Tên lửa Hwasong-17 lần đầu tiên được nhìn thấy tại cuộc duyệt binh kỷ niệm 75 năm ngày thành lập Đảng Lao động Triều Tiên vào tháng 10/2020. Khi đó, các nhà phân tích nhận thấy nó trông “lớn hơn đáng kể” so với Hwasong-15 tiền nhiệm.
Hwasong-17 đã bay 1.090km ở độ cao tối đa 6.248,5km và bắn trúng mục tiêu ở Biển Nhật Bản trong cuộc thử nghiệm đầu tiên hồi tháng 3 năm nay. Tên lửa đã ở trên không trung 67,5 phút.
Ông Jeffrey Lewis, chuyên gia vũ khí kiêm giáo sư tại Viện Nghiên cứu Quốc tế Middlebury cho biết: “Đây là tên lửa tầm xa nhất mà Triều Tiên từng thử nghiệm”.
Đường kính của Hwasong-17 được ước tính là từ 2,4 đến 2,5m, và tổng khối lượng của nó khi được nạp đầy nhiên liệu có thể khoảng 80.000 đến 110.000kg, theo trang 38 North chuyên theo dõi Triều Tiên.
Với kích thước này, Hwasong-17 có thể mang nhiều hơn một đầu đạn hạt nhân, ứng dụng thiết kế hệ thống mang nhiều phương tiện hồi quyển tấn công độc lập (MIRV). Giới chuyên gia cũng cho rằng Hwasong-17 có thể mang mồi bẫy để tăng sức xuyên thủng hệ thống phòng thủ tên lửa của đối phương.
“Điều này phản ánh sự tiến bộ nhanh của Triều Tiên đối với khả năng đưa nhiều đầu đạn hạt nhân vào các mục tiêu ở Mỹ trong trường hợp xảy ra chiến tranh”, Giáo sư Lewis nhận định. “Tuy nhiên, tiến bộ không có nghĩa là có khả năng thực sự để làm được như vậy”.
Thiết kế MIRV được cho là có thể đe dọa hệ thống phòng thủ tên lửa Mỹ. Tính tới năm 2020, hệ thống đánh chặn giữa hành trình trên mặt đất của Mỹ có 44 đầu đạn đánh chặn, nhưng để đảm bảo diệt mục tiêu, quân đội Mỹ buộc phải phóng ít nhất 4 quả đạn để chặn một tên lửa đối phương.
Do đó, lá chắn tên lửa Mỹ chỉ có thể ngăn được tối đa 11 đầu đạn lao xuống cùng lúc. Hwasong-17 có khả năng mang 3-4 đầu đạn, hoặc kết hợp giữa đầu đạn thật và mồi bẫy, nên khi Triều Tiên khai hỏa vài quả ICBM này, hệ thống phòng thủ của Mỹ có khả năng bị quá tải.
Hình ảnh được truyền thông nhà nước Triều Tiên công bố cho thấy tên lửa Hwasong-17 được khai hỏa trực tiếp từ bệ phóng di động, trong khi tên lửa Hwasong-14 và Hwasong-15 trước đây được tháo rời khỏi bệ trước khi phóng. Tính năng này giúp Hwasong-17 có khả năng cơ động cao hơn và thời gian triển khai ngắn hơn so với các mẫu ICBM trước đây.
Như đã đưa tin, ngày 6/10, Triều Tiên tiếp tục phóng tên lửa đạn đạo về phía biển Đông Hải (Nhật Bản gọi là biển Nhật Bản)". Quân đội Hàn Quốc cho biết 2 tên lửa đạn đạo đã được bắn ra.
Đây là lần thứ 6 của Triều Tiên thử vũ khí trong vòng chưa đầy hai tuần. Nước này đã bắn gần 40 tên lửa đạn đạo trong khoảng 20 sự kiện bắn thử khác nhau trong năm nay.
Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đã chỉ trích vụ phóng tên lửa qua với thái độ “mạnh mẽ nhất" trong khi Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol gọi đây là một "hành động khiêu khích".
Mộc Miên (Theo Washington Post)