Bằng vỏ bọc hoàn hảo của một doanh nhân thành đạt và những mối quan hệ ngầm “khủng”, Nguyễn Ngọc Minh – tức Minh “sâm” đã trúng thầu dự án làm 2,2 km đường trên tỉnh lộ 277 chạy từ cầu Tiến Bào tới địa phận xã Phù Khê (Từ Sơn, Bắc Ninh). Xung quanh dự án này có rất nhiều thông tin trái chiều như việc giải phóng mặt bằng chỉ diễn ra trong vòng 2 ngày; biện pháp mà Minh “sâm” sử dụng là kiểu “luật rừng” cưỡng chế đất của người dân… Thực hư của những thông tin này ra sao?
Con đường trăm tỉ do trùm xã hội đen Minh “sâm” trúng thầu. Ảnh: XT |
Con đường trăm tỉ
Vụ việc ông trùm “xã hội đen” Minh “sâm” (trú tại Từ Sơn, Bắc Ninh) cùng đồng bọn bị Bộ Công an vây bắt trong đêm 13/8 đang là chủ đề nóng thu hút sự quan tâm đặc biệt từ dư luận.
Vẫn còn đó nhiều thông tin trái chiều, đặc biệt là xung quanh đoạn đường dài 2,2 km nằm trên tỉnh lộ 277 do Minh “sâm” thi công với số vốn lên tới hơn 400 tỷ đồng. Trước luồng thông tin việc giải phóng mặt bằng chỉ diễn ra vỏn vẹn trong vòng 2 ngày và người dân có đất bị Minh “sâm” cùng đàn em dùng luật giang hồ cưỡng chế, PV đã tìm về địa phương để xác minh thông tin.
Trao đổi với PV chiều ngày 28/8, ông Đỗ Tuấn Khanh, Phó Chủ tịch UBND xã Phù Khê (Từ Sơn, Bắc Ninh) cho biết: Trước nhiều luồng thông tin trái chiều xung quanh việc giải phóng mặt bằng đoạn đường 2,2 km trên tỉnh lộ 277, ngày 25/8/2014, UBND xã Phù Khê đã có báo cáo gửi tới lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh, lãnh đạo thị xã Từ Sơn thông tin chính thức. Theo đó, không có việc giải phóng mặt bằng đoạn đường trên chỉ trong 2 ngày. Thực tế, đã có tới 11 lần các cấp chính quyền tiến hành vận động những hộ dân có đất trong diện giải phóng mặt bằng, trong đó có hai lần tổ chức đối thoại trực tiếp. Về nguyện vọng làm con đường nhằm kỉ niệm 100 năm ngày sinh cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ thì 100\% hộ dân có đất trong diện giải phóng mặt bằng ủng hộ.
“Còn về vấn đề tiền đền bù, theo chủ trương của UBND tỉnh Bắc Ninh là 158 triệu đồng/1 sào (360m2). Tính tới thời điểm hiện tại, trong tổng số 117 hộ có đất cần giải tỏa thì vẫn còn 16 hộ chưa đồng tình về mức độ đền bù. Tổng số diện tích đã giải phóng mặt bằng để làm 2,2 km đường trên là 16.353m2 (trong đó đất nông nghiệp khó canh tác là 2.904,2m2)”, ông Khanh cho hay.
Về câu chuyện có hay không việc khi giải phóng mặt bằng, Minh “sâm” cùng đồng bọn cưỡng chế kiểu xã hội đen, ông Khanh khẳng định rằng hoàn toàn không có chuyện đó. Việc giải phóng mặt bằng đều diễn ra theo đúng quy định của pháp luật. Tính tới thời điểm này, khi đoạn đường trên đã hoàn thiện được 90\% thì chính quyền vẫn chưa hề nhận được bất cứ khiếu nại hay thắc mắc gì của các hộ dân có đất thuộc diện giải phóng. Một vài hộ dân khi PV hỏi cũng cho rằng không có chuyện cưỡng chế hay ép buộc.
Khi PV hỏi về vấn đề trạm cân do Minh “sâm” tự ý lập ra để “làm luật” với các thương nhân muốn vào chợ gỗ Phù Khê, được cho là nằm trên tỉnh lộ 277; về khía cạnh này, ông Khanh cho biết, trạm cân không nằm trên tỉnh lộ 277 mà nằm trong phạm vi của Công ty TNHH Đại An do Minh “sâm” làm Giám đốc.
Vỏ bọc hoàn hảo
Theo tài liệu từ cơ quan công an, nhằm che đậy bản chất giang hồ, Minh “sâm” và Hưng “sóc” tự tạo cho mình những lớp vỏ bọc hoàn hảo. Trong khi kẻ cầm đầu là giám đốc của một công ty chuyên sản xuất về gỗ nổi tiếng bậc nhất ở Bắc Ninh từng nhận được nhiều giải thưởng lớn nhỏ và có mối quan hệ sâu rộng thì bản thân Hưng “sóc” lại được bầu làm trưởng thôn. Mới đây, được sự giúp đỡ của Minh “sâm”, y cũng thành lập Công ty TNHH Thành Hưng để kinh doanh gỗ. Vốn là người kín đáo nên mọi công việc làm ăn của Hưng đều trong vòng bí mật. Ngay cả vợ con của Hưng cũng không hề hay biết. Chứng kiến việc chồng mình bị công an tra tay vào còng số 8, bà Hoàng Thị Hà (SN 1961, vợ Hưng) cũng hết sức ngỡ ngàng. Thông tin với báo chí, bà Hà cho biết, chưa bao giờ thấy chồng làm ăn kiểu “xã hội đen” và thường chỉ thấy ông Hưng quanh quẩn ở nhà, ngoài chợ gỗ.
Theo tìm hiểu của PV, Hưng là con thứ 4 trong gia đình có tới 8 anh chị em. Ngay từ nhỏ, Hưng đã bộc lộ bản chất ngang tàng, nhưng lại cực kì nhanh nhẹn và láu cá. Ngay từ thời gian đi học, Hưng đã lôi kéo bạn bè thành lập nhóm trộm cắp. Năm 1972, Hưng bị phạt tù 18 tháng do tội trộm cắp một chiếc xe đạp trên địa bàn TP Hà Nội. Sau khi mãn hạn tù, những tưởng Hưng sẽ làm lại cuộc đời thì tới năm 1974, y lại “ngựa quen đường cũ” đột nhập nhà người dân trộm cắp nhiều tài sản có giá trị. Lần này thời gian ngồi “bóc lịch” của Hưng lên tới 10 năm. Nhưng thành tích bất hảo về tù tội của y vẫn chưa dừng lại ở đó. Sau khi trả án lần hai, Hưng cùng đồng bọn chuyển địa bàn hoạt động lên các tỉnh miền núi phía Bắc và thêm một lần nữa bị bắt giữ, kết án 10 năm.
Cũng chính trong lần lĩnh án cuối cùng này, Hưng đã gặp Minh “sâm”. Hai bên nhanh chóng “bắt sóng” rồi sau này trở thành cặp bài trùng khét tiếng trong giới giang hồ ở Bắc Ninh.
Cơm tù nhiều hơn cơm ngoài khiến người vợ cả của Hưng đi tìm hạnh phúc mới. Ra tù khi đã 42 tuổi, Hưng đi thêm bước nữa. Hiện Hưng có 3 người con, 1 người con chung với vợ cả và 2 con với vợ hai.
Trong quá trình tìm hiểu thông tin vụ việc, PV đã được nghe rất nhiều câu chuyện về Hưng “sóc”. Hỏi 10 người dân về Hưng thì có tới 9 người chỉ biết y là một người trưởng thôn rất có trách nhiệm, giúp đỡ nhân dân nhiều. Còn những chuyện làm ăn phi pháp của tên trùm này thì họ không hề hay biết cho tới khi sự việc vỡ lở.