Ngày 26/5, hàng triệu người dân Syria sẽ đi bầu cử, lựa chọn nhà lãnh đạo của đất nước trong nhiệm kì mới. Đương kim Tổng thống Bashar al-Assad được dự báo sẽ đắc cử.
Có tới 51 ứng viên đăng kí tranh cử, song chỉ 3 người nhận đủ 35 phiếu ủng hộ tại Quốc hội Syria để trở thành ứng viên chính thức, gồm Tổng thống Bashar al-Assad, Tổng Thư ký Mặt trận Dân chủ Syria đối lập Mahmoud Marei và cựu nghị sĩ Abdullah Sallum Abdullah.
Cuộc bầu cử diễn ra trong bối cảnh kinh tế Syria lao dốc không phanh vì nội chiến, lệnh trừng phạt của phương Tây cũng như khủng hoảng tài chính ở Lebanon - cầu nối chính của Syria với thế giới bên ngoài.
Theo các nhà quan sát, ông al-Assad hiện vẫn được đa số cử tri tín nhiệm và khả năng cao ông sẽ đắc cử. Nhà lãnh đạo đương nhiệm Syria cam kết nhiệm kì tới đây sẽ tập trung vào tái thiết đất nước thời hậu chiến tranh.
Đây là lần thứ hai Syria tổ chức bầu cử tổng thống kể từ khi xung đột nổ ra năm 2011, vào thời điểm quốc gia Trung Đông này, theo mô tả của Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres, đang trong tình trạng "không còn chiến tranh, nhưng cũng chẳng có hòa bình".
Giới chức chính phủ Syria nhấn mạnh cuộc bầu cử cho thấy quốc gia của họ vẫn đang vận hành bình thường bất chấp chiến tranh. Tuy nhiên, phe đối lập và phương Tây khẳng định đây chỉ đơn thuần là một cuộc bầu cử mang tính hình thức.
Trong một tuyên bố chung hôm 25/5, Mỹ, Đức, Pháp, Anh và Italia tiếp tục khẳng định họ không công nhận kết quả của cuộc bầu cử vì cho rằng nó "không công bằng và không tự do". Nga chỉ trích hành động của phương Tây là "không thể chấp nhận được".
Trong khi đó, Tổng thống Syria đương nhiệm, ông Bashar al-Assad khẳng định phần lớn những quốc gia này "có lịch sử thuộc địa" và "Syria trên cương vị là một quốc gia đoàn kết không quan tâm đến những tuyên bố như vậy".
Cũng theo ông al-Assad, người dân Syria đã thể hiện cảm xúc của họ một cách rõ ràng khi xuất hiện tại các điểm bỏ phiếu với số lượng đông đảo.
Thủy Tiên (T/h)