Trên mạng xã hội đang lan truyền thông tin "gần 300 tù nhân tại Thanh Hóa chết đuối do lũ quét" khiến dư luận hoang mang.
Vào sáng ngày 17/10, một tài khoảng facebook có tên...Nguyen đã đăng tải thông tin gần 300 tù nhân tại Trại giam số 5, thuộc Tổng cục 8 (đóng tại thị trấn Thống Nhất, huyện Yên Định, Thanh Hóa) chết đuối do lũ quét. Một tài khoản có tên... Le cũng đăng tải thông tin với nội dung: Trại giam Công an Thanh Hóa có 700 tù nhân mắc kẹt trong lũ mà không được di tản....
Những thông tin trên ngay sau khi được đăng tải đã thu hút hàng nghìn lượt xem, bình luận, khiến dư luận xôn xao.
Thông tin thất thiệt "300 tù nhân bị chết đuối" lan truyền trên mạng xã hội. Ảnh: Dân Trí |
Được biết, Trạm giam số 5 là trạm giam thuộc Tổng cục VIII, Bộ Công an, đóng trên địa bàn thị trấn Thống Nhất, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa.
Trả lời PV báo Dân Trí, Thượng tá Lê Văn Cứu, Giám thị Trại giam số 5 khẳng định, thông tin trên là thất thiệt, bịa đặt.
"Liên quan sinh mạng một con người không ai giấu đi đâu được cả. 300 phạm nhân thì càng không bao giờ có. Còn có gia đình, thân nhân các phạm nhân nữa, nếu có thì làm sao mà giấu được? Và cũng không ai giám giấu cả, vì liên quan đến pháp luật", Thượng tá Cứu khẳng định.
Liên quan đến việc các tài khoản Facebook đăng tải thông tin nêu trên, vị Giám thị Trại giam số 5 cho hay đơn vị chỉ làm chức năng quản lý. Việc điều tra do Tổng cục 8 và các cơ quan khác.
Liên quan đến vụ việc, trả lời báo Tri Thức Trức Tuyến, Trung tá Trịnh Dũng Tiến, Đội trưởng Đội tham mưu Trạm giam số 5 bác bỏ thông tin trên và cho biết, đợt mưa lũ ngày 11/10, khiến mực nước sông Hép dâng cao ngập buồng giam. Tại 2 phân trại của trạm giam có 700 phạm nhân bị cô lập. Trước tình huống trên, cán bộ trại đã di chuyển các phạm nhân lên gác 2, hàng ngày, cán bộ làm nhiệm vụ cũng phải dùng cano để tiếp cơm, nước cho phạm nhân.
Trung tá Tiến cho biết thêm hiện mực nước tại khu vực trạm giam đã rút, lối vào các phân trại, buồng giam đã lưu thông trở lại.
Luật sư Kiều Anh Vũ, Giám đốc điều hành Công ty Luật KAV (Đoàn Luật sư TP HCM) cho biết, hành vi tung tin thất thiệt, sai sự thật trên mạng xã hội, gây hoang mang dư luận, xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức khác là hành vi vi phạm pháp luật. Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, sẽ bị xử lý vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Mức phạt hành chính cao nhất sẽ lên đến 30 triệu đồng.
Về trách nhiệm hình sự, nếu xác định được người thực hiện hành vi tung tin sai lệch, thất thiệt lên mạng xã hội và thông tin thất thiệt đó có tính chất vu khống thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vu khống với mức án có thể là phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 3 năm. Ngoài ra, tùy theo vụ việc cụ thể, người vi phạm cũng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet theo quy định tại Điều 226 Bộ luật hình sự.
Người phạm tội cũng có thể bị phạt tiền từ 20 triệu đến 200 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định. Tùy trường hợp vi phạm, người phạm tội có thể bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm.
Hoàng Yên (T/h)