(ĐSPL) - Chỉ vì nhẹ dạ, cả tin vào viễn cảnh cuộc sống xa hoa, sung sướng mà kẻ xấu vẽ ra, 79 người dân xã Ia Le bán hết gia sản, vay mượn tiền bạc, dắt díu nhau vượt biên sang Thái Lan. Nhưng, ngay khi đặt chân đến “miền đất hứa” tất cả đều vỡ mộng, phải sống lang thang, đói khát nơi xứ người. Mới đây, sự trở về hi hữu của những nạn nhân, là lời thức tỉnh, cảnh báo cho những ai ôm mộng đổi đời nơi xứ người.
Ảo tưởng nơi “thiên đường”
Trong những năm qua, một số người dân xã Ia Le (huyện Chư Pứh, tỉnh Gia Lai) nghe theo lời dụ dỗ của kẻ xấu, bán hết nhà cửa, ruộng vườn, vay mượn tiền bạc dắt díu nhau tìm đến “miền đất hứa”.
Thay vì được tận hưởng cuộc sống nhà cao cửa rộng, việc nhẹ lương cao, hầu hết đều vỡ mộng, cùng chung cảnh ngộ “tiền mất, tật mang”, bất đồng ngôn ngữ, đói rách, bơ vơ xứ người. Mới đây, ngày 18/8, 23/79 nạn nhân may mắn được lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh Gia Lai kết hợp với lực lượng chức năng nước bạn giải cứu thành công.
Sáng 28/8, PV tìm về làng Kênh Săn, xã Ia Le ghi nhận thông tin. Trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn Dạng, Chủ tịch UBND xã Ia Le cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, toàn địa bàn xã có tổng cộng 79 trường hợp vượt biên (trong đó làng Kênh Săn chiếm tỉ lệ nhiều nhất).
Theo sự chỉ dẫn của đồng chí công an xã, PV có dịp được trò chuyện trực tiếp với chị Siu Yong (SN 1981, ngụ làng Kênh Săn, xã Ia Le) tại nhà riêng. Căn nhà nhỏ của gia đình chị Yong nằm ven đường quốc lộ, bao quanh nhà là một vườn tiêu xanh ngắt.
Chị Siu Young chia sẻ với PV. |
Chị Yong trong trang phục Jrai truyền thống cặm cụi chăm bón vườn tiêu. Thấy người lạ bước vào, người phụ nữ rụt rè, ngước nhìn đưa ánh mắt dò xét. Khi thấy sự xuất hiện của đồng chí công an xã, chị yên tâm nở nụ cười, mời PV vào nhà.
Nhắc đến chuyện gia đình vượt biên trái phép, chị Yong e thẹn, vẻ ngượng nghịu, chị kể, khoảng cuối tháng 9/2014, trong lúc vợ chồng chị đang ăn cơm tối có một số điện thoại lạ gọi vào máy của anh Siu Gen (SN 1971, chồng chị Yong). Nghe giọng rất lạ, thế nhưng người này biết khá rõ tên, tuổi hoàn cảnh về gia đình chị.
Qua điện thoại người này nói: “Ở nhà làm rẫy khi nào mới giàu được. Theo tao, qua bên Thái Lan được sống sung sướng, công việc nhẹ nhàng, kiếm được nhiều tiền. Vợ chồng mày suy nghĩ kỹ, nếu muốn, cứ bắt xe qua đây tao cho người đón”.
Ban đầu vợ chồng chị cũng băn khoăn, thế nhưng cứ nghĩ về viễn cảnh tương lai sung sướng lại thấy hồi hộp. Sau nhiều ngày bàn bạc, anh chị quyết định bán một thửa đất lấy 90 triệu đồng làm lộ phí. Vào ngày 2/10/2014, vợ chồng chị khăn gói đồ đạc, dắt theo bốn đứa con nhỏ từ Gia Lai đón xe đi TP.HCM. Có mặt tại bến xe Miền Đông (TP.HCM), gia đình chị được hướng dẫn vượt biên sang Thái Lan.
Vỡ mộng “miền đất hứa”
Sau hành trình dài ba ngày, cuối cùng gia đình chị cũng đặt chân đến “miền đất hứa”. “Tại đây, chúng tôi được một người lạ dẫn vào khu nhà lụp xụp thuê trọ. Sau đó người này yêu cầu phải đưa tiền để lo lót thủ tục, cũng như nộp phí xin việc. Tin tưởng, tôi đưa hết số tiền mình có. Sau khi cầm tiền, người đàn ông này cũng mất hút”, chị Yong kể.
Không một xu dính túi, lại bất đồng ngôn ngữ, 6 người trong gia đình chị thu mình trong nhà trọ chật hẹp. “Để cứu vãn tình hình, vợ chồng mình lân la khắp nơi xin việc làm. May mắn, mình xin được một công việc quét dọn cho gia đình người Thái Lan. Chồng mình xin được một chân phụ hồ tại công trình”, chị nhớ lại.
Ban đầu với đồng lương ít ỏi, nhưng đủ để gia đình chị sống tạm bợ qua ngày. Thế nhưng, một thời gian sau người chủ quỵt nợ, đuổi đi, vợ chồng chị thất nghiệp. Trong cơn đói khát, đàn con nheo nhóc, vợ chồng chị nhiều lần tìm đến chủ cũ đòi tiền công thì bị hắt hủi, đánh đập.
“Cứ nghĩ rằng 6 người trong gia đình sẽ chết dần chết mòn vì đói khát nơi xứ người. Thế nhưng may thay, trong cơn hoang mang tuyệt vọng, gia đình mình được bộ đội biên phòng cứu giúp kịp thời”, chị Yong nói.
Tương tự là trường hợp của anh Siu Tuin (SN 1981, ngụ làng Kênh Săn) cũng bị kẻ xấu lừa gạt lưu lạc trên đất Thái. Ngôi nhà nhỏ xập xệ của vợ chồng anh Tuin nằm cuối cùng làng. Tài sản quý giá nhất của anh chị là chiếc giường gỗ chắp vá nhiều thứ gỗ tạp, đặt chính giữa nhà.
Anh Siu Tuin trò chuyện với PV. |
Trò chuyện với PV, anh Tuin chia sẻ: “Gia đình mình không có đất cày cấy, quanh năm vợ chồng đi làm thuê kiếm sống qua ngày. Cuộc sống khổ, bởi vậy mình luôn mơ ước kiếm được thật nhiều tiền xây nhà, mua rẫy. Chính vì vậy, khi nghe nói ở nước ngoài công việc nhẹ nhàng kiếm được nhiều tiền. Họ nói nếu mình ra nước ngoài chăm chỉ làm ăn khoảng một năm sau, có thể về quê mua đất xây nhà, nghe vậy mình rất muốn đi”.
Anh Tuin tiếp lời: “Sau đó vợ chồng đi vay được 22 triệu đồng, chuẩn bị hành trình làm ăn xa. Biết tin mình có người đưa đi nước ngoài làm ăn, ba thanh niên khác trong làng xin đi cùng. Ngày 4/12/2014, theo hướng dẫn, bốn chúng tôi đón xe đi TP.HCM. Tại đây, mình được hướng dẫn tiếp tục đón xe vượt biên qua Thái Lan. Đến nơi, có xe ôm được bố trí sẵn chở 4 người chúng mình đi sâu vào nội địa Thái Lan. Sau khi được người lạ mặt bố trí chỗ ăn ở, người này yêu cầu chúng mình đóng 20 triệu đồng/người, sáng mai đến dẫn đi làm việc. Đưa tiền xong, chúng mình chờ mãi vẫn không thấy tăm hơi người đàn ông kia đâu. Suốt bốn tháng trời không có việc làm, số tiền ít ỏi còn lại cũng cạn kiệt”.
Hết tiền, chủ trọ đuổi, bốn anh em sống lang thang vật vờ vỉa hè, trạm xe buýt. Cũng bởi đói khát mỗi người một nơi, bốn anh em thất lạc nhau từ đó. “May mắn mình xin được công việc phụ hồ, tối ngủ lại tại công trình. Suốt một năm tám tháng sống chui lủi, lúc nào cũng nơm nớp lo sợ bị bắt. Một lần vào đêm khuya, mình đang ngủ thì bị cảnh sát địa phương ập vào kiểm tra, bắt giữ tội nhập cư trái phép. Sau đó mình được họ dẫn giải đến cửa khẩu Lệ Thanh trao trả về nước. Ngồi trên ô tô, ai nấy nước mắt lưng tròng hồi hộp chờ đợi giây phút được trở về”, anh Tuin kể lại.
Khi PV hỏi có muốn đi nước ngoài nữa không, cả anh Tuin và chị Yong đều lắc đầu cười. “Giờ có chết mình cũng không đi nữa. Ở nhà dù cuộc sống khó khăn, nhưng vẫn có cơm ăn ngày ba bữa. Sang bên đó sống lang lang, bỏ công sức đi làm thuê họ không trả tiền. Giờ mình biết rồi, mình khuyên người làng không ai đi nữa”, anh Tuin nói.
Tuyên truyền vận động bà con xây dựng kinh tế Trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn Dạng, Chủ tịch UBND xã Ia Le cho biết thêm, trong số 79 người dân xã Ia Le vượt biên ra nước ngoài, hiện tại có 36 trường hợp đã trở về địa phương an toàn. Những người này sau khi về nước, đã ra trình diện tại địa phương và cam kết không tái phạm. Phía chính quyền xã cũng tạo mọi điều kiện tốt nhất, để họ nhanh chóng hòa nhập với cộng đồng. Đồng thời, xã cũng tích cực tuyên truyền, vận động bà con an tâm, làm ăn, ổn định cuộc sống, không để kẻ xấu lôi kéo, xúi giục. |
HỒ NAM
Xem thêm video:
[mecloud]EYBvxFz9Ro[/mecloud]