(ĐSPL) - Nam thanh niên có chân nghi bị hoại tử đi ăn xin ở Hà Nội đang gây sự chú ý của dư luận khi có ý kiến cho rằng, người này giả vờ để rủ lòng thương.
Thế nhưng, qua tìm hiểu của PV báo ĐS&PL, đằng sau câu chuyện gây tranh cãi này còn nhiều uẩn khúc cần được làm rõ...
“Cho tiền thì cho, không đi viện đâu...”
Những ngày qua, cộng đồng mạng xôn xao hình ảnh một thanh niên có chân bị hoại tử xuất hiện tại hàng loạt những “điểm nóng” giao thông ở Hà Nội như phố Chùa Bộc, Văn Miếu, Giải Phóng, Lê Văn Lương... với tấm biển xin tiền có nội dung: “Con bị tai nạn lao động máy cắt vào chân. Chủ thầu không có trách nhiệm, không có tiền chữa nên bị nhiễm trùng hoại tử.
Gia đình con ở xa cũng nghèo không có điều kiện nên bây giờ chỉ mong vào lòng tốt của mọi người làm phúc thương tình mà giúp để con có tiền đi chữa trị sớm, không nhiễm trùng vào máu thì mất cả mạng. Con xin đội ơn mọi người”.
Tuy nhiên, nhiều người cảm thấy khó hiểu, thậm chí họ còn bức xúc, khi muốn đưa người này đến bệnh viện để thăm khám thì liên tục bị từ chối.
Theo đó, trên mạng xuất hiện hàng loạt video với nội dung một số người muốn đưa thanh niên này đi chữa trị, còn gọi cả bác sỹ 115 đến kiểm tra để đưa đến bệnh viện nhưng đều bị thanh niên này từ chối.
Nam thanh niên bị đánh vì nghi là lừa đảo. (Ảnh: VnExpress) |
Ngay khi có sự chú ý của dư luận, thanh niên bị hoại tử chân lập tức gọi điện cho một người nhà đến đón về. “Người nhà” ấp úng: “Nhà không có tiền nên không đi viện được!”, rồi chở thanh niên này đi luôn trước lời hứa của người đi đường “sẽ hỗ trợ 100\% chi phí chữa trị khi đưa đến bệnh viện”.
Gần đây nhất, ngày 26/9, trên mạng lại tiếp tục xuất hiện một đoạn video ghi lại cảnh một người đàn ông đấm đá một thanh niên, vì cho rằng người này giả vờ bị hoại tử chân để lừa đảo xin tiền người đi đường.
Trong đoạn video thể hiện sự bức xúc của người đàn ông khi biết mình bị lừa vì đã cho tiền thanh niên này rất nhiều lần.
Trước đó, chính ông này nói muốn đưa thanh niên đến bệnh viện để thăm khám nhưng bị từ chối. “Có cho tiền thì lấy, chứ không đi viện đâu”, thanh niên ăn xin nói dứt khoát.
Sau hàng loạt video bóc trần sự thật, cả trận đòn nhừ tử gần đây nhất, nam thanh niên bị hoại tử chân đang gây sự chú ý của dư luận, lại tiếp tục xuất hiện tại địa bàn phường Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai, TP.Hà Nội) để tiếp tục xin ăn.
Trao đổi với PV báo ĐS&PL, Thiếu tá Nguyễn Trường Sơn, Phó trưởng Công an phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, TP.Hà Nội cho biết: “Thông tin về thanh niên bị hoại tử chân, thường xuyên ngồi lân la ở các ngã tư trên địa bàn Hà Nội, chúng tôi đã biết hơn một tháng qua.
Tuy nhiên, cho đến khoảng 22h10 ngày 27/9, lực lượng tuần tra Công an phường Hoàng Liệt mới phát hiện đối tượng đang ngồi tại ngã ba gác chắn tàu đầu đường Đại Từ, vẻ mệt mỏi, đói ăn, vạch ống quần lên cao để lộ chân bị thương.
Bên cạnh người này có tờ giấy viết tay nguệch ngoạc, sai lỗi chính tả, xin tiền”. Cũng theo Thiếu tá Sơn, qua kiểm tra hành chính, người này cho biết, tên là Phạm Thanh Hùng, SN 1985, quê gốc ở Thanh Hóa, hiện nay đang ở cùng gia đình, đăng ký thường trú tại xóm 3, ấp 4, Kiến Hưng, thị xã Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước.
Gia đình có hai anh em trai, bố đã mất, mẹ nghỉ hưu còn một người anh trai nhưng hiện nay không có tung tích gì. Hùng đã ra Hà Nội sống được hơn 2 năm và lang thang làm mọi nghề nhưng vẫn không đủ ăn...
Tuy nhiên, theo Thiếu tá Sơn, qua kiểm tra hành chính, Hùng không có bất cứ giấy tờ tùy thân nào, anh ta chỉ nói khi được hỏi.
