Northrop Grumman gần đây công bố nguyên mẫu phương tiện dưới nước không người lái (UUV) mang tên Manta Ray, một ví dụ về mô phỏng sinh học, trông giống như một con cá đuối thật. Manta Ray được chế tạo trong 4 năm cho Cơ quan Nghiên cứu Dự án Quốc phòng Tiên tiến (DARPA) để thực hiện các nhiệm vụ quân sự tầm xa và bền bỉ.
Manta Ray được chế tạo để thực hiện các nhiệm vụ dưới biển trong thời gian dài, phạm vi rộng và không cần hỗ trợ tại chỗ từ con người. Để làm được điều này, UUV không chỉ phải sử dụng mức năng lượng tối thiểu mà còn phải hấp thu năng lượng từ biển.
Cận cảnh “cá đuối” Manta Ray của quân đội Mỹ. Nguồn: Northrop Grumman
Northrop Grumman đã hợp tác với công ty năng lượng tái tạo Seatrec để tích hợp các công nghệ giúp Manta Ray có thể hấp thu năng lượng từ sóng biển, biến chuyển động nước thành điện năng. Điều này cho phép UUV ở dưới đáy đại dương và sạc lại pin mà không bị kẻ thù phát hiện.
Ngoài ra, Manta Ray cũng có thể được sử dụng trong các nhiệm vụ tác chiến chống tàu ngầm. Những UUV Manta Ray có khả năng mang theo vũ khí - chẳng hạn như ngư lôi chống ngầm hạng nhẹ Mk 46-và khai hỏa khi tàu ngầm đối phương đi vào tầm bắn. Một hạm đội UUV Manta Ray có thể trở thành một mạng lưới tiêu diệt tàu ngầm di động, có khả năng tự triển khai từ khu vực này sang khu vực khác.
Khả năng chỉ huy và kiểm soát được tích hợp vào Manta Ray cũng cho phép UUV này có thể “học hỏi” và cải thiện dữ liệu theo thời gian, chia sẻ những dữ liệu mới về mục tiêu cho các UUV khác trong cùng hệ thống. Được giới phân tích đặt biệt danh “cá đuối bí ẩn”, phương tiện không người lái Manta Ray hứa hẹn thể hiện sức mạnh đáng gờm dưới đáy đại dương.
Hiện nay, không chỉ Mỹ, mà Nga và Trung Quốc đều tăng cường đầu tư vào phát triển cũng như chế tạo UUV. Những tính năng độc đáo mà những phiên bản UUV sở hữu có thể mở ra các phương thức tác chiến dưới biển hoàn toàn mới cho lực lượng hải quân các nước trong tương lai.