Chỉ dựa vào thư “ủy quyền của ủy quyền”, DRAV đã tự nhận mình là đơn vị duy nhất tại Việt Nam thực hiện việc bảo hộ bản quyền đối với các video clip trên nền tảng Internet, cản trở báo chí hoạt động đúng pháp luật.
DRAV tự nhận mua bản quyền và phân phối nội dung video clip giải bóng đá Ngoại hạng Anh. |
Thời gian gần đây, công ty TNHH Liên minh bản quyền số Việt Nam (DRAV) đưa ra một số thông báo tự nhận là đơn vị thực hiện việc bảo hộ bản quyền đối với các video clip, hình ảnh giải bóng đá Ngoại hạng Anh mùa giải 2016-2017.
Dẫn theo thông báo này, DRAV chỉ dựa vào duy nhất một thư ủy quyền (gồm cả bản tiếng Anh và bản dịch) của công ty nước ngoài đã khẳng định, mình là đơn vị duy nhất tại Việt Nam được quyền khai thác, kinh doanh, độc quyền phân phối, cũng như thực hiện việc bảo hộ bản quyền đối với các video clip toàn bộ các trận đấu giải Ngoại hạng Anh trong 3 mùa giải từ 2016 đến 2019 trên nền tảng Internet (bao gồm toàn bộ các website, mobile apps, mạng xã hội).
Điều đáng lưu ý là nội dung cái gọi là thư ủy quyền cho thấy, công ty nước ngoài ủy quyền cho DRAV cũng là đơn vị trung gian được ủy quyền từ một công ty nước ngoài khác.
Bởi vậy, thư ủy quyền của ủy quyền mà DRAV đang lấy làm căn cứ pháp lý khẳng định việc bảo hộ bản quyền toàn bộ các video clip các trận đấu Ngoại hạng Anh cần được các cơ quan chức năng thẩm định và xem xét giá trị pháp lý, tránh để tình trạng một công ty tư nhân có thể lợi dụng, nhập nhèm, thậm chí mạo danh để trục lợi trong việc thu lợi bất hợp pháp, cản trở các cơ quan báo chí hoạt động đúng pháp luật.
Mặt khác, nội dung thư ủy quyền của DRAV cũng chỉ nói đến các video clip các trận đấu giải Ngoại hạng Anh mà không chỉ ra cụ thể những video clip nào đã được bảo hộ bản quyền.
Thực tế, DRAV cần chỉ ra và cung cấp các video clip đã được bảo hộ bản quyền tại Việt Nam để các bên không vi phạm bản quyền. Song công ty này đang "lập lờ đánh lận con đen", quy chụp tất cả video clip giải Ngoại hạng Anh đều do DRAV bảo hộ bản quyền tại Việt Nam. Đây là một sự quy chụp phi lý.
Trên website của DRAV cũng chỉ có duy nhất chứng thư "ủy quyền của ủy quyền" của một công ty nước ngoài. |
Được biết, trong suốt 2 năm qua, DRAV đã nhiều lần đưa ra các thông báo, các văn bản nhập nhèm về việc “bảo hộ bản quyền đối với các video clip toàn bộ các trận đấu giải Ngoại hạng Anh trong 3 mùa giải từ 2016 đến 2019 trên nền tảng Internet (bao gồm toàn bộ các website, mobile apps, mạng xã hội)”, nhằm yêu cầu bất hợp pháp, đòi các tổ chức, cá nhân phải trả những quyền lợi cho cái gọi là “bản quyền” cho công ty này.
Ngoài ra, khi không đạt được mục đích, DRAV đã gửi các văn bản vu cáo nhiều cơ quan tổ chức, trong đó có báo điện tử Người Đưa Tin, cho rằng cơ quan báo chí sử dụng hình ảnh giải bóng đá Ngoại hạng Anh để minh họa trong tin, bài là “có dấu hiệu vi phạm các quy định của ban Tổ chức giải Ngoại hạng Anh, có dấu hiệu vi phạm quy định pháp luật về sở hữu trí tuệ về quyền tác giả, quyền liên quan”.
Trên thực tế, báo điện tử Người Đưa Tin luôn tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ của tổ chức, cá nhân theo quy định của luật Sở hữu trí tuệ và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
Việc trích dẫn một số hình ảnh, video clip để minh họa trong các bài viết về giải Ngoại hạng Anh (không đưa, phát nguyên văn) trên báo chí được pháp luật về sở hữu trí tuệ cho phép và bảo hộ.
Cụ thể, khoản 1, Điều 15, luật Sở hữu trí tuệ khẳng định, các đối tượng không thuộc phạm vi bảo hộ quyền tác giả trong đó có “tin tức thời sự thuần túy đưa tin”.
Ngoài ra, điểm c, khoản 1, Điều 25, luật Sở hữu trí tuệ đã nêu rõ: “Các trường hợp sử dụng tác phẩm đã công bố không phải xin phép, không phải trả tiền nhuận bút, thù lao trong đó có việc trích dẫn tác phẩm mà không làm sai ý tác giả để viết báo, dùng trong ấn phẩm định kỳ, trong chương trình phát thanh, truyền hình, phim tài liệu”.
Như vậy, rõ ràng việc báo điện tử Người Đưa Tin trích dẫn những hình ảnh video clip, hình ảnh một số trận đấu giải bóng đá Ngoại hạng Anh để minh họa cho bài viết, đưa tác phẩm báo chí đến công chúng là phù hợp với luật Báo chí năm 2016 và luật Sở hữu trí tuệ.
Với hành vi vu cáo báo chí, cản trở báo chí trong việc phục vụ nhu cầu thông tin của bạn đọc, DRAV đang trắng trợn vi phạm luật Báo chí năm 2016. Điều 9 của Luật này quy định rất rõ các hành vi bị cấm, trong đó có việc cản trở việc in, phát hành, truyền dẫn, phát sóng sản phẩm báo chí, sản phẩm thông tin có tính chất báo chí hợp pháp tới công chúng.
Đã đến lúc cơ quan chức năng cần xem xét và xử lý hành vi này. Ngoài ra, giá trị pháp lý của thư “ủy quyền của ủy quyền” mà công ty DRAV đưa ra cũng cần được thẩm định, tránh tình trạng công ty này lợi dụng thư này, tự mạo nhận bản quyền để trục lợi.
Nếu thư “ủy quyền của ủy quyền” này không được pháp luật Việt Nam công nhận, không có giá trị pháp lý hoặc nếu phạm vi ủy quyền không đúng với những gì mà DRAV đang tự công bố, thì việc công ty này thu lợi bất hợp pháp là một hành vi trục lợi và có dấu hiệu lừa đảo.
Kỳ sau: Lẩn tránh sự thật về bản quyền hay lừa đảo?
Nhóm PV