sử dụng dịch vụ taxi, ông Nguyễn Trí Cường, Giám đốc một công ty tại Q. Bình Thạnh, TP.HCM bày tỏ, việc các cơ sở khám chữa bệnh cấp giấy chứng nhận đủ sức khỏe để lao động là chưa chặt chẽ.
Vì đa phần việc thăm khám này đều hỏi – đáp và việc làm này cũng thường được tiến hành rất nhanh, rất ít khi thực hiện các thủ thuật chuyên sâu như xét nghiệm, siêu âm... Do đó, cũng khó tránh khỏi hiện tượng tài xế sử dụng ma túy. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp chưa chú trọng đến sức khỏe của người lao động, yêu cầu đi khám định kỳ theo kiểu cho có lệ mà thôi.
Trong khi đó, chiều ngày 17/9, PV báo ĐS&PL đã liên hệ với sở GTVT TP.HCM để làm rõ hơn thông tin Sở đã đưa ra. Tuy nhiên, cán bộ hành chính ở đây cho biết, hiện lãnh đạo đang đi vắng, đề nghị PV gửi công văn hoặc đăng ký để lãnh đạo cử người phát ngôn.
Kiểm tra sức khỏe tài xế phụ thuộc vào địa phương
Trao đổi với PV báo ĐS&PL về vấn đề này, ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia khẳng định: “Vấn đề kiểm tra sức khỏe đối với các lái xe đã có trong kế hoạch của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia từ đầu năm 2015. Nó trở thành hoạt động định kỳ của các ban An toàn giao thông các địa phương.
Chẳng hạn, nếu năm ngoái địa phương này đã tiến hành kiểm tra sức khỏe cho toàn bộ tài xế rồi thì năm nay không làm nữa. Hoặc như nếu các địa phương cảm thấy vẫn cần thiết, họ tiếp tục triển khai. Thực ra, trong năm 2015, các địa phương đều thực hiện việc này, nhất là các địa phương có lượng phương tiện giao thông lớn như Hà Nội , TP.HCM, Hải Phòng...”.
Văn Chương - Phạm Thiệu - VPMN
Xem thêm video:
[mecloud]XW5conEzJH[/mecloud]