+Aa-
    Zalo

    Tác hại của việc rung lắc trẻ sơ sinh mà bố mẹ cần biết

    (ĐS&PL) - Theo các chuyên gia, việc rung lắc mạnh có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe trẻ nhỏ, bé có thể gặp các tổn thương não hoặc di chứng thần kinh lâu dài, trường hợp nặng có thể gây xuất huyết võng mạc mắt, giảm thị lực hoặc mù…

    Theo tài liệu của Tiến sĩ, Bác sĩ Nguyễn Công Nghĩa - Trưởng khoa Sản - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City, hội chứng trẻ bị lắc (Shaken Baby Syndrome - SBS) hay đôi khi được gọi là chấn thương đầu kiểu ngược đãi (Abusive Head Trauma) được mô tả lần đầu tiên vào những năm 1970, nhưng được sự chú ý và nghiên cứu đặc biệt vào khoảng 10 năm gần đây.

    Hội chứng này là dạng nặng của chấn thương đầu và não gây ra bởi rung lắc mạnh trẻ sơ sinh hoặc trẻ nhỏ. Hội chứng này thường xảy ra ở trẻ dưới 2 tuổi tuy nhiên có thể tới 5 tuổi, và gặp nhiều nhất ở trẻ dưới 9 tháng.

    tac hai cua viec rung lac tre so sinh ma bo me can biet1

    Việc rung lắc mạnh có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe trẻ nhỏ, thậm chí tử vong. Ảnh minh họa

    Hội chứng này thường bắt nguồn từ việc rung lắc mạnh nhằm dỗ cho trẻ bớt khóc, hoặc những động tác đơn giản khi chơi đùa nhưng làm thay đổi tư thế trẻ nhanh đột ngột như: trẻ đang nằm được bế thốc dậy, tung cao trẻ, bồng trẻ đưa lên đưa xuống nhanh, nhấc bổng trẻ lên cao làm máy bay… đều có thể gây nguy hại đến trẻ dù chỉ với thời gian ngắn.

    Ở trẻ em, đặc biệt là trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, trọng lượng đầu trẻ chiếm khoảng 25% trọng lượng cơ thể, não bộ chưa phát triển nhiều. Khi bị rung lắc mạnh, nhất là động tác tung hứng, quay vòng tròn mạnh... sẽ rất dễ làm tổn thương não và các mạch máu trong não, dẫn đến phù và tăng áp lực nội sọ.

    VTC New dẫn lời Tiến sĩ, bác sĩ Đoàn Thị Mai - Giảng viên khoa Y, trường Đại học Phenikaa cho biết, trẻ bị hội chứng rung lắc thường có các dấu hiệu như: Rối loạn tri giác ở nhiều mức độ; Lừ đừ, vật vã, hoặc hôn mê; Co giật; Nôn; Bú kém hoặc bỏ bú; Nhịp thở chậm và bất thường; Thóp phồng; Ngoài ra, trẻ bị thương tổn liên quan đến bạo lực như bầm tím mặt, da đầu, cánh tay, lưng hoặc bụng…

    Các tổn thương não sẽ để lại nhiều di chứng thần kinh lâu dài cho trẻ. Tổn thương nhẹ có thể làm cho trẻ chậm phát triển tinh thần, mất khả năng nói năng lưu loát, giảm khả năng học tập… Nếu tổn thương nặng có thể gây xuất huyết võng mạc mắt, giảm thị lực hoặc mù, liệt thần kinh, co giật, thậm chí gây tử vong.

    tac hai cua viec rung lac tre so sinh ma bo me can biet2
    Việc rung lắc trẻ thường bắt nguồn từ việc phụ huynh, người thân muốn dỗ bé ngừng khóc hoặc chơi đùa với bé. Ảnh minh họa

    Để chẩn đoán chính xác tình trạng bệnh, sau khi hỏi về các triệu chứng và quá trình bệnh của trẻ, bác sĩ sẽ thăm khám lâm sàng để đánh giá vị trí tổn thương và khám mắt nhằm kiểm tra các chấn thương ở mắt và xuất huyết võng mạc. Sau đó trẻ sẽ được làm các xét nghiệm cần thiết để kiểm tra các dấu hiệu tổn thương não giúp xác nhận chẩn đoán, bao gồm: Chụp cắt lớp vi tính (CT scanner); Chụp cộng hưởng từ (MRI); Chụp X-quang xương: để tìm kiếm các xương bị gãy như cột sống, xương sườn và hộp sọ; Xét nghiệm máu... để loại trừ các nguyên nhân tiềm ẩn khác.

