+Aa-
    Zalo

    Sự thật về cây “bóng ma” tiền triệu khiến nhiều người phát cuồng

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Giới chơi cây thủy sinh cho biết, hiện nay, Bucep "bóng ma" hiếm đến độ gần như tuyệt chủng ngoài tự nhiên.

    Vẻ đẹp lung linh huyền ảo khi chìm dưới mặt nước, gốc tích gắn liền câu chuyện ma mị và đặc biệt khan hiếm khiến loài cây này trở thành "cực phẩm" được giới chơi cây đổ xô săn lùng.

    Giới chơi cây thủy sinh cho biết, hiện nay, Bucep "bóng ma" hiếm đến độ gần như tuyệt chủng ngoài tự nhiên. Chỉ có những dân chơi chuyên nghiệp, người sưu tầm có thâm niên và đam mê bất tận mới có thể mua, sở hữu loài thủy sinh ngoại lai có giá từ 2-3 triệu đồng/ngọn 3cm. 

    Đổ xô săn lùng ngọn "bóng ma" tiền triệu

    Thời gian gần đây, giới chơi cây thủy sinh rộ lên phong trào săn lùng loại cây thuộc họ ráy mang tên Bucep "bóng ma". Những người trong giới này cho biết, đây là một nhánh có vẻ đẹp huyền ảo nhất trong loài Bucephalandra (một chi thực vật có hoa trong họ Ráy – PV). Đặc biệt, ở thời điểm hiện tại, loài này vô cùng khan hiếm, khó chăm sóc. Nhưng một khi đã "chịu" hồ thủy sinh, chịu phát triển, Bucep "bóng ma" sẽ thỏa mãn người sở hữu bằng vẻ đẹp huyền ảo mà không bất kỳ loài thủy sinh nào có được.

    Anh Lưu Văn Long (ngụ quận Tân Phú, TP HCM), một trong những người có nhiều năm nghiên cứu loại cây này cho biết, rất khó kiếm loại cây có màu sắc lung linh như thế trong thế giới cây thủy sinh. "Lá cây có màu sắc rất đẹp. Đó là sự pha trộn của các sắc màu tím đỏ, xanh tím, xanh đen,... Ngoài ra, trên lá cây còn có những hạt kim sa sáng lấp lánh. Khi ở dưới mặt nước, các hạt kim sa này óng ánh, lung linh khiến cây trông rất đẹp và mê hoặc", anh Long nói thêm.

    Trong khi đó, anh Xuân Danh (ngụ quận Thủ Đức), người được xem là nghệ nhân hàng đầu Việt Nam trong giới chơi thủy sinh Bucep cho biết, những hạt kim sa trên lá của loài Bucep "bóng ma" có thể biến đổi màu sắc theo góc nhìn của người chơi.

    Cây “bóng ma” tiền triệu khiến nhiều người phát cuồng. Ảnh: Hades

    Cụ thể, ngắm loài cây này dưới nước, cùng với ánh sáng chiếu vào, khi mắt người chơi nhìn theo những hướng khác nhau sẽ thấy các hạt kim sa trên lá Bucep "bóng ma" ánh lên những màu sắc lung linh khác nhau. Đây là một trong những vẻ đẹp vô cùng hiếm gặp và dường như không một loài cây thủy sinh nào có được. Vẻ đẹp ma mị đầy mê hoặc trên góp phần làm cho loài cây này trở nên vô cùng đắt đỏ, trở thành mặt hàng được săn lùng bậc nhất trong giới chơi Bucep nói chung.

    Anh Long nhận định: "Thực ra không phải chỉ gần đây mà từ xưa, loài Bucep này vẫn luôn được giới chơi cây săn lùng. Chúng được săn lùng trên toàn thế giới chứ không riêng gì ở Việt Nam. Vẻ đẹp đến mê hoặc cùng sự khan hiếm và kỹ thuật chăm sóc cực kỳ tỉ mỉ khiến loại cây này có giá thành rất cao. Trên thị trường hiện nay, một ngọn Bucep thuộc dòng "bóng ma" có giá từ 1,5 - 2 triệu đồng/ngọn cao 3cm. Nếu bán theo bụi thì có giá đắt hơn nhiều".

    Theo tìm hiểu của PV, tại TP.HCM khá hiếm cửa hàng kinh doanh Bucep "bóng ma". Phải khó khăn lắm, PV mới liên hệ được với một cửa hàng chuyên cung cấp loại này tại Hà Nội. Nhân viên tại Bucep Viet, nơi chuyên cung cấp Bucep cho biết, ngoài bán theo ngọn, nơi đây còn bán theo cụm, bụi, khay.

     Trao đổi với PV, nhân viên cửa hàng cho biết, giá cả mặt hàng này rất đa dạng, phụ thuộc vào từng kiểu hình và màu sắc của cây. "Giá ngọn tầm trung dao động từ 2-3 triệu đồng/ngọn, các cụm nhỏ từ 5-10 triệu đồng/cụm. Cụm lớn 20-30 triệu đồng/cụm. Giá một khay cây này có thể lên đến 200 triệu đồng". Theo chia sẻ của anh Long, giá bán loại cây này theo cụm, khay cao "ngất ngưởng" là do để cây phát triển khỏe mạnh thành cụm, bụi, khay phải tốn rất nhiều thời gian và kỹ thuật chăm sóc. Tuy nhiên, với vẻ đẹp khó cưỡng của nó, nhiều người vẫn sẵn sàng bỏ cả trăm triệu đồng để săn lùng, mua về nuôi dưỡng, chăm sóc.

