+Aa-
    Zalo

    Sự thật sau tin đồn 15 HS ngộ độc vì uống nước tăng lực rúng động Tuyên Quang

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Mấy ngày qua, trên các trang mạng lan truyền thông tin và các bức ảnh liên quan đến vụ ngộ độc nước tăng lực đóng chai ở Tuyên Quang.

    (ĐSPL) - Mấy ngày qua, trên các trang mạng lan truyền thông tin và các bức ảnh liên quan đến vụ ngộ độc nước tăng lực đóng chai ở Tuyên Quang. Theo người chia sẻ, sau khi uống loại nước này, 2 học sinh đã tử vong và 13 học sinh khác đang được cấp cứu? Để làm rõ thông tin này, PV báo ĐS&PL đã vào cuộc xác minh, để có cái nhìn đúng, tránh ảnh hưởng đến thương hiệu.

    Người dân hoang mang

    Thông tin vụ ngộ độc gây rúng động tỉnh Tuyên Quang trên được lan truyền với tốc độ chóng mặt trên khắp các trang mạng xã hội. Hàng ngàn lượt chia sẻ và bình luận trước tin hai học sinh tử vong. Mặc dù chưa biết thực hư thông tin như thế nào nhưng không ít người đã tẩy chay nước tăng lực này và nói không với các loại nước uống đóng chai có ga trên thị trường hiện nay.

    Theo tìm hiểu của PV, thông tin giật gân trên xuất phát từ một trang tin có máy chủ đặt tại nước ngoài. Trang tin này viết: “15 nạn nhân là các em học sinh cấp 3 đã cùng nhau uống nước tăng lực trong giờ ra chơi. 30 phút sau, các em nôn ói khắp trường. Rồi hai em bất tỉnh tại chỗ, nhà trường đã gọi xe cứu thương. Sau 15 phút nữa, 13 em còn lại cũng có biểu hiện tương tự. Sau đó, tất cả học sinh được đưa vào bệnh viện... Ngay lập tức chính quyền địa phương, nhà trường đã vào cuộc, được biết 15 học sinh trên chỉ uống nước tăng lực do bà Nguyễn Như N. bán tại cổng trường”.

    Tuy nhiên, nhiều người bình luận cho rằng, đây chỉ là thông tin thất thiệt khi không có địa chỉ rõ ràng nơi xảy ra sự việc. Cũng như không nói rõ 15 học sinh trên học trường nào tại Tuyên Quang. Tuy nhiên, đến chiều 13/6, thông tin đã được gần chục ngàn lượt chia sẻ và bình luận. Không ít người tỏ ra hoang mang lo lắng.

    Hình ảnh tin đồn về vụ 15 học sinh ngộ độc lan truyền trên mạng xã hội.

    Điều đáng nói, thông tin gây sốc trên còn đính kèm hình ảnh là một đám tang của một người trẻ tuổi rất phù hợp với nội dung bài viết. Trong bài viết còn có hình ảnh nhiều người bị ngộ độc đang cấp cứu tại một bệnh viện. Điều này khiến không ít người tin vào nội dung và chia sẻ trên Facebook để cảnh báo bạn bè người thân không nên uống loại nước “độc” trên.

    Bạn có nickname Thúy Nguyễn bình luận dưới bài viết chia sẻ nỗi đau với người nhà các nạn nhân và chia sẻ bài viết trên Facebook công khai, khuyên mọi người cẩn trọng: “Thương tâm quá. Thật là khủng khiếp. Thiết nghĩ các cơ quan chức năng cần phải vào cuộc để điều tra làm rõ. Hết thực phẩm bẩn, giờ lại đến nước uống nhiễm chì, chứa chất độc gây chết người”.

    Còn bạn Thanh Thủy lại tỏ ra nghi ngờ thông tin trên là tin đồn thất thiệt. “Phân tích hình ảnh và nội dung trong bài viết, tôi cảm thấy rất nghi ngờ. Thông tin rất chung chung, chỉ nói ở tỉnh Tuyên Quang chứ không rõ là huyện nào, xã nào. Học sinh trường nào cũng không biết và ngay cả bà bán nước cũng phải giấu tên. Hơn nữa, hình ảnh bệnh nhân cấp cứu trong bệnh viện không phải là học sinh mà toàn người lớn. Hình ảnh đó cũng không giống như ở bệnh viện của Việt Nam. Có thể khẳng định tin đồn trên là thất thiệt nhằm câu view, gây hoang mang dư luận”, Thủy khẳng định.

    Đồng quan điểm với Thanh Thủy, bạn Hải Phong trú tại TP.Tuyên Quang (tỉnh Tuyên Quang) cũng “bóc mẽ”: “Tôi ở Tuyên Quang nhưng chưa nghe thấy thông tin về vụ ngộ độc nước ngọt nào cả. Nhìn vào hình ảnh cũng như nội dung thông tin rất đáng nghi, người đưa thông tin này chỉ nhằm mục đích câu view, câu like. Hành vi này cần phải lên án và bị trừng trị thích đáng”.

