(ĐSPL) - Trước nguy cơ mai một của lễ hội thể hiện tinh thần đoàn kết Kinh - Thượng trong buổi đầu lên lập nghiệp trên vùng đất Tây Nguyên của người Việt, chiều ngày 26/2, tỉnh Gia Lai đã quyết định tái hiện Hội hát cầu huê của người Việt ở vùng An Khê, sau hơn 50 năm bị thất truyền.
Các thế kỷ trước, Hội hát cầu huê nằm trong khuôn khổ lễ hội tế Xuân. Đây là lễ hội lớn nhất trong các hoạt động của người Việt ở An Khê (nay là thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai). Thời điểm chính của lễ hội là ngày 10/2 (Âm lịch) hàng năm, khi nhân dân tổ chức tế Xuân ở đình An Lũy. Trong 3 ngày hội có các hoạt động như diễn voi, đua ngựa, bắn cung, đấu võ, tiệc rượu cần, hội cồng chiêng và hát bội. Đây là dịp giao lưu, buôn bán của cả người Việt, người Bahnar và các dân tộc thiểu số khác.
Không gian lễ hội hát cầu huê được tái hiện lại. |
Hơn nửa thế kỷ qua, lễ hội hát cầu huê gần như đã không còn tồn tại, đặc biệt là hoạt động của khu vực chợ Kinh - Thượng tại Gò Chợ đã mất hẳn. Hiện nay, ở An Khê chỉ còn lại 3 cụ đã từng chứng kiến lễ hội này và nay đã trên 80 tuổi.
Với yêu cầu tái hiện được một phần cơ bản không gian lễ tế Xuân truyền thống, chiều ngày 26/2, tỉnh Gia Lai đã quyết định tái hiện Hội hát cầu huê của người Việt ở vùng An Khê.
Hát bội được tái hiện trong Hội hát cầu huê |
Chợ Kinh – Thượng được tái hiện |
Tại lễ hội tái hiện lần này, có các khu vực vui chơi, giao lưu của người Kinh và người Thượng, khu vực chợ, khu vực hát cầu huê (gồm hát bội, hát bài chòi, hát giao duyên, đánh cồng chiêng…). Hội hát cầu Huê chỉ diễn ra trong một ngày.