+Aa-
    Zalo

    Tác giả "Họ bị bắn trên cao mười ngàn mét": Tôi đã bị chấn động!

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL)- Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến, tác giả bài thơ "Họ bị bắn trên cao mười ngàn mét" chia sẻ những lời tự sự từ đáy lòng của khiến anh bật ra những vần thơ chạm vào trái tim của mỗi người.rn

    (ĐSPL)- Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến, tác giả bài thơ "Họ bị bắn trên cao mười ngàn mét" chia sẻ với Đời sống và Pháp luật những lời tự sự từ đáy lòng của khiến anh bật ra những vần thơ chạm vào trái tim của mỗi người.
    "Tôi đã bị chấn động tinh thần đến đau đớn"
    Ngay sau khi báo Đời sống và Pháp luật số 87 (ra ngày 21/7) đăng bài thơ tưởng niệm ba mẹ con chị Nguyễn Ngọc Minh và 295 nạn nhân trên chuyến bay MH17 với tiêu đề “Họ đã bắn trên cao mười ngàn mét” của Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến, Ban Biên tập đã nhận được rất nhiều lời chia sẻ cảm động từ độc giả qua đường dây nóng và hòm thư điện tử.
    Có độc giả đã viết qua Email: “Tôi đã vừa đọc bài thơ vừa khóc. Từng câu, từng chữ trong bài thơ đều chan chứa tình người, chứa đựng một nỗi đau ghê gớm - nỗi đau không tưởng...”. Bài thơ cảm động của anh cũng vì thế mà đang được lan truyền rất mạnh.
    Để đáp ứng yêu cầu của rất nhiều độc giả muốn chia sẻ cảm xúc mãnh liệt của tác giả khi viết lên những dòng thơ đầy xúc cảm đó, PV báo Đời sống và Pháp luật đã có cuộc trò chuyện và ghi lại những lời tự sự của Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến. Anh cho biết, ngay sau khi hay tin về thảm họa MH17 hôm 17/7, anh đã thức trắng suốt hai đêm liền vì sự ám ảnh không thể nói bằng lời cho đến khi anh hoàn thành bài thơ... Đời sống và Pháp luật xin trân trọng giới thiệu lời tự sự từ đáy lòng của tác giả Nguyễn Việt Chiến khiến anh bật ra những vần thơ chạm vào trái tim của mỗi người.
    Gặp tác giả bài thơ Họ bị bắn trên cao mười ngàn mét
    Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến.
    Có lẽ đã lâu rồi, kể từ khi viết bài thơ Tổ quốc nhìn từ biển năm 2009 đến nay, tôi mới thấy mình lại bị chấn động tinh thần đến mức đau đớn và xúc động suốt hai đêm không ngủ, để viết bài thơ Họ bị bắn trên cao mười ngàn mét đăng trên báo Đời sống & Pháp luật ngày 21/7. Bài thơ này là khúc bi ca tưởng niệm 298 nạn nhân trong vụ chiếc máy bay dân sự MH17 của hàng không Malaysia bị bắn rơi trên bầu trời Ukraine. Họ là nạn nhân của một cuộc chiến tranh hay là nạn nhân của một âm mưu khủng bố vô nhân đạo? Kể cả khi câu hỏi này được làm rõ, ký ức nhân loại vẫn gióng lên hồi chuông đau thương khôn xiết về thảm họa này.
