Mới đây thông tin 800 con lợn bị bệnh được đào lên để bán đang lan truyền trên mạng xã hội khiến cơ quan chức năng phải vào cuộc điều tra làm rõ.
Chia sẻ trên báo Người Lao Động, sáng 25/3, một lãnh đạo UBND huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông cho biết đã nắm thông tin đăng tải trên 1 tài khoản facebook về việc 800 con lợn bị dịch bệnh đã được chôn nhưng sau đó bị đào lên để bán thịt.
Thông tin đăng tải sai sự thật trên tài khoản facebook T.T.H. Ảnh: Người Lao Động |
Theo vị lãnh đạo này, hiện trên địa bàn huyện chưa có bất kỳ dịch bệnh nào trên đàn lợn. Việc chủ tài khoản facebook đăng thông tin sai sự thật kèm hình ảnh đàn lợn chết nằm la liệt, dễ gây hiểu nhầm và ảnh hưởng đến ngành chăn nuôi của địa phương.
"UBND huyện đã chỉ đạo cơ quan công an và các đơn vị liên quan vào cuộc làm rõ vấn đề này và xử lý nghiêm theo quy định" – vị lãnh đạo này cho biết thêm.
Trước đó, theo thông tin trên báo Giáo Dục Thời Đại, vào trưa 24/3, tài khoản Facebook N.T.H đã đăng tải thông tin lên mạng xã hội với nội dung: "Cảnh báo Gia Nghĩa (thị xã Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông - PV) mình khi mua thịt lợn nha. Người quen làm bên kiểm dịch mới bắt ổ dịch ở Đăkmin (Đắk Mil – PV) hơn 800 con chôn rồi mà bọn gian thương đào lên mổ xẻ để bán đấy".
Không chỉ đăng tải thông tin mà tài khoản này còn đăng hình ảnh lợn chết nằm la liệt trên nền gạch khiến nhiều người hoang mang, lo lắng.
Chỉ sau một thời gian đăng tải, nội dung đã thu hút được rất nhiều lượt chia sẻ và bình luận. Tuy nhiên, sau đó chủ tài khoản đã gỡ bỏ thông tin trên và đăng tải lại thông tin: "Đính chính lại nhé mọi người. Hiện tại ở Đắk Nông chưa có ổ dịch lợn nào".
Thông tin đăng tải sai sự thật trên tài khoản facebook T.T.H. Ảnh: Giáo dục Thời đại |
Bên cạnh đó, chủ tài khoản này cho rằng thấy thông tin một người bạn đăng tải trên zalo về ổ dịch nên đã chia sẻ lên Facebook mà không xác thực lại thông tin.
“Xin lỗi vì đã gây hoang mang cho mọi người. giờ thì không liên lạc được với bạn ấy nữa. Tài khoản zalo của bạn ấy đã khóa", tài khoản này viết.
Trước đó, cũng đã có 2 tài khoản facebook tung tin sai sự thật về dịch tả lợn châu Phi và thịt lợn nhiễm sán đã bị cơ quan chức năng xử phạt từ 10 đến 20 triệu đồng.
Thu Hằng (T/h)