(ĐSPL) - Ở cái xã nhỏ, khi mà dư luận cả nước đang “dõi theo” các vị quan xã sau việc “dắt nhầm” nhím của dân nghèo, ít ai biết được rằng, cũng chính trên mảnh đất ấy hàng trăm học sinh tiểu học đang đồng hành cùng những chương trình nhường cơm sẻ áo, giúp bạn đến trường khiến mọi người thán phục.
Liệu rằng các bậc “quan” có bị giật mình bởi việc làm của những đứa trẻ ấy không?
Những trái tim biết sẻ chia
Tại trường tiểu học xã Quế Long (Quế Sơn – Quảng Nam), các thầy cô phát động phong trào “hũ gạo tình thương” và “con gà tình bạn”, được các em hưởng ứng tham gia rất sôi nổi. Toàn bộ 10 lớp từ lớp 1 đến lớp 5 trong trường, tùy vào hoàn cảnh kinh tế gia đình mà các em tự nguyện đóng góp, ít nhất mỗi em sẽ góp 1 đơn vị gạo tính bằng lon sữa.
Để tạo điều kiện cho các em, nhà trường phát động thời gian từ bắt đầu năm học cho đến cuối mỗi học kỳ và được chia theo từng thời gian góp cụ thể. Số gạo các em góp sẽ được bảo quản cẩn thận và để dành giúp 10 học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, vươn lên trong học tập, động viên các em có thể tiếp tục đến trường.
Chương trình Hũ gạo tình thương và đàn gà khăn quàng đỏ tiếp sức học trò nghèo đến trường - Ảnh: Thanh Ba/báo Tuổi trẻ. |
Theo chia sẻ của thầy Đố Chí Cường, Tổng phụ trách Đội trường tiểu học Quế Long thì các học sinh trong trường đều có hoàn cảnh rất khó khăn. Cả trường có 31 em gia đình thuộc hộ nghèo, 51 em hộ cận nghèo, 4 học sinh khuyết tật. Nhưng khi nhà trường phát động, các em đều tình nguyện tham gia, hết lòng vì các bạn khó khăn hơn mình mà chẳng hề đắn đo gì.
Còn với chương trình “con gà tình bạn”, các học sinh nghèo được nhận gà tự tay chăm sóc gà lớn lên rồi bán đi, phụ thêm với cha mẹ để trang trải tiền sách vở. Cô bé Nguyễn Thị Thúy Nga, học sinh lớp 5B (trường tiểu học xã Quế Long) là một ví dụ. Em lớn trong gia đình rất nghèo, lại sớm mồ côi cha nên việc học tưởng chừng như sẽ dừng lại. Nhờ bạn bè, thầy cô, nay lại được nhận gà từ các bạn, cuộc sống em được đỡ đần phần nào khi có thêm ít tiền mua sách, bút, niềm vui của em khi đến trường cũng vì thế mà nhân lên gấp bội.
Khi hay tin chúng tôi về tìm hiểu phong trào trên, hàng chục người dân sẵn sàng chỉ dẫn tận tình đến từng nhà những em học sinh có hoàn cảnh khó khăn.Theo lời họ, tình cảm con người ở đây chân chất mà giản dị lắm, mọi người đều có tinh thần động viên nhau trong cuộc sống để vơi bớt khó khăn.
Em Đặng Thị Thùy Dung, học sinh lớp 4B (trường tiều học xã Quế Long) xúc động nói với PV: “Chính những hạt gạo tình thương này đã giúp em tiếp tục đến trường. Nếu không, chắc em phải bỏ học”.
Được biết gia đình em Dung đặc biệt khó khăn. Cha mẹ em đã già yếu nhưng phải cật lực làm đồng áng để nuôi 5 anh em Dung ăn học. Người dân địa phương còn cho biết, em Dung không còn cơ hội đến trường vì nhà quá nghèo, nhờ nhà trường động viên, giúp đỡ, ngay cả thời điểm trước khi có những phong trào cụ thể trên, nhiều thầy cô trường tiểu học xã Quế Long vẫn tạo điều kiện để Dung được đi học như các bạn khác.
Với những hoạt động ý nghĩa đầy tính nhân văn và rất thiết thực này, thầy cô, lãnh đạo trường tiểu học xã Quế Long mong muốn các em có điều kiện tốt hơn để đến trường học tập. Qua đó, giáo dục thêm cho những mầm non tương lai đạo đức lối sống nhân ái, lành mạnh.
Với ý nghĩa thiết thực, phong trào “hũ gạo tình thương”, “con gà tình bạn” thực sự đã phát triển rộng rãi không chỉ trong toàn trường tiểu học xã Quế Long mà còn được một số trường tiểu học, cấp trung học cơ sở nhiều xã lân cận ngưỡng mộ và dự tính triển khai ở đơn vị mình. Thực tế, những “hũ gạo tình thương” hay “con gà tình bạn” tuy chỉ giúp đỡ các em một phần nào đó lúc khó khăn nhưng cái tên phong trào “tình thương” và “tình bạn” chính là ý nghĩa giáo dục cao cả nhất dành cho các em.
Quan giàu “dắt nhầm” nhím dân nghèo
Dư luận tán thưởng, quý mến những cô bé, cậu bé tuổi ăn học với những nghĩa cử cao đẹp bao nhiêu thì lại thất vọng, sững sờ bấy nhiêu khi báo ĐS&PL liên tục phản ánh chuyện một số lãnh đạo của xã này ăn chặn mất 16 con nhím trị giá 216 triệu đồng của những người nghèo. Theo thông tin, 16 con nhím từ chương trình nuôi nhím thương phẩm giúp người nghèo thoát nghèo được Ủy ban nhân dân huyện Quế Sơn (tỉnh Quảng Nam) đưa xuống đã “lạc” vào nhà ông Đỗ Đình Hùng, Phó chủ tịch UBND xã 6 con. “Lạc” vào nhà ông Trần Hữu Sáu, Phó bí thư Đảng úy xã và ông Đỗ Văn Kiên, chủ nhiệm HTXNN xã Quế Long mỗi nhà 5 con.
Người dân nghèo đỏ mắt ngóng trông tin tức đàn nhím về thì các vị cán bộ lại cho rằng, đã thông báo khắp thôn, khắp xã nhưng không có ai đến đăng kí nhận nuôi nhím, nên “cực chẳng đã” các ông phải nhận nuôi. Đáp lại những thông tin trên, từ Trưởng thôn đến hàng trăm hộ dân xã Quế Long đều cho rằng họ chưa hề nhận được thông báo nào liên quan đến vấn đề nhận nuôi nhím dù là chính thức hay bằng miệng. Thế rồi, PV báo ĐS&PL vào cuộc, sự thật mới được phanh phui trong sự thất vọng của những người nông dân nghèo.
Trong khi các cấp, các ngành giáo dục hết lòng giảng dạy những thế hệ tương lai của đất nước với tinh thần “học từ thực tiễn cuộc sống”, thì quả thực những bê bối trên của chính quyền xã Quế Long dẫu cho chỉ là những con sâu cá nhân làm rầu cả một tập thể thì cũng không thể phủ nhận những ảnh hưởng tiêu cực đến thế hệ trẻ và nhất là những thế hệ học sinh đang học tập, sinh sống ngay chính trên mảnh đất này.
“Đừng nói tụi nhỏ chưa hiểu chuyện. Xưa nay người lớn luôn là tấm gương cho chúng học tập. Tôi không nói rằng việc chính quyền xã tôi (xã Quế Long) làm sai sẽ ảnh hưởng tới các em. Nhưng nó sẽ là một vết nhơ trong tấm gương sáng chứa nhiều điều tốt mà người lớn đang cố phác họa vào đầu óc các em học tập”, ông Trần Văn T. (SN 1945, cựu giáo viên về hưu, trú xã Quế Long) chia sẻ.
Niềm tin đổ vỡ Trao đổi với PV báo ĐS&PL về những hiện tượng tiêu cực từ gà giống, nhím giống huyện Quế Sơn “đi lạc” vào nhà cán bộ xã, ông Đinh Văn Thu, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam ngậm ngùi cho biết, thiệt hại về kinh tế không lớn nhưng cái thiệt hại lớn nhất là mất lòng tin của nhân dân Xử lý kỷ luật các cán bộ “ăn” gà của nhân dân Chiều 9/4, đại diện UBND huyện Quế Sơn cho biết, Hội đồng kỷ luật của huyện đã họp và thống nhất kết luận xử lý kỷ luật đối với các cá nhân vi phạm trong vụ hàng chục quan xã Quế An “ăn” gà của dân. Theo đó, sẽ áp dụng hình thức kỷ luật cảnh cáo, điều chuyển công tác đối với ông Hoàng Kim Minh, Chủ tịch UBND xã Quế An. Ông Lương Văn Phước, Phó chủ tịch UBND xã, ông Trần Văn Quyên, Bí thư Đảng ủy xã, ông Đoàn Thanh Trung, Phó chủ tịch HĐND xã, ông Trần Văn Ái, Chủ tịch UBMTTQVN xã và một kế toán xã Quế An (mỗi người nhận 50 con gà) cùng bị kỷ luật khiển trách. Số cán bộ còn lại bị kiểm điểm, rút kinh nghiệm. |
Minh Nhâm
Xem thêm video: Bà giáo già hơn 20 năm tình nguyện dạy trẻ thiểu năng