    Trong vụ việc liên quan đến chuyến bay MH17 đầy rủi ro, thông tin về ba người Việt trong số 298 nạn nhân là ba mẹ con chị Nguyễn Ngọc Minh tử nạn trong chuyến bay về quê hương cùng gia đình tổ chức lễ giỗ đầu người chồng (mất cách đây gần một năm do tai nạn giao thông bên Hà Lan) thực sự đã làm tôi bàng hoàng, choáng váng. Có lẽ cũng giống như nhiều người khác, khi nhìn tấm di ảnh ba mẹ con chị Minh với nụ cười lặng lẽ bên nhau cho đến cuối đời, trong tôi lại trào dâng một niềm thương cảm khôn nguôi. Nhìn gương mặt ba mẹ con chị Minh rạng rỡ, tươi tắn như trăng rằm trong tấm ảnh này, chắc hẳn không ai có thể nghĩ rằng thảm họa ập xuống gia đình họ lại kinh hoàng đến vậy, chỉ trong vòng một năm cả gia đình bốn người đã ra đi... Trước tấn bi kịch đau xót này, mấy câu thơ đầu tiên trong bài thơ của tôi như muốn khắc họa một hình ảnh xúc động, một sự chia sẻ, một cảm thương với những người đã khuất:
    Ba gương mặt, ba nụ cười thanh thản
    Ba mẹ con giờ đã ở cuối trời
    Họ trong sáng như bao người vô tội
    Trước bọn độc tài đưa tội ác lên ngôi
    Ba gương mặt, ba niềm tin đã mất
    Khi lương tri tắt lặng giữa cõi người
    Ba gương mặt, ba vầng trăng đã khuất
    Cùng nỗi đau không thể nói thành lời
    Khi những câu thơ trên vang lên trong tâm tưởng, tôi cứ day dứt mãi một ám ảnh, dẫu biết số phận con người trên thế gian này đầy mong manh và luôn bất trắc ở mọi nơi mọi lúc, nhưng không ai có thể ngờ được rằng, khi chiếc máy bay dân sự MH17 bị bắn nổ tung ở độ cao 10.000m, tất cả 298 nạn nhân bị bắn tung ra ngoài và rơi lả tả từ trên cao xuống cách đồng hoa hướng dương và cánh đồng lúa mạch gần một xóm mạc phía dưới. Đến khi ấy, tứ thơ Họ bị bắn trên cao mười ngàn mét dần hình thành và là chủ đề xuyên suốt bài thơ của tôi. Cảm xúc của đau thương đã bật dậy trong tôi những câu thơ nóng bỏng và nhức nhối:
    Họ bị bắn trên cao mười ngàn mét
    Đây nỗi đau hai chín tám con người
    Họ rơi xuống cánh đồng hoa vàng rực
    Mắt nhắm nghiền, cháy bỏng mãi không nguôi
    Họ bị bắn trên cao mười ngàn mét
    Những người dân vô tội đến cuối đời
    Không thể hiểu vì sao mình phải chết
    Khi đang bay thanh thản dưới mặt trời
    Không hiểu sao, tôi cứ bị ám ảnh bởi những đóa hoa vàng trên cánh đồng tang tóc ấy, những đóa hoa vàng cứ mở to ra như mắt những người chết, hướng về phía mặt trời với những câu hỏi lớn: “Tại sao các người lại bắn giết chúng tôi trên cao mười ngàn mét, chúng tôi, hơn một trăm phụ nữ và trẻ em có tội tình gì đây mà các người đang tâm dùng tên lửa để hành hình?”. Những câu hỏi ấy cứ vang lên nhức buốt, đau đớn và đầy phẫn uất trong những câu thơ tiếp theo:
    Họ bị bắn trên cao mười ngàn mét
    Các thiên thần bé nhỏ mới rời nôi
    Những phụ nữ rạng ngời trong hạnh phúc
    Bên trẻ thơ trong giây phút cuối đời
    Họ bị bắn trên cao mười ngàn mét
    Hoa hướng dương vàng rực một góc trời
    Những người chết bên hoa vàng đã ngủ
    Một mặt trời đau đớn tắt trên môi
    Họ bị bắn trên cao mười ngàn mét
    Những búp bê, những gấu vải tươi cười
    Chúng nhằm bắn vào những trang cổ tích
    Bắn cháy luôn cả mơ ước con người
    Có thể nói, tôi đã viết bài thơ này trong cơn địa chấn của cảm xúc hưng phấn, những hình ảnh thơ và hình tượng thơ cứ như trào ra đầu ngọn bút của sự suy tưởng khá đớn đau, day dứt về số phận nghiệt ngã, bi thảm của 298 nạn nhân trong chuyến bay định mệnh kinh hoàng đó. Có thể nói đã lâu, tôi mới viết một bài thơ trong sự xúc động nghẹn ngào, xót xa và phẫn nộ với một trường-thán-từ nối kết từ câu thơ đầu tiên đến câu thơ cuối bài trong một âm hưởng chủ đạo của nỗi đau, sự chia sẻ, đồng cảm và khơi gợi niềm bi tráng:
    Họ bị bắn trên cao mười ngàn mét
    Máu bật ra thấm đỏ một vùng trời
    Hoàng hôn đỏ trên máu người rực đỏ
    Hãy lặng yên nghe máu nói từng lời
    Họ bị bắn trên cao mười ngàn mét
    Kẻ vô lương bắn họ, trốn đâu rồi?
