Một người mẹ từ chối điều trị ung thư máu cho con tại bệnh viện và tìm đến phương pháp thực dưỡng để rồi đứa con đã mãi ra đi, bỏ lại người mẹ với những giọt nước mắt ân hận kéo dài đến suốt cuộc đời. Câu chuyện đau đớn ấy đã ám ảnh PV như một lát cắt đen tối trong bức tranh về căn bệnh ung thư vốn đã đượm buồn.
Day dứt khôn nguôi
Bác sĩ Lê Duy Minh (từng công tác tại bệnh viện Nguyễn Trãi – TPHCM) và BS.TS chuyên khoa ung thư Phạm Nguyên Quý (bệnh viện đại học Tokyo, Nhật Bản) đã chia sẻ với PV tạp chí Đời sống & Pháp Luật về câu chuyện của một người mẹ nghe theo những lời khuyên vô căn cứ, từ chối điều trị ung thư máu cho con bằng phương pháp khoa học. Thay vào đó, người mẹ này lựa chọn phương pháp “thuận tự nhiên”.
“Đó là một bé gái hơn 30 tháng tuổi ở Thái Nguyên. Sau khi phía bệnh viện chẩn đoán là “theo dõi Leukemia cấp” - ung thư máu dạng cấp, bé có các dấu hiệu xuất huyết dưới da nên được đề nghị cho chuyển lên viện Huyết học và Truyền máu Trung ương để điều trị tiếp. Thế nhưng, từ chối cơ hội cứu sống con bằng khoa học, người mẹ ấy đã tìm đến phương pháp chữa ung thư bằng thực dưỡng”, bác sĩ Minh chia sẻ.
Trên fanpage Thực dưỡng Minh T. khoe về thành tích điều trị ung thư cho trẻ nhỏ. |
Theo lời vị bác sĩ, quá trình điều trị ưng thư cho bé gái này theo phương pháp thực dưỡng đã được chụp lại đầy đủ và chia sẻ công khai trên fanpage của một người chuyên bán hàng thực dưỡng tự xưng ở Đắk Nông. Người bán hàng ở Đắk Nông viết trên facebook rằng, ung thư máu ở trẻ em là thách thức với Tây y, còn với thực dưỡng lại không có gì khó khăn cả. Nhiều lần khẳng định, nếu tuân theo thực dưỡng ngay ở giai đoạn đầu, khi chưa bị Tây y can thiệpthì cơ hội cứu sống cháu bé gần như chắc chắn.
“Bệnh nhi ung thư là thách thức đối với Tây y, nhưng không phải là khó khăn với thực dưỡng, nhất là bệnh nhi vẫn còn đang bú mẹ. Thậm chí, ung thư máu còn là dạng ung thư dễ chữa nhất theo thực dưỡng so với các thể loại ung thư khác. Bởi nếu ung thư ở những vị trí khác cần phải có máu huyết đủ khỏe mới đẩy hết độc tố đi được thì ung thư máu chỉ cần máu huyết sạch khỏe là xong”, facebook bán hàng này khẳng định chắc nịch.
Theo lời chia sẻ của hai vị bác sĩ, cách điều trị của người này thật là phản khoa học. Người nhà buộc phải cho bé nhai gạo sống, ăn cơm gạo lứt với tương tekka, nhai trà thất vị (một loại trà gồm nhiều loại gạo và đậu rang lên, nấu nước tự pha chế từ các nguyên liệu thực dưỡng), ăn tương sắn dây. Còn người mẹ buộc phải ăn theo cách “số 7” (chế độ ăn chỉ bao gồm cơm lứt muối vừng).
Từ chối điều trị và cái kết đau lòng
Đứng trước đường cùng của căn bệnh nan y, không còn cách bấu víu vào đâu, nhiều người, nhiều bậc phụ huynh đã tìm đến các phương pháp điều trị xa rời khoa học. Người mẹ ở Thái Nguyên được kể trên là một trong những trường hợp đau lòng về việc từ chối điều trị cho con mà sử dụng theo phương pháp được gọi là “thuận tự nhiên”.
Theo lời của bác sĩ Minh, sau khi theo dõi toàn bộ quá trình mà người bán hàng trên facebook chia sẻ về những tiến triển của bé gái 30 tháng tuổi, thậm chí còn mô tả cảnh thấy bé thay đổi tốt hơn nhờ “bài thuốc” mình bày cho thì đến ngày 28/6 vừa qua bé đã qua đời.
