Ngày 22/2, Bộ Chỉ huy các lực lượng vũ trang Syria tuyên bố lực lượng phòng không nước này đã nhận được chỉ thị bắn hạ tất cả máy bay xâm phạm không phận Syria.
Syria tuyên bố đáp trả dữ dội tất cả máy bay vi phạm không phận. Ảnh minh hoạ. |
Cụ thể, tuyên bố của quân đội Syria nêu rõ: "Bất kỳ máy bay nào xâm phạm không phận Syria sẽ bị coi là mục tiêu chiến đấu của kẻ thù không được phép hiện diện trên bầu trời của chúng tôi. Ngay sau khi phát hiện, nó sẽ lập tức bị truy kích và tiêu diệt do xâm phạm không phận của chúng tôi."
Bộ Chỉ huy Syria cho biết, bất kỳ hành vi vi phạm không phận nào cũng sẽ bị coi là sự xâm lược từ bên ngoài chống Syria.
Thông báo ngày 22/2, Tổ chức Giám sát nhân quyền Syria (SOHR) cho biết chỉ tính riêng trong ngày này, một đoàn xe gồm 80 chiếc của Thổ Nhĩ Kỳ đã tới Idlib.
Bên cạnh đó, hơn 7.400 binh sỹ nước này cũng đang được triển khai ở Idlib và Aleppo trong cùng thời gian.
Hoạt động triển khai binh sỹ và phương tiện nói trên là một phần trong kế hoạch của Thổ Nhĩ Kỳ nhằm chặn đứng đà thắng lợi của quân đội Syria ở khu vực nông thôn Idlib - thành trì chủ chốt cuối cùng của các lực lượng phiến quân ở quốc gia Trung Đông này.
Điều phối viên Liên Hợp Quốc về các vấn đề nhân đạo và cứu trợ khẩn cấp Mark Lowcock cảnh báo cuộc khủng hoảng ở Tây Bắc Syria đã lên tới một “điểm đáng sợ mới”.
“Những dân thường mất nhà ở đang chịu sự tổn thương, nhiều người đang phải ngủ ngoài trời trong thời tiết giá lạnh do các khu trại đều đã chật kín người. Nhiều trẻ em đang chết cóng. Bản thân các nhân viên cứu trợ nhân đạo cũng bị mất nơi ở và thậm chí thiệt mạng”, ông nói.
Năm 2019, ông Lowcock từng cảnh báo rằng, một chiến dịch tổng lực ở Idlib có thể dẫn đến “sự thiệt hại lớn về người – con có thể lên tới hàng trăm nghìn người, thậm chí có thể hơn thế”.
Liên Hợp Quốc ngày 21/2 cũng cảnh báo giao tranh ở tây bắc Syria có thể kết thúc bằng cảnh “tắm máu”, và một lần nữa kêu gọi các bên có ảnh hưởng ở Syria đứng ra dàn xếp một lệnh ngừng bắn để tránh thảm kịch này.
Thanh Tùng (T/h)