    PV báo ĐS&PL tiếp tục tìm hiểu về trang tin này. Theo đó, trang tin đưa thông tin trên hoàn toàn không có địa chỉ, số điện thoại liên lạc cũng như giấy phép hoạt động của cơ quan có thẩm quyền cấp. Hiện, người dùng internet cũng không thể truy cập vào website. Trang tin này bắt đầu hoạt động từ 8/5/2016, máy chủ được đặt tại San Francisco, California (Mỹ). Hơn nữa, hình ảnh trong bài viết trên được lấy lại từ một vụ ngộ độc rượu tại Ấn Độ.

    Thông tin bịa đặt

    Sáng 13/6, trao đổi với PV báo ĐS&PL, bà Đỗ Thị Ngọc Mai, Phó Giám đốc sở Y tế tỉnh Tuyên Quang cho biết: “Tôi đã nắm được thông tin đang lan truyền trên mạng. Bên cạnh đó, tôi cũng đã cho cán bộ đi kiểm tra thực hư vụ việc. Tuy nhiên, đến thời điểm này, chúng tôi chưa nhận được bất cứ báo cáo nào từ phía các bệnh viện trong tỉnh. Có thể nói, thông tin về vụ việc trên rất mơ hồ. Họ có nói đến bà N. bán nước ở cổng trường nhưng lại không nói rõ địa điểm cụ thể, học sinh trường nào. Và, hình ảnh mà người đăng tải thông tin cũng không nói rõ đang ở bệnh viện nào. Tại Tuyên Quang, các bệnh viện đều khá khang trang, không lụp xụp như vậy”.

    Cũng theo bà Mai, trước đây đã có một thông tin thất thiệt, 15 em nhỏ tại Tuyên Quang thiệt mạng do đuối nước. Nhưng sau đó, khi xác minh, thông tin trên chỉ là bịa đặt. Việc 15 học sinh ngộ độc vì uống nước tăng lực là không có thực, chỉ là thông tin thất thiệt. “Thời điểm xuất hiện thông tin trên, tôi đang đi công tác cùng rất nhiều giám đốc bệnh viện các huyện. Tôi đã nhanh chóng xác minh từ các giám đốc bệnh viện, họ khẳng định là không có. Hơn nữa, một sự việc lớn như vậy, nếu xảy ra thì dư luận tỉnh Tuyên Quang chắc chắn sẽ rất xôn xao. Tôi tìm hiểu các cán bộ công tác tại Sở nhưng không ai biết cả”, bà Mai nói.

    Vị lãnh đạo sở Y tế này cũng cho biết, nếu có 15 người ngộ độc thì các bệnh viện tuyến huyện phải báo ngay với sở Y tế. 15 người cùng một lúc ngộ độc chắc chắn sẽ phải huy động nhiều người, hệ thống chữa bệnh, đội cấp cứu phòng dịch. Tuy nhiên, bà Mai cho rằng, bà chưa nhận được bất cứ thông tin nào từ các cơ quan chức năng mà chỉ thấy sự việc này được nhiều người dùng facebook chia sẻ.

    Trong khi đó, trao đổi với PV, nhiều người chia sẻ nội dung bài viết trên cho biết, họ hoàn toàn không biết nội dung trên có đúng hay không. Nhận thấy nội dung thông tin gây chấn động và hữu ích với bạn bè và người thân nên chia sẻ để mọi người cảnh giác. Không ít người đã gỡ nội dung bài viết trên sau khi quá nhiều bình luận cho rằng thông tin trên hoàn toàn là bịa đặt.

    Tung tin đồn thất thiệt có thể bị phạt đến 7 năm tù

    Trao đổi với PV báo ĐS&PL, luật sư Phạm Văn Phất – Văn phòng luật sư An Phát Tạ khẳng định, người tung tin đồn thất thiệt trên mạng xã hội, gây tâm lý hoang mang, lo lắng trong cộng đồng, có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự: “Người nào tung tin đồn thất thiệt và tin đồn đó có tính chất vu khống sẽ bị phạt tù từ 3 tháng đến 7 năm. Thực tế, không ít người dùng mạng xã hội hiện nay không ý thức được hành vi của mình sẽ làm ảnh hưởng đến danh dự, nhân phẩm, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức khác. Quan trọng hơn, hành vi đó có đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm. Vì vậy để ngăn chặn, phòng ngừa, ngoài việc xử phạt nghiêm minh các đối tượng cố tình tung tin đồn thất thiệt để tăng tính răn đe, các ngành, các cấp cần đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân ý thức tuân thủ pháp luật, chấp hành các quy định và nâng cao cảnh giác trong việc sử dụng internet và mạng xã hội”.

    VŨ PHƯƠNG – MAI HẰNG

    [mecloud]JqFeMEQ7jV[/mecloud]

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/su-that-sau-tin-don-15-hs-ngo-doc-vi-uong-nuoc-tang-luc-rung-dong-tuyen-quang-a135436.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.