    Gốc tích ma mị

    Anh Xuân Danh cho biết thêm, hiện nay, cả thế giới săn lùng và chơi loại cây thủy sinh này. Tuy nhiên, ít ai biết chính xác tên gọi và gốc tích của nó. Theo anh, loài cây này sở dĩ có tên gọi là Bucep "bóng ma" là do người chơi dịch ra tiếng Việt. Trong khi đó, tên đầy đủ và chính xác của nó là Bucephalandra Brownie Ghost NK 2011/2012. Cụ thể, Bucephalandra Brownie Ghost NK 2011/2012 là một trong hàng ngàn dòng khác của Bucephalandra nói chung.

    Tuy nhiên, không như các "anh, em" của nó, Bucep Brownie Ghost có một vẻ đẹp rất huyền ảo. Hơn thế, cái tên của nó cũng có gốc tích gắn liền với câu chuyện tâm linh hết sức ma mị. Anh Danh kể: "Bucephalandra Brownie Ghost NK 2011/2012 được được tìm thấy tại Kapuas Hulu, một vùng thuộc phía Tây Kalimantan, Indonesia.

    Năm 2011, trong một lần đi khảo sát để tìm kiếm các loại thực vật mới, ông Nakamoto và các hướng đạo của mình đã đến một khu vực sông đặc biệt. Khúc sông này quanh co, khúc khuỷu, lòng sông có nhiều chỗ sâu, nước xoáy. Trên khúc sông này có những chỗ nước đen nằm ngay cạnh những vị trí nước nhiều phù sa, màu nâu đỏ. Vùng này dân địa phương ít lui tới vì có nhiều vụ chết do đuối nước. Dân Indonesia khá duy tâm, nên khu vực “có ma” này được cho là không lành. Nhiều người nói khi đến đây luôn cảm thấy bất an và như có ai đó nhìn chòng chọc vào họ từ phía sau như có hồn ma theo dõi".

    "Nakamoto khi đi ven bờ sông đã phát hiện ra dưới làn nước trong là những bụi Bucephalandra rất đẹp, lá non có màu đỏ, lá trung có màu xanh đậm và lá già xanh tím sẫm, mặt lá có kim sa lấp lánh. Những bụi cây nhìn như những đoá hoa thuỷ tinh dưới nước, mang vẻ đẹp đủ làm cho một người có rất nhiều trải nghiệm với Bucephalandra cũng phải sửng sốt, trầm trồ. Không biết vì vẻ đẹp ma mị của loại cây hay vì sự huyền bí, liêu trai của vùng đất tìm ra nó mà Nakamoto đã đặt tên cây là (brownie) ghost", anh Danh cho biết thêm.

    Theo thời gian, sau khi được nhập trực tiếp từ Indonesia về, cái tên của loài cây trên được người chơi "Việt hóa" một cách "sơ sài" là Bucep "bóng ma". Cũng theo những người chơi Bucep Brownie Ghost, hiện nay loài này cực kỳ khan hiếm, hầu như không còn tồn tại trong tự nhiên. Thậm chí, ngay cả "quê hương" của Bucephalandra là Indonesia cũng không còn. Bởi, chúng bị người dân địa phương khai thác đến mực cạn kiệt cho những thương vụ xuất khẩu chui sang thị trường thế giới.

    Anh Long khẳng định, anh có mối quan hệ rất tốt với những người đứng đầu của các hội, nhóm chuyên chơi Bucep Brownie Ghost uy tín tại Indonesia. Và, những người này quả quyết hiện nay, tại đây không còn Bucephalandra Brownie ghost NK 2011/2012 nguyên thủy. Có chăng chỉ là những nhà vườn họ còn lưu giữ hoặc nuôi trồng được. Do đó, dù tốn tiền triệu, thậm chí cả trăm triệu nhưng người chơi vẫn dễ dàng vấp phải những cú lừa khi dốc hầu bao hòng sở hữu "bóng ma".

    Anh Long kể: “Trước đây, tôi có thời điểm đã sang Indonesia nhập loài cây này về để kinh doanh. Để nhập về nước, tôi phải qua hải quan nước bạn và cây phải được đưa đi kiểm định, có giấy chứng nhận mới được thông quan. Tuy nhiên, khi về nước, cây thối, rữa hết cả. Tôi phải cố cắt, xén lại từng centimet cây để ươm, gây giống. May mắn làm sao, hiện nay cây đã sống và phát triển tốt”.

    Theo tìm hiểu của PV, ngoài việc khan hiếm, có vẻ đẹp huyền bí, Bucep Brownie Ghost còn đòi hỏi người chơi phải hội đủ những kỹ thuật chăm sóc vô cùng nghiêm ngặt như: Nhiệt độ nước, độ PH, dinh dưỡng, hệ vi sinh ổn định của bể nuôi, CO2, đèn chuyên dụng, ... Tất cả những yếu tố trên khiến cho loài cây này có sức hút mạnh mẽ đối với người chơi cây thủy sinh nói chung và người chơi Bucephalandra nói riêng.

    Hà Nguyễn
    Bài đăng trên Báo giấy Đời sống & Pháp luật số 189 ngày 26/11/2019
    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/su-that-ve-cay-bong-ma-tien-trieu-khien-nhieu-nguoi-phat-cuong-a302771.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan
    Thú chơi Cây cảnh xưa và nay

    Thú chơi Cây cảnh xưa và nay

    Thú chơi cây cảnh xưa, chủ yếu dành cho giới quan lại thượng lưu, chơi để dưỡng tâm, dưỡng thần, hạn chế dục vọng.