+Aa-
    Zalo

    Sự thật chuyện cháu bé nằm trong "đường dây chăn dắt ăn xin"

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - "Cháu của tôi phải chịu đau đớn vì căn bệnh quái ác này hành hạ từ khi còn bé đến giờ. Chứ không phải đổ nước sôi lên người để tạo lòng thương cảm..."

    (ĐSPL) - Nhiều tháng nay người dân ở TP. Long Xuyên, An Giang thường xuyên thấy một bé gái khoảng 8 – 9 tuổi trong tình trạng da đỏ ửng, bong tróc như bị bỏng đi lang thang khắp mọi tuyến phố xin tiền sống qua ngày.

    Có thông tin dư luận cho rằng cháu bé nằm trong đường dây chăn dắt ăn xin quy mô lớn ở trên địa bàn, cố tình dội nước sôi lên người khiến người khác phải thương hại mà cho tiền. Tuy nhiên, khi PV báo Đời sống và Pháp luật vào cuộc tình kiếm thì sự thật hoàn toàn ngược lại, cháu bé này vốn bị bệnh quái ác hiện chưa có thuốc chữa trị. Không những thế, hoàn cảnh của cháu quá khó khăn nên sớm phải “ra đường” để nuôi sống gia đình.

    Hình ảnh Mèo đi bán vé số ở khu vực phà Vàm Cống, TP. Long Xuyên, An Giang.

    “Thương thay cũng một kiếp người”

    Khoảng 2 năm về trước, cơ quan chức năng TP. Long Xuyên đã triệt phá đường dây chăn dắt ăn xin “khủng” khi hàng chục người già và trẻ em đã bị một nhóm đối tượng ép làm “cái bang” bằng nhiều chiêu trò khác nhau. Chính điều này đã khiến cho người dân nơi đây cảnh giác với những người lang thang, cơ nhỡ muốn xin tiền để sống qua ngày. Cho nên, khi người dân nhìn thấy một bé gái lang thang đi bán vé số, xin tiền ở khu vực phà Vàm Cống, TP. Long Xuyên đã tỏ ra nghi ngờ: “Liệu rằng bé gái ấy có phải là công cụ kiếm tiền của những kẻ bất lương? Liệu rằng tình thương của mình có đặt đúng chỗ?”.

    Chị Nguyễn Thị Hoài (33 tuổi) – người dân sống ở TP. Long Xuyên chia sẻ: “Từ nhiều tháng nay, bé gái ấy đã xuất hiện trên địa bàn cùng với một bà lão. Thân hình cháu bé lở loét, bong tróc rất ghê, cứ như bị ai đó đổ nước sôi lên người. Nhiều người nhìn thấy thế thương cảm, tuy không mua vé số vẫn cho tiền. Tuy nhiên, có những người dè dặt hơn thì lại tỏ ra nghi ngờ, cho rằng đó chỉ là chiêu trò của những đối tượng chăn dắt người ăn xin”.

    Từ lời kể của chị Hoài, PV đã vào cuộc điều tra sự thật. Sau nhiều ngày lang thang trên khắp các tuyến phố của TP. Long Xuyên thì được biết khu vực mà bé gái hay lui tới là phà Vàm Cống, nơi mỗi ngày có hàng nghìn người qua lại. Theo những người sống lâu năm ở phà kể, cô bé có thân hình lở loét đó được mọi người gọi là Mèo bởi cơ thể bé gái rất nhem nhuốc do vết lở loét trên người gây ra. Mặc dù vậy, không ai biết được nguyên nhân khiến cho da của Mèo bong tróc, ửng đỏ là vì sao.

    Gặp Mèo trong bộ dạng rách rưới, thân hình lở loét khiến cho toàn thân cô bé bốc lên mùi hôi ngai ngái khó chịu. Nhưng điều đó lại khiến cho nhiều người cảm thấy thương cảm cô bé. Tiếp tục tìm hiểu thì được biết, hàng ngày Mèo và bà ngoại đi bán vé số để kiếm tiền sinh nhai chứ không phải thuộc đường dây chăn dắt ăn xin như nhiều người vẫn đồn đại. Hoàn cảnh của Mèo hết sức đáng thương, hai bà cháu Mèo đã đi bán vé số được gần 1 năm nay.

