Tuy chỉ chi 3,4 tỷ USD hàng năm, nhưng Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có chi tiêu ngân sách quốc phòng hiệu quả nhất thế giới.
Trong năm 2018, vị thứ của Việt Nam trên bảng xếp hạng sức mạnh quân sự toàn cầu có sự thay đổi lớn khi đứng vào top 20 nước có tiềm lực quốc phòng mạnh nhất thế giới và top 15 châu Á.
Ngay từ giữa năm 2018, tổ chức Global Firepower đã cho công bố danh sách thứ hạng các cường quốc quân sự toàn cầu dựa trên điểm PwrIndx với 50 thông số có ý nghĩa quyết định đến khả năng đương đầu với chiến tranh thông thường, được thu thập từ các cơ quan tình báo và các báo cáo truyền thông quốc tế.
Theo đó số điểm PwrIndx của Việt Nam trong năm 2018 do Global Firepower đánh giá đạt 0,4098 đứng thứ 20 thế giới và thứ 14 châu Á, trong khi đó ở khu vực Đông Nam Á – Việt Nam vẫn đứng vững ở vị trí thứ 2. Như vậy so với năm 2017 thì chúng ta đã bị giảm 4 bậc.
Bên cạnh điểm PwrIndx, Global Firepower còn đánh giá chi tiết sức mạnh quân sự Việt Nam trong năm 2018. Theo với dân số hơn 96 triệu người, Việt Nam có quân đội thường trực vào khoảng 440.000 người cùng hơn 3 triệu quân dự bị.
Việt Nam hiện giờ chi khoảng 3,4 tỷ USD cho ngân sách quốc phòng hàng năm và là một trong những quốc gia có chi tiêu ngân sách quốc phòng hiệu quả nhất thế giới.
Theo bảng báo cáo của Global Firepower, Lục quân Việt Nam đóng vai trò “xương sống” trong Quân đội Nhân dân Việt Nam được trang bị 1.545 xe tăng; 3150 xe bọc thép; 2.200 pháo kéo; 524 pháo tự hành và hơn 1.000 đơn vị pháo phản lực phóng loạt các loại.
Không quân Nhân dân Việt Nam cho thấy hiện có tổng cộng khoảng 283 máy bay các loại, trong đó có 76 máy bay tiêm kích, 76 máy bay tiêm kích - bom. Ngoài ra còn có 165 máy bay vận tải, 28 máy bay phản lực huấn luyện, 139 máy bay trực thăng vận tải và 25 máy bay trực thăng chiến đấu.
Hải quân Nhân dân Việt Nam có hạm đội trên dưới 65 tàu chiến, trong đó có 9 tàu hộ vệ, 14 tàu tên lửa tấn công nhanh, 6 tàu ngầm, 25 tàu bảo vệ duyên hải, 8 tàu quét mìn.
Về mặt kho-vận, Globalfirepower đánh giá Việt Nam có thể tận dụng ưu thế giáp biển để hậu cần bằng đường thủy, phần lớn các tỉnh trong nước cũng đều có sân bay quân sự giúp việc di chuyển, hậu cần không bị phụ thuộc quá nhiều vào đường bộ.
Minh Minh (T/h)