(ĐSPL) - Không ít người cho rằng, dự án condotel nói chung và Cocobay Đà Nẵng đang phải đối mặt nhiều rủi ro đã được cảnh báo từ trước.
Lợi nhuận hứa hẹn càng cao, càng phải xem xét kỹ
Ở thời điểm hiện tại, có thể nói, BĐS nghỉ dưỡng đang là một trong những kênh đầu tư hấp dẫn dưới các loại hình sản phẩm biệt thự nghỉ dưỡng hay condotel (căn hộ khách sạn). Hàng loạt dự án thuộc phân khúc này đang đua nhau mọc lên tại các điểm du lịch như: Hà Nội, Nha Trang, Đà Nẵng, Phú Quốc... Đặc biệt tại Đà Nẵng, thời gian gần đây, dự án Cocobay Đà Nẵng được quảng cáo rầm rộ với những hứa hẹn khổng lồ về sinh lợi. Tuy nhiên, các chuyên gia đánh giá, nhiều khi việc đưa ra các khoản lợi “trên trời” lại tiềm ẩn nhiều rủi ro với người đầu tư.
Theo nhiều chuyên gia, khả năng thu hồi vốn cao, cam kết lợi nhuận ổn định là lợi thế được các chủ dự án quảng cáo rầm rộ tới khách hàng. Tuy nhiên, không ít người cho rằng, dự án condotel nói chung và Cocobay Đà Nẵng đang đối mặt nhiều rủi ro. Những rủi ro này đã được cảnh báo từ trước như dự án nằm ở vị trí chưa thuận lợi như quảng cáo và dấu hỏi về tiềm lực tài chính của chủ đầu tư.
Trao đổi về vấn đề này, nhiều chuyên gia cho rằng, việc nhà đầu tư chỉ chú ý đến cam kết lợi nhuận cao ngất ngưởng đến từ quảng cáo để đầu tư vào condotel Đà Nẵng chưa chắc đã là tốt. Ngược lại, nó còn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Đặc biệt, khi thị trường ngày càng “nở rộ” thêm nhiều dự án cùng loại, tạo nên sự cạnh tranh gay gắt trong việc cho thuê. Đó là chưa kể rủi ro trong tương lai, khi dự án đưa vào khai thác nhưng không thu hút được khách thuê, đơn vị quản lý khai thác thiếu năng lực, liệu có thể đảm bảo lợi nhuận cho nhà đầu tư.
Trao đổi với PV báo ĐS&PL, ông Tống Văn Nga, nguyên Thứ trưởng bộ Xây dựng, Phó Chủ tịch hiệp hội BĐS Việt Nam cho rằng, trước sự đầu tư ồ ạt vào dự án nghỉ dưỡng, khu du lịch, phân khúc này sẽ “ế” giống phân khúc nhà ở trước đây. Khi đó, việc tồn đọng là điều chắc chắn xảy ra. Ví như tại Phú Quốc, Đà Nẵng... hiện đang có hàng trăm nhà đầu tư với hàng chục tỉ USD đổ vào... liệu có tương xứng với nhu cầu du khách tới nghỉ dưỡng tại đây.
Trả lời về vấn đề này, ông Lê Hoàng Châu nhận định: “Đối với những rủi ro trong bất động sản nghỉ dưỡng, khách hàng luôn là người thiệt thòi hơn chủ đầu tư. Đặc biệt, trong trường hợp kinh doanh cho thuê, chủ đầu tư luôn nắm thế độc quyền quản lý. Đã xảy ra trường hợp chủ biệt thự chi tiền ra nhưng không kinh doanh được, có trường hợp giao chủ đầu tư khai thác nhưng cũng không đạt lợi ích thỏa đáng bởi không kiểm soát được”.
Nhiều rủi ro?
Dưới góc nhìn pháp lý, trao đổi với PV báo ĐS&PL, luật sư Lê Hồng Hiển (Giám đốc công ty luật Nay&Mai) nhận định, để phân khúc nhà ở khách sạn phát triển, đất dự án cần được chuyển đổi mục đích sử dụng từ đất kinh doanh thương mại phi nông nghiệp sang đất ở. Dù luật Đất đai cho phép nhưng có chấp thuận hay không lại tùy thuộc quyết định của chính quyền tại mỗi địa phương.
Luật sư Hiển khẳng định: “Nhà nước vẫn chưa cho phép phân lô bán nền, kinh doanh bất động sản trong khu nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí. Vì vậy, mới có chuyện chủ đầu tư dự án chỉ được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất khoảng 50 năm. Điều này nhằm ngăn chặn hành vi kinh doanh bất động sản đội lốt sân golf, resort. Tuy nhiên, bất chấp rủi ro pháp lý, cả chủ đầu tư lẫn khách hàng đều chấp nhận cùng nhau lách luật”.
Theo luật sư Nguyễn Huy An (đoàn Luật sư Hà Nội) thì khung pháp lý hiện nay về phân khúc nhà ở khách sạn vẫn chưa ổn: “Vì chưa có Nghị định hay thông tư quản lý về phân khúc này, nên khi xảy ra tranh chấp, sẽ có độ rủi ro cực lớn trong phán quyết của tòa án. Chính vì thế, người mua cần thận trọng khi đầu tư vào những tài sản mà mình không toàn quyền sở hữu, lệ thuộc vào chủ đầu tư, nhất là khi pháp lý chưa đủ công cụ để bảo vệ mình”.
Đánh giá về dự án Cocobay Đà Nẵng, ông Tống Văn Nga cho rằng, với khung pháp lý bấp bênh, việc người dân lo ngại mua nhà ở đây có được cấp sổ đỏ hay không là có cơ sở. Bên cạnh đó, ông cũng được biết, nhiều người lo lắng khi dự án này nằm kẹp giữa hai sân golf. Thực tế, bây giờ, nhiều sân golf nếu được xử lý tốt về môi trường thì cũng không đáng lo ngại. Nếu chỉ nói hai sân golf mà ảnh hưởng đến cả Cocobay Đà Nẵng thì chưa hẳn. Tuy nhiên, đặt giả thuyết hai sân golf này không được xử lý tốt, nó cũng sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân khi mua sản phẩm tại dự án Cocobay Đà Nẵng.
Để làm rõ thông tin, PV báo ĐS&PL đã liên hệ làm việc với tập đoàn Empire tại Hà Nội. PV được giới thiệu làm việc với một cán bộ tên Trân, phụ trách kinh doanh của dự án Cocobay Đà Nẵng để cung cấp thông tin. Sau đó, bà Trân lại cung cấp cho chúng tôi số điện thoại của ông Trịnh Việt Hưng, Phó Tổng giám đốc tập đoàn Empire. Tuy PV đã nhiều lần liên lạc nhưng ông Hưng đều không nhấc máy.
Trước thực trạng các dự án condotel đang ồ ạt xuất hiện trên thị trường, nhiều chuyên gia cảnh báo, không chỉ tồn tại những rủi ro như các sản phẩm bất động sản thông thường, các nhà đầu tư mua biệt thự nghỉ dưỡng, căn hộ khách sạn còn đang đối mặt với khung pháp lý vô cùng bấp bênh. |
TUẤN LINH