Lễ hội phát lương Đức Thánh Trần được người dân địa phương hàng năm tổ chức nhằm tưởng nhớ công lao to lớn của Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn.
Theo báo TTXVN, tối 10/2 (tức ngày 14 tháng Giêng năm Đinh Dậu), tỉnh Hà Nam tổ chức lễ đón nhận Bằng ghi danh Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia lễ hội đền Trần Thương và Lễ phát lương Đức Thánh Trần.
Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh, lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, tỉnh Hà Nam, cùng đông đảo nhân dân và du khách thập phương đã dự lễ.
Các đại biểu lãnh đạo Đảng, Nhà nước về dự buổi lễ - Ảnh: TTXVN |
Theo báo Nhân Dân, lễ phát lương đức Thánh Trần được tổ chức vào đêm 10 rạng sáng 11/2/2017 (tức đêm 14, rạng ngày 15 tháng Giêng năm Đinh Dậu) tại sân đền Trần Thương (xã Nhân Đạo, huyện Lý Nhân, Hà Nam). Đây là một nghi thức nhằm tái hiện một sự việc cụ thể về “Phát quân lương” của quân đội nhà Trần khi xưa.
Lễ hội được tổ chức để tưởng nhớ công lao to lớn của vị anh hùng dân tộc, Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn.
Năm 2017, Ban tổ chức phối hợp với nhà đền tổ chức 37 điểm phát lương với 150.000 túi lương thảo tại khu vực nhà khách 7 gian, Miếu Thổ thần và sân tâm linh đã tạo điều kiện để nhân dân và du khách về dự đều được nhận lương cầu may đầu xuân.
Du khách về với lễ hội phát lương sẽ nhận được một túi lụa màu đỏ ngoài ấn và thẻ, bên trong túi lương của Đức Thánh Trần năm Đinh Dậu còn có 5 loại hạt chủ lực của vùng đất Lý Nhân sản xuất đó là: đỗ đỏ, đỗ xanh, ngô đỏ, đậu tương và nếp cái hoa vàng.
Nghi thức phát lương đền Trần Thương là một nét văn hoá riêng có của tỉnh Hà Nam và cũng là bản sắc riêng của văn minh lúa nước vùng châu thổ sông Hồng. Vì thế, lễ hội phát lương tái hiện “Phát quân lương” còn là giá trị văn hoá cần giữ tại kho lương Trần Thương. Lễ hội phát lương Đức Thánh Trần năm 2017 là năm thứ 7 được tổ chức trên quy mô lớn.
Lễ hội phát lương tại đền Trần Thương - Ảnh: báo Nhân dân |
Báo Pháp luật Plus dẫn lời đại diện lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nam (VH,TT&DL), Sở đã chỉ đạo ban tổ chức thực hiện đúng quy định, mỗi di tích không quá 3 hòm công đức, còn lại là đèn dầu nhang. Bộ VH,TT&DL sẽ cử đoàn về kiểm tra công tác tổ chức lễ hội tại địa phương, không để những tiêu cực, tồn tại diễn ra trong lễ hội.
Để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho các đại biểu và nhân dân về tham dự lễ hội, Công an tỉnh Hà Nam đã chủ động xây dựng, triển khai, kế hoạch phối hợp với chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, phòng chống cháy nổ, an toàn giao thông trên địa bàn; huy động hơn 600 cán bộ chiến sĩ cùng các phương tiện thường trực ở 16 chốt trong và ngoài khu vực tổ chức Lễ hội.
(Tổng hợp)