+Aa-
    Zalo

    Sức lan tỏa từ mô hình "Bếp ăn tình thương"

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Hội Chữ thập đỏ tỉnh Thanh Hóa triển khai mô hình "Bếp ăn tình thương" nhằm kêu gọi tổ chức, cá nhân chung tay giúp đỡ bệnh nhân nghèo, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

    Năm 2013, Hội Chữ thập đỏ tỉnh Thanh Hóa triển khai mô hình "Bếp ăn tình thương" nhằm kêu gọi tổ chức, cá nhân chung tay giúp đỡ bệnh nhân nghèo, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn đang điều trị tại các bệnh viện trên địa bàn.

    Những suất cơm, cháo thiện nguyện đã giúp người bệnh thêm ấm lòng, tạo động lực để họ vượt qua khó khăn, chiến thắng bệnh tật.

    Đã thành thông lệ, cứ thứ Tư hàng tuần, các thành viên của "Bếp ăn tình thương" chùa Thanh Hà (thành phố Thanh Hóa) lại thay phiên nhau đi chợ mua thực phẩm, nấu ăn tại bếp và phát cơm, cháo cho bệnh nhân nghèo đang điều trị ở Bệnh viện Đa khoa và Bệnh viện Ung bướu tỉnh Thanh Hóa.

    "Bếp ăn tình thương" chùa Thanh Hà (thành phố Thanh Hóa) phát cơm miễn phí cho bệnh nhân tại bệnh viện Đa khoa tỉnh. 

    Chúng tôi có mặt tại chùa Thanh Hà vào sáng sớm, khi các thành viên của bếp ăn đang gấp rút chuẩn bị những công việc như nhặt rau, cắt, gọt củ quả... để kịp giờ phát cơm cho bệnh nhân nghèo. Mỗi người mỗi việc, ai cũng tận tình, chu đáo với công việc mình được phân công.

    Bà Nguyễn Thị Nhâm, một trong những người gắn bó với mô hình "Bếp ăn tình thương" ngay từ những ngày đầu đi vào hoạt động cho biết: Thành lập từ tháng 5/2013, bếp ăn hiện thu hút khoảng 60 tăng ni, phật tử trên địa bàn thành phố Thanh Hóa tham gia. Đây là hoạt động có ý nghĩa thiết thực, không chỉ góp phần hỗ trợ bệnh nhân nghèo đang điều trị tại bệnh viện mà còn là nơi gắn kết cộng đồng. Sau 6 năm duy trì, bếp ăn tình thương chùa Thanh Hà đã nấu và phát gần 100.000 suất cơm, cháo… với tổng số tiền gần 1 tỷ đồng.

    Theo chân thành viên của "Bếp ăn tình thương" chùa Thanh Hà đi phát cơm tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa, có thể thấy niềm vui hiện hữu trên khuôn mặt của hàng trăm bệnh nhân nghèo.

    Cầm suất cơm nghĩa tình trên tay, bệnh nhân Nguyễn Thị Hòa (Khoa Thận - Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa) chia sẻ: Tôi thường xuyên phải điều trị ở đây vì chạy thận là một “cuộc chiến” lâu dài. Được nhận hỗ trợ suất ăn miễn phí hàng tuần, tôi rất cảm động. Những suất cơm tuy nhỏ nhưng đã góp phần giúp hàng nghìn người bệnh vơi bớt khó khăn trong thời gian điều trị tại bệnh viện.

    Tại Bệnh viện Ung bướu Thanh Hóa, bà Trần Thị Lan (huyện Triệu Sơn) xúc động cho biết: “Một miếng khi đói, bằng một gói khi no”, những ngày điều trị tại bệnh viện, nhận được sự quan tâm, chia sẻ của cộng đồng, tôi thấy rất ấm lòng.

    Thành lập từ tháng 10/2017, đến nay, Câu lạc bộ “Thiện nguyện xanh” (trực thuộc Hội Chữ thập đỏ tỉnh Thanh Hóa) thu hút được hơn 20 thành viên, là những người yêu công tác thiện nguyện tham gia hoạt động nhân đạo, từ thiện. Trong đó, mô hình “Bếp ăn tình thương” là hoạt động nổi bật mà câu lạc bộ duy trì đều đặn vào ngày thứ Ba hàng tuần, nhằm giúp đỡ bệnh nhân nghèo đang điều trị tại Bệnh viện Ung bướu Thanh Hóa và một số khoa, phòng của Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

    Để có được bữa ăn ngon, đủ dinh dưỡng, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, các thành viên trong câu lạc bộ phải chuẩn bị nguyên liệu từ sáng sớm, trực tiếp lựa chọn thực phẩm tươi ngon, phân loại và chế biến. Thấu hiểu nỗi khó khăn, vất vả mà những người bệnh phải trải qua và mong muốn góp một phần công sức nhỏ bé của mình, giúp họ vượt qua bệnh tật, các thành viên trong câu lạc bộ đã tự tay đóng góp tiền, góp sức, kêu gọi sự hỗ trợ từ bên ngoài để mang những suất cơm thiện nguyện đến với người bệnh.

    Chị Nguyễn Thị Lan, Chủ nhiệm Câu lạc bộ "Thiện nguyện xanh" chia sẻ: Những lời cảm ơn chân thành của người bệnh là món quà tinh thần lớn nhất, động lực để Câu lạc bộ tiếp tục duy trì và thực hiện hiệu quả hoạt động này.

    Đưa suất ăn miễn phí đến tận giường bệnh cho bệnh nhân.

    Từ bếp ăn tình thương đầu tiên tại chùa Thanh Hà, đến nay, mô hình “Bếp ăn tình thương” do Hội Chữ thập đỏ tỉnh Thanh Hóa quản lý đã nhân lên 26 mô hình, phân bổ đều tại các địa phương trên địa bàn tỉnh như: Bếp ăn tình thương chùa Đại Bi, Bếp ăn tình thương của nhóm chia sẻ cuộc sống và nụ cười, Bếp ăn tình thương của Câu lạc bộ Thiện Tâm - Bỉm Sơn, Bếp ăn tình thương tại các huyện Cẩm Thủy, Lang Chánh, Quảng Xương, Thạch Thành...

    Bình quân mỗi tháng, các bếp ăn hoạt động 4 lần, mỗi lần cung cấp từ 200 đến 400 suất ăn miễn phí cho bệnh nhân, người nhà bệnh nhân nghèo đang được chăm sóc, điều trị tại các bệnh viện trên địa bàn tỉnh.

    Theo đó, từ khi thành lập đến nay, mô hình Bếp ăn tình thương đã hỗ trợ hơn 331.000 suất ăn miễn phí cho bệnh nhân nghèo, với tổng trị giá hơn 5 tỷ đồng. Riêng 8 tháng năm 2019 đã hỗ trợ trên 70 nghìn suất ăn miễn phí, giá trị gần 1 tỷ đồng.

    Bà Trịnh Thị Tiếp, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh Thanh Hóa chia sẻ: “Bếp ăn tình thương” ra đời và nhân rộng chỉ trong một thời gian ngắn đã khẳng định tính thiết thực, hiệu quả của mô hình, qua đó khẳng định thêm vai trò nòng cốt của tổ chức Hội Chữ thập đỏ trong hoạt động nhân đạo, từ thiện tại địa phương.

    Cùng với việc duy trì hoạt động của 26 "Bếp ăn tình thương", Hội Chữ thập đỏ Thanh Hóa đang tiếp tục vận động, kêu gọi các tập thể, cá nhân hảo tâm ở trong và ngoài tỉnh chung tay xây dựng thêm nhiều "Bếp ăn tình thương" để có thêm những suất ăn miễn phí cho bệnh nhân, người nhà bệnh nhân nghèo.

    Khiếu Tư (TTXVN)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/suc-lan-toa-tu-mo-hinh-bep-an-tinh-thuong-a297578.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan