Theo báo Lao động, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 44/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2024 và Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương trong đó tiếp tục yêu cầu NHNN khẩn trương rà soát, xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế Nghị định số 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động thị trường vàng để phát triển thị trường vàng ổn định, lành mạnh, minh bạch, hiệu quả, bền vững, không để tình trạng vàng hóa nền kinh tế.
Báo VTC News dẫn nhận định của PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, việc sửa đổi Nghị định 24 sẽ làm cho giá vàng Việt Nam gần với giá vàng thế giới,, đặc biệt là giá vàng miếng. Giá vàng trong nước vẫn sẽ tăng nếu giá vàng thế giới tăng và ngược lại. Tuy nhiên, lúc này độ chênh giữa giá vàng trong nước và thế giới sẽ được rút ngắn, người mua hay đầu tư cũng bớt rủi ro hơn.
Đồng tình với quan điểm này, một chuyên gia chỉ ra rằng: giá vàng thế giới ảnh hưởng khoảng 80% đến giá vàng trong nước. Còn lại, các yếu tố khác như chính sách, đặc thù thị trường, tâm lý thị trường chiếm khoảng 20%.
Vì thế, ngay cả sửa Nghị định 24, chắc chắn không có chuyện giá vàng thế giới tăng liền 1 năm mà giá vàng trong nước lại giảm liền 1 năm hoặc ngược lại. "Nếu giá vàng thế giới hạ, trong nước có thực hiện biện pháp gì đi chăng nữa thì giá vàng trước sau cũng hạ theo, chỉ là hạ ít hay hạ nhiều. Nếu có chuyện giá vàng trong nước ngược chiều giá thế giới thì cũng chỉ xảy ra trong ngắn hạn 1 - 2 ngày hoặc 1-2 tuần", ông nói.
Theo vị chuyên gia, một số nhà đầu tư đang bị hiểu lầm rằng chính sách từ Nghị định 24 làm cho vàng trong nước tăng giá. Điều này không đúng vì nguyên nhân chính là do giá thế giới tăng và do sự kỳ vọng của nhà đầu tư quá lớn đẩy nguồn cầu tăng.
Tuy nhiên, chuyên gia cũng cho biết, các chính sách sửa đổi từ Nghị định 24 sẽ tác động đến chênh lệch giữa giá vàng thế giới và giá vàng trong nước; tác động 1 phần đến chênh lệch giá mua - bán của vàng; và tác động ít nhất đến sự tăng, giảm của giá vàng trong nước.
Theo ông, thị trường đang phản ứng trước những thông tin về sửa Nghị định 24.
Trước đây, giá vàng miếng SJC luôn tăng mạnh hơn vàng nhẫn, vàng trang sức. Lý do vàng miếng SJC là thương hiệu vàng quốc gia. Trong hơn 10 năm qua, SJC không nhập thêm hàng trong khi có một phần vàng miếng đã chuyển hóa thành vàng trang sức. Vì thế vàng miếng SJC trở nên hiếm hơn. Người tiêu dùng khi mua vàng miếng SJC không chỉ là đang mua vàng mà còn là mua thương hiệu, từ đó thúc đẩy giá loại vàng này lên.
Thời điểm hiện tại, giá vàng miếng SJC có tốc độ tăng chậm hơn giá vàng nhẫn, vàng trang sức do người ta cho rằng, Nghị định 24 được sửa đổi sẽ làm thay đổi những lợi điểm trên.
Cụ thể, khi Nghị định 24 được sửa đổi có thể sẽ có thêm thương hiệu vàng quốc gia khác hoặc sẽ cho phép nhập thêm vàng miếng, đều làm cho nguồn cung vàng miếng tăng lên. Từ đó, khoảng cách giá giữa vàng miếng với vàng trang sức và vàng thế giới sẽ giảm dần. Vàng nhẫn, vàng trang sức có cơ hội để bứt phá, được kỳ vọng sẽ mang lại nhiều lợi nhuận hơn.
Điều này thể hiện rất rõ ở diễn biến giá vàng trong khoảng thời gian đầu tháng 4/2024, khi mỗi lượng vàng miếng tăng khoảng 4 triệu đồng, còn vàng nhẫn tăng mạnh hơn rất nhiều, khoảng 7 triệu đồng/lượng.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu thì phân tích, sửa Nghị định 24, giá vàng có thể sẽ hạ, thị trường ổn định hơn. Nhưng giá có hạ nhiều hay không còn phụ thuộc vào việc nghị định sửa đổi những gì và quan trọng nhất là vẫn phụ thuộc vào diễn biến thị trường vàng thế giới.
Ông Huỳnh Trung Khánh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam (VGTA), cố vấn Hội đồng Vàng thế giới tại Việt Nam nêu quan điểm: Nếu sửa Nghị định 24, nguồn cung vàng sẽ tăng, đủ đáp ứng nhu cầu thị trường. Điều này có thể khiến giá vàng SJC giảm cả chục triệu đồng/lượng.
V.A(T/h)