    Theo các chuyên gia  hộp sọ của trẻ mềm và lớn hơn nhiều so với tổ chức não, khoảng cách giữa nhu mô não và hộp sọ của trẻ lớn, vì vậy khi rung lắc sẽ gây va đập giữa nhu mô não và hộp sọ. Hậu quả tương tự như khi người lớn bị chấn thương sọ não.

    Bên cạnh đó, do trọng lượng đầu của trẻ bằng khoảng 1/4 cơ thể, trong khi cột sống cổ và các dây chằng chưa vững chắc, dễ chấn thương. Việc va đập cũng khiến đụng dập tổ chức não, ngoài ra còn khiến các mạch máu bị tổn thương gây xuất huyết, tạo thành các đám máu tụ, gây tăng áp lực nội sọ.

    Hội chứng rung lắc có thể gây các biến chứng muộn, thậm chí nhiều năm sau khi bị rung lắc như trẻ chậm phát triển trí tuệ, chậm nói, nghe kém, giảm thị lực. Thậm chí bại não, co cứng các khớp, co giật, động kinh.

    Vì thế nên người chăm sóc trẻ cần tránh những động tác xoay đầu trẻ đột ngột, không rung lắc trẻ, không tung hứng trẻ khi nô đùa; không tát, đánh vào tai, vào đầu, vào mặt trẻ.

    Bên cạnh đó không nên để người đang quá vui vẻ hay tức giận bế ẵm trẻ, đảm bảo người chăm sóc trẻ nhận thức được sự nguy hiểm của hội chứng rung lắc ở trẻ.

    Khi trẻ xuất hiện những dấu hiệu nghi ngờ trẻ mắc hội chứng rung lắc, phụ huynh cần:

    - Gọi xe cấp cứu, không nên vận chuyển bằng các phương tiện thông thường.

    - Không bế xốc trẻ lên, hay cố gắng lắc thêm làm cho trẻ tỉnh lại, không cho trẻ ăn, bú.

    - Nếu trẻ ngừng thở trước khi có cấp cứu hỗ trợ, cần phải tiến hành hô hấp nhân tạo.

    - Nếu chấn thương cổ nên cố định cổ và tránh xoay trẻ.

    - Nếu trẻ nôn và không có chấn thương cổ, cần xoay nhẹ đầu trẻ về một bên để tránh sặc và ngừng thở.

    tac hai cua viec rung lac tre so sinh ma bo me can biet245
    Người chăm sóc trẻ cần tránh những động tác xoay đầu trẻ đột ngột, không rung lắc trẻ, không tung hứng trẻ khi nô đùa; không tát, đánh vào tai, vào đầu, vào mặt trẻ. Ảnh minh họa

    Hội chứng rung lắc ở trẻ là tình trạng hoàn toàn có thể đề phòng được. Những phương pháp sau có thể giúp ích cho phụ huynh trong việc phòng ngừa hội chứng rung lắc ở trẻ:

    - Bố mẹ và người thân cần tránh những động tác xoay chuyển đầu trẻ một cách đột ngột như: rung lắc nôi mạnh đối với trẻ nhỏ.

    - Không bao giờ bế thốc ngược; không xốc vác trẻ gấp gáp; không tung hứng trẻ khi nô đùa; không tát, đánh vào tai, vào đầu, vào mặt trẻ.

    - Khi trẻ khóc, nên tìm nguyên nhân, xem trẻ có bị đói, bị sốt, côn trùng cắn hoặc bệnh lý khác hay không.

    - Không nên để người tức giận bế ẵm trẻ, luôn kiểm tra kĩ lưỡng sự an toàn trước khi đưa trẻ cho người khác chăm sóc hoặc ở nhà trẻ. Và đảm bảo các thành viên trong gia đình và người chăm sóc khác cũng nhận thức được sự nguy hiểm của hội chứng rung lắc ở trẻ.

    - Phải tìm cách giảm bớt căng thẳng khi con khóc trong thời gian dài. Hãy nhờ gia đình hoặc bạn bè giúp đỡ khi cảm thấy mất kiểm soát.

    - Phụ huynh nên tham gia các lớp giáo dục nhằm hiểu hơn về sự nguy hiểm của việc rung lắc và có thêm kinh nghiệm trong dỗ trẻ quấy khóc và quản lý căng thẳng.

    Hiện có rất nhiều cảnh báo về thói quen rung lắc bé, hành động vô ý này có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của trẻ. Không ít trường hợp trẻ phải nhập viện trong tình trạng nguy kịch, có thể ảnh hưởng đến tính mạng hoặc để lại di chứng nặng nề.

    Thùy Dung (t/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/tac-hai-cua-viec-rung-lac-tre-so-sinh-ma-bo-me-can-biet-a577445.html
    Sự kiện: Đời sống 24h
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan