+Aa-
    Zalo

    Sự trỗi dậy và sụp đổ của tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS)

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Mỹ và liên minh do Mỹ dẫn đầu đã tuyên bố xoá sổ khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) ở Syria sau 5 năm chiến đấu ác liệt, bền bỉ.

    Mỹ và liên minh do Mỹ dẫn đầu đã tuyên bố xoá sổ khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) ở Syria sau 5 năm chiến đấu ác liệt, bền bỉ.

    Sự ra đời của khủng bố IS

    IS là một nhánh của al-Qeada, bành trướng từ năm 2014. Ảnh: Getty

    Nhóm Hồi giáo cực đoan IS đã nổi tiếng khắp thế giới từ năm 2014 sau khi chiếm được phần lớn những khu vực rộng lớn của Syria và Iraq. IS áp đặt sự cai trị tàn bạo lên gần 8 triệu người, thực hiện vô số tội ác, phá hủy di sản văn hóa và tạo ra hàng tỷ USD doanh thu từ khai thác dầu mỏ, tống tiền, cướp bóc và bắt cóc.

    Sau 5 năm chiến đấu ác liệt và đẫm máu, các lực lượng địa phương được hậu thuẫn bởi những cường quốc thế giới đã đẩy IS ra khỏi tất cả các lãnh thổ mà nó từng kiểm soát. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là nhóm khủng bố khét tiếng này đã bị đánh bại hoàn toàn. Các chuyên gia cho rằng chúng sẽ quay trở lại, tìm về với nguồn gốc của cuộc nổi dậy ban đầu trong khi tái tổ chức, hoạt động bí mật hơn và vẫn là một mối đe dọa toàn cầu.

    IS được biết đến rộng rãi như một nhóm thánh chiến. Các chiến binh thánh chiến coi đấu tranh bạo lực là cần thiết để xóa bỏ những trở ngại nhằm khôi phục sự cai trị của Đấng Tối cao trên Trái đất và bảo vệ cộng đồng người Hồi giáo chống lại những gì họ coi là kẻ ngoại đạo và tông đồ. IS muốn có một "caliphate" (đế chế) - một quốc gia được cai trị theo luật Hồi giáo (Sharia). Nhóm này biện minh cho các cuộc tấn công của mình vào người Hồi giáo và không theo Hồi giáo bằng cách dựa trên các diễn giải cực đoan trong Kinh Thánh đạo Hồi.

    IS phát triển từ một nhánh của tổ chức khủng bố al-Qaeda ở Iraq - vốn được thành lập bởi phiến quân Hồi giáo Sunni sau sự can thiệp của Mỹ vào quốc gia Trung Đông này hồi năm 2003.

    Đến 2011, nhóm này - lúc đó được gọi là Nhà nước Hồi giáo tự xưng ở Iraq (ISI) đã bành trướng sang Syria và tham gia cuộc nổi dậy chống lại Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Nó cũng lợi dụng việc Mỹ rút quân khỏi Iraq và sự giận dữ của người Sunni đối với các chính sách giáo phái do chính phủ theo dòng Shia lãnh đạo.

    Lãnh đạo tối cao Abu Bakr al-Baghdadi của IS. Ảnh: Getty

    Năm 2013, ISI bắt đầu chiếm giữ nhiều vùng lãnh thổ ở Syria và đổi tên thành Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) ở Iraq và Syria. Một năm sau đó, IS tràn qua phần lớn Iraq, tuyên bố tôn thủ lĩnh Abu Bakr al-Baghdadi là lãnh tụ. Lúc cao điểm, IS cai trị khu vực rộng lớn 88.000 km vuông, trải dài qua biên giới Iraq-Syria.

    Gần 8 triệu người sống tại những khu vực do IS cai trị bị buộc phải sống theo cách mà chúng mong muốn với những quy định vô cùng hà khắc. Phụ nữ phải đeo khăn che mặt đầy đủ, hành quyết công khai cũng chỉ là chuyện thường tình, trẻ em bị truyền giáo ở trường học và những người Kitô giáo phải lựa chọn giữa việc đóng số tiền thuế cực lớn, chuyển đổi tôn giáo hoặc nhận lấy cái chết.

    Nhiều người Hồi giáo trên khắp thế giới cũng như những nhà lãnh đạo nổi tiếng của tôn giáo này đã từ chối công nhận “đế chế” IS, nhưng hàng chục ngàn người nước ngoài vẫn quyết định đến Syria và Iraq để tham gia tổ chức khủng bố. IS sở hữu hàng chục triệu USD tạo ra mỗi tháng từ buôn lậu dầu, tống tiền, cướp bóc, bắt cóc sau đó sử dụng cho tuyên truyền, tuyển dụng, mua thiết bị quân sự và tiến hành các hoạt động khủng bố.

    Chúng cũng gây phẫn nộ bằng cách phá hủy các địa điểm cổ xưa và các đồ tạo tác quý giá đại diện cho văn hoá Iraq và Syria. Trận chống lại IS về mặt quân sự đã khiến hàng ngàn sinh mạng phải ra đi.

    IS từng kiểm soát một vùng rộng lớn của Iraq và Syria. Ảnh: USIC

    Tại Iraq, cuộc chiến chống lại IS đã được dẫn dắt bởi lực lượng an ninh địa phương, chiến binh Peshmerga của người Kurd và lực lượng bán quân sự do dân quân Shia được Iran hậu thuẫn. Ngoài ra, một liên minh toàn cầu do Mỹ lãnh đạo - bao gồm 74 quốc gia - đã cung cấp hỗ trợ không quân và cố vấn quân sự.

    IS có thực sự bị diệt vong?

    Tính đến đầu năm 2019, những kẻ khủng bố IS cuối cùng đã bị đánh bại tại khu vực làng Baghouz. Tuy nhiên, IS và tư tưởng cực đoan của chúng vẫn tồn tại, thậm chí là trong tương lai.

    Chỉ huy quân sự hàng đầu của Mỹ ở Trung Đông đã cảnh báo cần phải duy trì "một cuộc tấn công cảnh giác" chống lại nhóm cực đoan gây kinh hoàng khắp thế giới này. Theo nguồn tin tình báo, ở Iraq, IS đã phát triển thành một mạng lưới bí mật. Liên Hợp Quốc (LHQ) cho biết những kẻ khủng bố hoạt động ở khu vực nông thôn đang tìm cách làm suy yếu chính quyền, tạo ra bầu không khí vô luật pháp và cản trở hòa giải giữa các phe phái.

    IS đã chịu tổn thất đáng kể, nhưng LHQ cho biết chúng vẫn có từ khoảng 14.000 đến 18.000 chiến binh ở Iraq và Syria. Ngoài ra cũng có một số lượng đáng kể các chiến binh liên kết với IS ở Afghanistan, Ai Cập, Libya, Đông Nam Á và Tây Phi, và ở một mức độ thấp hơn ở Somalia, Yemen và Sahel.

    Các cá nhân được truyền cảm hứng từ ý thức hệ của nhóm cũng tiếp tục thực hiện các cuộc tấn công ở nơi khác.

    PHƯƠNG PHƯƠNG(Theo BBC)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/su-troi-day-va-sup-do-cua-to-chuc-khung-bo-nha-nuoc-hoi-giao-tu-xung-is-a268819.html
    Sự kiện: Thế giới 24h
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan