(ĐSPL) - Sau khi một số báo đăng tải thông tin về tục “ngủ mái” của người Thổ ở huyện Như Xuân (Thanh Hóa), cộng đồng người Thổ nơi đây đã phản ứng dữ dội bởi cho rằng, bài báo đã xúc phạm nghiêm trọng đến bản sắc văn hóa của dân tộc mình.
Để tìm hiểu rõ sự thật về tục “ngủ mái” của người Thổ ở xứ Thanh, những ngày đầu năm Ất Mùi 2015, phóng viên báo Đời sống và Pháp luật đã tìm về xã Yên Lễ, huyện Như Xuân để gặp gỡ những vị cao niên trong cộng đồng người Thổ cũng như những nhân vật đã được đề cập trong các bài viết trước đó.
Sau khi báo Văn hóa và Đời sống tỉnh Thanh Hóa và báo điện tử Người lao động đăng tải các bài viết: “Ngủ mái” của người Thổ ở Thanh Hóa và Độc đáo tộc “ngủ mái” của người Thổ ở xứ Thanh, cộng đồng người Thổ ở huyện Như Xuân cũng như những nhân vật được đề cập trong bài viết đã phản ứng dữ dội, họ tố cáo bài báo hoàn toàn bịa đặt và sai sự thật, xúc phạm nghiêm trọng đến bản sắc văn hóa, danh dự của người dân tộc Thổ.
Không có tục “ngủ mái”
Chúng tôi tìm đến gặp cụ Lê Hữu Quý (86 tuổi), một vị cao niên tại thôn Thấng Sơn, xã Yên Lễ, huyện Như Xuân, nhân vật xuất hiện trong 2 bài viết trên báo Văn hóa và Đời sống, báo Người lao động online trước đó. Khi được hỏi về tục “ngủ mái” của người Thổ, cụ Quý bức xúc giãi bài: “Bài báo nói bậy, xưa nay người Thổ chúng tôi có rất nhiều phong tục tập quán nhưng hoàn toàn không có tục lệ nào là tục “ngủ mái” cả. Dư luận quanh đây đồn ầm hết cả lên, tôi tức lắm, tôi cũng đã có tới 55 tuổi Đảng, không nói bậy được"
Cụ Lê Hữu Quý khẳng định, đây là hình ảnh một nghi thức cúng thổ công chứ không phải nghi thức trong lễ cưới như các báo đã nêu trước đó. |
Chia sẻ về nguồn gốc những hình ảnh của mình xuất hiện trên báo, cụ Quý kể: “Năm 2013, Đài phát thanh và truyền hình về dựng lại phong tục đón tết cổ truyền của người dân tộc Thổ tại huyện Như Xuân, bức ảnh có hình tôi trên báo Văn hóa đời sống và báo Người lao động có chú thích là “làm lễ trong ngày cưới” nhưng thực chất đó là nghi thức cúng lễ Động thổ của người Thổ”.
Sự thật lên tiếng
Những nhân vật khác xuất hiện trên báo trước đó cũng vô cùng giận dữ khi thấy hình ảnh của mình bị gán ghép với nội dung hoàn toàn sai sự thật. Anh Lê Ngọc Nhật (33 tuổi), cán bộ chính sách xã Yên Lễ, là nhân vật xuất hiện trong bức ảnh chụp đôi trai gái được chú thích: “Đôi vợ chồng người Thổ sống hạnh phúc với nhau sau khi “ngủ mái” cho rằng: “Tôi vô cùng bức xúc khi đọc được những bài viết về tục ngủ mái của người Thổ. Đó hoàn toàn là sự bịa đặt trắng trợn, chuyện đó không chỉ làm xấu hình ảnh của người dân tộc Thổ chúng tôi mà còn ảnh hưởng đến cuộc sống đời tư của chúng tôi”.
Anh Lê Ngọc Nhật và chị Lê Thị Liên, hai nhân vật trong hình ảnh được cho là "đôi vợ chồng người Thổ sống hạnh phúc với nhau sau khi "ngủ mái" đều khẳng định nội dung bài viết về họ không đúng sự thật |
Chị Lê Thị Liên (32 tuổi), cán bộ văn thư xã, người xuất hiện cùng anh Nhật trong bức ảnh nói trên giãi bày: “Tôi và anh Nhật không phải là một đôi trai gái yêu nhau hay vợ chồng. Mà trong một dịp đến công tác tại xã Yên Lễ, nhà báo đã nhờ chúng tôi, khi đó đang làm việc tại ủy ban xã Yên Lễ mặc trang phục người Thổ để chụp ảnh lấy tư liệu viết về nét đẹp văn hóa trong trang phục của người Thổ"
Ngay sau khi hai bài viết về tục “ngủ mái” của người Thổ ở Như Xuân được đăng tải trên báo trên báo Văn hóa và Đời sống và báo Người lao động online, UBND huyện Như Xuân đã có văn bản giải trình gửi đến báo chí, sở thông tin truyền thông và các ban ngành liên quan, với nội dung khẳng định: “Hai bài viết trên hoàn toàn sai sự thật, không có trong phong tục tập quán văn hóa của cộng đồng dân tộc Thổ huyện Như Xuân, làm ảnh hưởng đến giá trị thuần phong mỹ tục không những của cộng đồng dân tộc Thổ tại huyện Như Xuân nói riêng mà còn ảnh hưởng đến giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc trên địa bàn huyện nói chung”.