“Tôi biết được thông tin bé qua đời qua facebook của mẹ bé, một hình ảnh đại diện đen kịt hiện ngay trước mắt tôi, nó khiến tôi thực sự đau lòng”, bác sĩ Minh cho hay.
Câu chuyện đã để lại trong lòng PV nỗi ám ảnh khôn nguôi. PV rất băn khoăn, trăn trở rằng lý do gì lại khiến cho nhiều bậc cha mẹ lại có thể tin tưởng, phó mặc con đang bệnh thập tử nhất sinh cho những phương pháp điều trị ung thư chưa được khoa học kiểm chứng như vậy.
Tìm hiểu thêm trên mạng xã hội, PV nhận thấy có rất nhiều fanpage bán hàng thực dưỡng. Nhưng, đập vào mắt PV là fanpage “Thực dưỡng Minh T.” có nói đến phương pháp chữa bệnh bằng thực dưỡng, đặc biệt là chữa ung thư khỏi 100% nếu làm theo hướng dẫn.
Trên fanpage này viết: “Thực dưỡng là một trong các phương pháp ăn uống cân bằng âm dương theo trật tự thể vũ trụ. Các bạn muốn không cần lo sợ bệnh tật, thì cần phải chú ý phòng bệnh và một trong những cách phòng bệnh là học ăn. Khi đã có thức ăn là thuốc, thì việc phòng bệnh hơn chữa bệnh mới thành hiện thực”.
Tự xưng mình là “cốc chủ”, Thực dưỡng Minh T. viết: “Cốc chủ ghét thành tích, quan trọng là bệnh nhân khỏi bệnh và khỏe mạnh. Thế nên, để cốc chủ nói cho các mẹ có con bị ung thư máu hay bất kỳ một loại ung thư gì nghe “nếu các mẹ muốn ân hận và luôn ước gì có thể chịu đau đớn thay con thì các mẹ theo Tây y. Còn nếu các mẹ muốn con các mẹ khỏe mạnh và bản thân các mẹ cũng khỏe mạnh thì các mẹ theo thực dưỡng”. Nếu các mẹ muốn mất con và tán gia bại sản lại còn nợ nần chồng chất thì các mẹ theo Tây y. Nếu các mẹ muốn con các mẹ khỏe mạnh, không muốn bệnh tật dày vò, chết trong đau đớn và kinh tế gia đình không ảnh hưởng gì thì các mẹ theo thực dưỡng…”.
Chỉ đọc đến đây thôi, PV đã cảm thấy lạnh sống lưng, chữa bệnh bằng việc coi thức ăn là thuốc, nhất là chữa ung thư bằng thực dưỡng lại được người bán hàng quảng cáo công dụng thần thánh đến thế.
Trong khi đó, hiện các nhà khoa học trên thế giới vẫn đang hàng ngày tìm kiếm những phác đồ điều trị phù hợp cho các bệnh nhân ung thư, với những người bệnh ung thư di căn giai đoạn muộn thì hiện y học bó tay. Thế nhưng, với những quảng cáo trên trời của người bán đồ thực dưỡng, bao nhiêu người đã tin theo để rồi ôm hận? Ám ảnh về cái avatar “đen kịt” của người mẹ và sự ra đi đầy oan uổng của một thiên thần nhỏ, PV đã tiếp tục tìm hiểu về phương pháp thực dưỡng chữa ung thư và tiếp cận được những sự thật kinh hoàng.
Thực dưỡng là một chế độ ăn nghiêm ngặt, chủ yếu là ngũ cốc, gạo lứt, các loại đậu… Chế độ ăn uống này cố gắng cân bằng các yếu tố âm dương của thực phẩm và của dụng cụ nấu nướng. Nguyên tắc chính của chế độ ăn uống thực dưỡng là giảm các thực phẩm từ động vật, ăn thực phẩm được trồng tại địa phương đang trong mùa và tiêu thụ bữa ăn trong chừng mực. Phương pháp thực dưỡng được cho là tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên, những năm gần đây, một số người đã dùng thực dưỡng để chữa các bệnh nan y trong đó có ung thư. Điều này chưa được khoa học kiểm chứng. |
(Còn nữa)
Thanh Lam
Bài đăng trên ấn phẩm tạp chí in Đời sống & Pháp luật số Thứ 2 (111)