    Khi tội ác thản nhiên ngồi ăn tối
    Trên cánh đồng la liệt xác người rơi
    Họ bị bắn trên cao mười ngàn mét
    Những đám mây nhuộm đỏ máu con người
    Cứ bay mãi trong vòm trời phẫn nộ
    Giữa hồn người đang sống chẳng yên nguôi
    Là một nhà thơ, có thể tôi sẽ không viết được bài thơ nói trên nếu như không có những thông tin xúc động về ba mẹ con chị Nguyễn Ngọc Minh đã làm tôi trăn trở và đau xót mấy đêm liền? Và có thể tôi cũng sẽ không viết được bài thơ trên nếu như không có sự ám ảnh từ những đóa hoa vàng trên cánh đồng đau thương, tang tóc ấy khi cơn mưa thi thể người lả tả rụng xuống? Thật ra, tôi không hề muốn viết những khúc bi ca đau đớn, tuyệt vọng về bi kịch con người như vậy vì nó đau thương và mẫn cảm quá. Nhưng biết làm sao đây, khi các cuộc chiến tranh từ Iraq đến Afganistan, từ Trung Đông đến Ukraine đã biến một phần thế giới chúng ta đang sống thành địa ngục. Và là nhà thơ, tôi nghĩ mình phải có nghĩa vụ tham gia vào các sự kiện nóng bỏng của nhân loại hôm nay, để góp phần gióng lên tiếng chuông của hòa bình mong cứu rỗi trái đất đau thương này. Và vì thế, tôi đã viết bài thơ Họ bị bắn trên cao mười ngàn mét:
    Họ bị bắn trên cao mười ngàn mét
    Như hoa vàng, nắng rụng, cuối chiều rơi
    Trước khi chết, hoa vẫn vươn cánh thắm
    Để hồn hoa tươi lại phía mặt trời
    Họ bị bắn trên cao mười ngàn mét
    Miền bạch dương hoá mộ táng lưng trời
    Trong mây đỏ, trong hoa vàng rực nở
    Hãy lặng yên tưởng nhớ những con người
    Vâng, sau tất cả mọi đau thương, mọi xúc động nghẹn ngào trước thảm họa đã xảy ra, và có thể sẽ tiếp tục xảy ra trong những cuộc chiến tranh tàn khốc trên mọi miền của thế giới đầy thù hận và nước mắt này, ta hãy để cho chính tâm hồn mỗi chúng ta lắng lại trong giây lát, để lặng yên tưởng nhớ đến những người đã ra đi. Linh hồn họ như vẫn đang cất bay lên trên cánh đồng hoa vàng đau đớn ấy, hướng về thế gian này với mong muốn nối kết mọi con người với nhau, bất chấp mọi thù hận, mọi chính kiến, mọi sắc tộc, mọi tôn giáo, mọi quốc gia để cùng nhau hướng đến ngôi đền của hòa bình và tình thương yêu vĩnh cửu.                               
    Hà Nội, ngày 21/7/2014
    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/tac-gia-ho-bi-ban-tren-cao-muoi-ngan-met-toi-da-bi-chan-dong-a42903.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan