(ĐS&PL) Vào những ngày này, Nghệ nhân Lê Gia Hiền (Lê Xuân Hiền) ở xã Hải Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa đang chăm chút những tác phẩm cây cảnh nghệ thuật tâm đắc của mình để chuẩn bị đi dự Festival Sinh Vật Cảnh tỉnh Thanh Hóa lần thứ III từ ngày 5 - 10/10/2019. Một trong những tác phẩm ông tâm đắc nhất chính là tác phẩm Sanh có tên gọi như cổ tích: Chuyện tình Cây và Cối.
Cụ Lê Xuân Ngôn (95 tuổi), Bác của Nghệ nhân Lê Gia Hiền bên tác phẩm Cây và Cối |
Như chúng ta đã biết, "Cây cối" là danh từ ghép để chỉ thực vật nói chung. Dựa vào danh từ này, có một gia đình đã truyền nhau nhiều đời một tác phẩm cây Sanh được trồng trong một chiếc cối thủng chôn. Và sự biến đổi của thời gian cùng với ý tưởng của người tạo tác đã tạo dựng ra một tác phẩm gắn với danh từ cây cối.
Bao người phải trầm trồ vị sự độc đáo của tác phẩm |
Trầm ngâm bên tác phẩm gia truyền của gia đình, Nghệ nhân Lê Gia Hiền tâm sự: Tác phẩm chuyện tình Cây và Cối được tạo tác nuôi trồng từ thời ông nội của nghệ nhân Hiền truyền qua đời cha ông và đến đời ông cũng đã chơi được mấy chúc năm. Tác phẩm là gia bảo truyền thống của gia đình gắn với những vần thơ đã đi vào tiềm thức của một gia đình nông dân tần tảo ở Xứ Thanh:
Cây Sanh nội trồng trong cối thủng
Vật báu gia truyền để trước sân
Lâu ngày rễ khỏe xuyên qua đáy
Năm tháng trường tồn: Cổ - Kỳ - Văn.
Giải thích rõ hơn về quá trình hình thành tác phẩm, Nghệ nhân Lê Gia Hiền cho biết, chiếc Cối là vật dụng gần gũi với những người nông dân dùng để giã gạo, ngô, khoai, sắn...Qua thời gian, với sự bào mòn qua nhiều lần sử dụng đã khiến cho phần chôn bị thủng và trở thành một vật bỏ đi.
Chiếc cối nằm lơ lửng trên thân cây |
Tuy nhiên, dưới con mắt của những người nghệ nhân dân gian đã biến nó thành chiếc chậu trồng cây cảnh hữu ích. Chiếc cối thủng chôn theo hình phễu thôn nhỏ ở phần tâm tâm của đáy cối, vô tình trở thành chiếc chậu cảnh rất phù hợp cho việc thoát nước đối với cây trồng trong nó.
Một ngày kia, ông nội của nghệ nhân Lê Gia Hiền phát hiện một cây Sanh nhỏ mọc ở khe tường nhà. Có lẽ cây Sanh này do chim tha hạt từ vùng xa về. Nội của ông đã quyết định trồng nó trong một chiếc cối đá thủng chôn. Lâu ngày cây phát triển, sức sống mãnh liệt đã đâm thủng xuyên qua lỗ thoát nước dưới đáy. Ngày qua ngày nó đâm sâu vào lòng đất mẹ lấy sinh khí và dưỡng chất để trưởng thành nhanh chóng.
Chiếc rễ trưởng thành đã đủ sức nhấc bổng chiếc Cối khỏi mặt đất. Dần dần quá trình "đấu tranh" quăng quật giữa chiếc Cối và Cây cứ âm thầm diễn ra. Cối thì lạnh lùng trơ gan cùng tuế nguyệt, còn Cây thì uyển chuyển thuận theo lẽ tự nhiên mà vươn mình đón nước, gió, khí trời để trưởng thành nhanh như Thánh Gióng vươn vai.
Tác phẩm mang dấu ấn thời gian |
Qua khoảng hơn 100 năm, chẳng ai còn nhận ra chính cái Cối năm xưa mới là giá thể để nâng đỡ hạt giống nảy mầm và nuôi dưỡng Cây non tơ trưởng thành qua năm tháng mà người ta chỉ nhìn ra Cây đang mang chiếc Cối nặng trên mình.
"Cây Sanh thuộc dòng sanh Nam Điền quý hiếm, có dáng trực tượng trưng cho sự ngay thẳng trượng phu. Tổng thể tác phẩm đã cho thấy sức sống mãnh liệt, sự trường tồn và khả năng thích nghi với môi trường xung quanh. Cây sanh trường thành già theo năm tháng cùng với chiến cối là chứng tích mang dấu ấn của thời gian. Tác phẩm cũng cho thấy sự tương giao giữa mộc và thạch, hai yếu tố tưởng chừng như đối lập, mâu thuẫn nhau. Cây là vật thể sống, thay đổi hàng ngày. Cối là vật thể chết ổn định. Trên một tác phẩm chứa đựng nhiều giai tầng văn hóa, nhiều câu chuyện ẩn chứa bên trong...", Nghệ nhân Lê Gia Hiền chia sẻ.
Ngắm tác phẩm mỗi người sẽ có những suy tưởng về ý nghĩa triết luận riêng. Người thì nhận ra, mọi sự đều tương sinh qua lại hỗ trợ lẫn nhau trong quá trình sinh tồn và phát triển. Nếu chỉ đánh giá sự vật hiện tượng tại một thời điểm nhất định mà bỏ qua cả một quá trình sẽ khó tránh khỏi sai lầm về sự vận động không ngừng của vạn vật, cũng như bản chất thật sự của hiện tượng, sự vật đó.
Chiếc cối trở thành vật trang trí cho tôn vinh giá trị của cây |
Người thì suy ngẫm về sự phát triển của con người và vạn vật. Phát triển là một quá trình vận động không ngừng. Nó chạy theo một logic nhất định nào đó, có thể theo một đường thẳng, có thể phải quanh co gấp khúc, thậm chí là sự phủ định lẫn nhau để sinh tồn và phát triển. Tuy nhiên, một sự phát triển hài hòa, thuận theo lẽ tự nhiên, có sự kế thừa một cách khoa học hướng sự phát triển bền vững mới là sự phát triển thực sự cần thiết.
Cũng có người lại suy ngẫm về cội nguồn, quê hương với những dấu ấn của không và thời gian mãi không bao giờ phai nhạt trong ký ức của mỗi người. Dù đục dù trong nơi ấy vẫn là khoảng lặng không gì có thể khỏa lấp...Phải chăng đó chính là thông điệp từ tác phẩm cây cảnh trên mà Nghệ nhân Lê Gia Hiền muốn gửi gắm!
Tác giả bên tác phẩm |
Nhớ chuyến đi về Xứ Thanh cùng Nhà báo Đỗ Phượng năm 2017, nghệ nhân Lê Gia Hiền lại gần chụp ảnh lưu niệm cùng. Khi anh vừa đến, nhà báo Đỗ Phượng bắt tay vui vẻ trò chuyện thân mật: "Cậu có tác phẩm gọi là Cây và Cối nhưng nên gọi là "Cội nguồn" sẽ đúng hơn cả về ý nghĩa nhân văn lẫn chiều sâu tác phẩm".
Từ đó, để thể hiện sự trân trọng lời huấn thị của bậc trưởng bối trong làng Sinh Vật Cảnh, nghệ nhân Lê Gia Hiền và nhiều người đã gọi tác phẩm "Chuyện tình Cây và Cối" với tên gọi mới là "Cội nguồn". Tác phẩm độc đáo mang trong mình những câu chuyện "huyền tích" của một gia đình có truyền thống yêu cây nêu trên đã xuất hiện tại nhiều cuộc trưng bày, triển lãm lớn của cả nước. Vẻ đẹp và sự hấp dẫn của nó được mọi người đánh giá ở những khía cạnh khác nhau nhưng tác phẩm này đã thành công khi tác giả đã biết gửi gắm ở trong đó một câu chuyện rất rõ ràng. Cũng vì thế sức sống của tác phẩm ngày càng được khẳng định khi nó đã đi vào văn thơ hò vè trong dân gian:
Trọn đời cây cối bên nhau
Khúc ca thắm giữa bao la đất trời
Chuyện tình "cây cối" giữa đời
Ngàn năm bền chặt những lời yêu thương.
Quyết Tuấn