Ngày 6/9, Bộ Quốc phòng Mỹ thông báo phóng thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) trong ngày 7/9 (theo giờ địa phương), chưa đầy một tháng sau vụ thử gần đây nhất, khẳng định đây là hoạt động thường lệ và đã thông báo trước với Nga.
Thư ký báo chí Lầu Năm Góc Pat Ryder xác nhận thông tin trên, đồng thời cho biết tên lửa được phóng từ Căn cứ Lực lượng không gian Vandenberg ở bang California.
Ông Ryder khẳng định vụ thử này là hoạt động thử nghiệm thường lệ đã được lên lịch trước và phù hợp với những lần thử nghiệm trước. Lần phóng ICBM này sẽ xác thực và xác nhận tính hiệu quả và sẵn sàng của hệ thống. Theo đúng quy trình, Mỹ đã thông báo trước cho chính phủ Nga về vụ phóng thử.
Tên lửa Minuteman III do Tập đoàn Boeing chế tạo, có khả năng mang đầu đạn hạt nhân và đóng vai trò quan trọng trong kho vũ khí của Mỹ kể từ những năm 1960. Tên lửa này có tầm bắn hơn 9.660km và có thể di chuyển với tốc độ khoảng 24.000 km/h.
Bộ Quốc phòng Mỹ đang hiện đại hóa kho ICBM của nước này thông qua chương trình "Răn đe chiến lược trên mặt đất" trị giá 100 tỉ USD nhằm ngăn chặn Trung Quốc và Nga. Thông tin này được đăng tải trên trang Defense News (Mỹ) hồi tháng 4, thời điểm Không quân Mỹ đặt tên cho thế hệ ICBM tiếp theo của họ là LGM-35A Sentinel, sẽ kế nhiệm tên lửa Minuteman III vào năm 2029.
Siêu tên lửa Minuteman III của Mỹ từng được đánh giá là tên lửa đạn đạo xuyên lục địa mạnh nhất thế giới, với tầm bắn vượt trội.
Minuteman III đã được cải tiến 2 lần vào cuối thập niên 1990 và đầu những năm 2000 nhằm kéo dài tuổi thọ cho đến năm 2030. Song một số chuyên gia đánh giá Minuteman III đã trở nên lỗi thời và không nên kéo dài thời hạn phục vụ của loại tên lửa này nữa. Họ cho rằng Mỹ cần chế tạo tên lửa hạt nhân loại mới mẻ hơn.
Không quân Mỹ thường tiến hành thử nghiệm tên lửa Minuteman III vài tháng một lần để đánh giá độ tin cậy của vũ khí. Trong năm nay Washington đã hoãn thử nghiệm Minuteman III hai lần trước các diễn biến địa chính trị trên thế giới.
Hồi tháng 6, Trung Quốc cũng cho biết nước này đã thử nghiệm thành công hệ thống đánh chặn tên lửa đạn đạo. Lúc đó các chuyên gia cho rằng diễn biến này thể hiện độ tin cậy của "chiếc ô chặn tên lửa đạn đạo" của Trung Quốc trong bối cảnh Mỹ phát triển ICBM hiện đại và nỗ lực triển khai tên lửa đạn đạo tầm trung ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Mộc Miên (Theo AA)