Bằng mắt thường quan sát, vết thương của Hùng là có thật, đang bốc mùi hôi nên lực lượng công an phường đã gọi cấp cứu 115, bố trí người đi cùng đến bệnh viện để khám và chữa trị vết thương.
“Về thông tin anh Hùng bị nhiễm HIV là không có căn cứ, cần phải kiểm tra cụ thể mới có kết luận chính xác được. Cơ quan công an cũng đang tiếp tục về địa phương xác minh. Vì hiện tại, Hùng không có bất cứ liên lạc nào khác với gia đình ở quê cả”, Thiếu tá Sơn nói với PV.
Bị đánh vì... không nộp tiền cho bảo kê?
Trước đó, qua tìm hiểu được biết, ngày 26/9, khi đang ngồi xin tiền tại ngã tư Khuất Duy Tiến – Lê Văn Lương, quận Thanh Xuân, TP. Hà Nội, Hùng đã bị một số người lao vào đánh đấm vì cho rằng Hùng lừa đảo để đi ăn xin.
Tuy nhiên, theo Hùng kể lại, anh bị đánh là do không có tiền nộp cho đối tượng bảo kê. Trước đó, mấy đối tượng bảo kê trên địa bàn đòi mỗi ngày phải nộp 200.000 đồng để được ăn xin ở đây.
“Mỗi ngày xin được mấy trăm nghìn cũng chỉ đủ tiền hút chích mà thôi”, Hùng nói.
Nam thanh niên này cũng cho biết, anh bị thương trong một vụ tai nạn lao động, nhưng do bạn bè rủ rê “chơi” ma túy nên vết thương ngày một loét ra, mãi không khỏi. Hiện, Hùng đang ở ngõ Văn Chương (quận Đống Đa, TP.Hà Nội) nhưng hỏi cụ thể thì anh ta không nói.
Theo những người dân ở khu vực này, Hùng sống nay đây mai đó, nên không có địa chỉ rõ ràng. Hùng xuất hiện ở khu vực Khâm Thiên khoảng hơn hai năm nay với cái chân tập tễnh, chứ không ai biết anh ta bị hoại tử. Với thông tin trên, Thiếu tá Sơn nói: “Công an phường đã vận động Hùng tới bệnh viện chữa trị, đồng thời có biện pháp xác minh ở địa phương để gọi gia đình ra nhận hoặc có hướng xử lý cụ thể.
Hiện, vết thương của Hùng cũng chưa ăn sâu nên anh ta vẫn đi lại được, tuy nhiên về lâu dài, chúng tôi vẫn sẽ đưa anh ta đi kiểm tra miễn phí tại bệnh viện, làm các chụp chiếu cần thiết để có kết quả chính xác nhất.
Tới đây, nếu Hùng còn quay lại địa bàn để ăn xin tiếp, chúng tôi sẽ đề nghị với phòng Văn hóa; phòng Lao động - Thương binh và Xã hội của quận để có biện pháp xử lý, chấm dứt tình trạng này”.
Ở một diễn biến khác, có thông tin cho rằng, chiếc chân giả bị hoại tử của nam thanh niên ăn xin trên được làm từ chất liệu silicon và cao su.
Có bạn đọc còn cho rằng, nếu quan sát kỹ thì sẽ thấy chiếc chân phải được hóa trang silicon to hơn chân trái và được tô màu nâu sẫm.
“Nếu chân bị hoại tử thì chỉ vài tuần là sẽ bốc mùi ở chân, viêm loét và nếu không chữa trị kịp thời thì có thể phải cắt bỏ chân...”, anh Nguyễn Thành, phố Văn Miếu, quận Đống Đa, chia sẻ với PV.
Trao đổi với PV báo ĐS&PL, bác sỹ Phạm Hưng Củng, viện Khoa học điều dưỡng Việt Nam phân tích, muốn biết nam thanh niên trên, chân có bị hoại tử thật hay không thì phải trực tiếp thăm khám mới kết luận được.
Tuy nhiên, nếu thanh niên trên bị hoại tử chân thật thì cần đến bệnh viện chữa trị ngay, nếu không sẽ phải cắt bỏ phần chân bị hoại tử.
Ở góc độ nhân văn, chuyên gia tâm lý Phạm Hiền (ảnh bên) chia sẻ: “Tôi chưa biết thực hư nam thanh niên trên có bị hoại tử chân thật hay không. Việc cộng đồng thương cảm, chia sẻ với nỗi khổ, nỗi đau của người khác cũng là bình thường. Khi phát hiện có sự giả mạo, lừa dối để kiếm tiền từ lòng thương của người khác thì đó là điều đáng lên án. Vì thế, chúng ta cũng nên tìm hiểu kỹ thông tin về những trường hợp mà mình định giúp đỡ, để không đặt nhầm niềm tin...” |
Đ.K
Xem thêm video tin tức:
[mecloud]Ycg40gVpLJ[/mecloud]