    Người bà này cũng cho biết thêm, từ khi còn chưa lọt lòng bé Mèo đã bị người cha bỏ rơi. Mặc dù đã được gia đình cố gắng đưa đi điều trị ở bệnh viện nhưng bệnh tình của bé Mèo vẫn không hết. Từ đó đến nay, bà phải mua thuốc uống theo toa của bác sĩ cho bé Mèo uống hàng ngày, nhằm giúp em giảm cơn đau từ các vết lở loét. Mẹ của Mèo là chị Trần Thị Hiếu (29 tuổi) sau khi sinh con bị chồng bỏ rơi nên chịu áp lực quá lớn mà phát bệnh tâm thần, đến nay chưa có biểu hiện thuyên giảm. Chính vì thế, tuy mới 11 tuổi nhưng Mèo đã trở thành lao động chính trong gia đình, hàng ngày cùng bà “ra đường” kiếm cơm mưu sinh qua ngày.Người bà của Mèo cho biết, tên thật của cô bé là Trần Huyền Nghi (11 tuổi), từ nhỏ bé đã mắc căn bệnh bẩm sinh ly thượng bì bóng nước. “Cháu của tôi phải chịu đau đớn vì căn bệnh quái ác này hành hạ từ khi còn bé đến giờ. Chứ không phải đổ nước sôi lên người để tạo lòng thương cảm của mọi người đâu, nói như vậy tội cho gia đình tôi lắm. Cơ thể cháu liên tục bị chảy máu, giữa trưa nắng, tôi phải dừng lại để lau vết thương cho cháu. Lúc trước nhiều người sợ nên đã xa lánh nó, tội nghiệp nó lắm”, bà của Mèo nói.

    Căn bệnh hiếm gặp, khó có khả năng chữa trị

    Được biết, hiện tại Mèo đang sống cùng bà và mẹ ở ấp Quy Lân 3, xã Quạnh Quới, huyện Vĩnh Thạnh, TP. Cần Thơ. Chính quyền địa phương cũng xác nhận, hoàn cảnh của bé gái Trần Huyền Nghi vô cùng khó khăn khi hàng ngày bé phải cùng với bà ngoại là Nguyễn Thị Bé Năm đi bộ hàng chục cây số xung quanh địa bàn để bán vé số nuôi cả gia đình.

    Nói về căn bệnh của bé Mèo, GS.TS Nguyễn Tiến Dũng – Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, bệnh ly thượng bì bóng nước bẩm sinh là chứng bệnh khiếm khuyết về gen. Thoạt nhìn, người mắc bệnh này như bị bỏng nước sôi, nhiều người có thể bị nhầm lẫn. Tuy nhiên thực tế kinh khủng hơn vạn lần, các chuyên gia y khoa mô tả đây là căn bệnh đau đớn nhất của loài người!

    Đây là bệnh di truyền (di truyền lặn hoặc di truyền trội) hiếm gặp trên thế giới cũng như Việt Nam và có khả năng chữa trị không cao. Hiện ở Việt Nam chỉ ghi nhận có 70 người mắc chứng bệnh này, trong đó có nhiều người đã tử vong. “Khi mắc phải bệnh này, da các bé rất mỏng manh, trẻ có thể tự làm mình bị thương, thậm chí da cũng bị bong tróc, lở loét khi đóng bỉm hoặc bế, bò hay đi. Một số bé bị nặng, tổn thương cả đường tiêu hóa, việc ăn uống cũng trở nên khó khăn, dẫn đến dinh dưỡng kém. Chính vì lý do này, việc chăm sóc trẻ bị bệnh vô cùng vất vả. Các bác sĩ phải dùng một loại gạc chống dính chuyên dụng để băng bó vết thương” – ông Dũng nói.

    Bác sĩ Lê Quang Lộc (thuộc Khoa Da liễu của Bệnh viện đa khoa Xanh-Pôn, Hà Nội) cho biết thêm, bản thân bệnh nhi bị ly thượng bì bóng nước khi chào đời đã chứa trong mình một liên kết đặc biệt khiến lớp da trên cùng và các lớp da tiếp theo không dính nhau. Căn bệnh này hiện khả năng chữa trị không cao, những cách điều trị như ghép tủy xương hay điều trị gen mới chỉ đang trong quá trình nghiên cứu. Vì thế, trước mắt quan trọng là dùng những phương pháp chăm sóc đặc biệt để giảm thiểu đau đớn và biến chứng gây tàn phế ở trẻ. Phương pháp điều trị chủ yếu hiện nay là hỗ trợ băng bó đúng cách, cung cấp đủ chất dinh dưỡng, tránh nhiễm trùng, tránh di chứng sẹo… Người mắc các chứng bệnh thượng bì bóng nước không chết vì bệnh này, tuy nhiên, có thể chết vì nhiễm trùng, vì thiếu máu, vì các cơ quan bị suy yếu do không được cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng.

    Theo người thân của Nghi cho biết, ngày mới sinh ra thấy Nghi có biểu hiện lạ làm nhiều người sợ hãi mà xa lánh. Gia đình có đưa cháu đi khám ở Bệnh viện Nhi đồng 1 – TP. HCM nhưng các bác sĩ cũng đành “lắc đầu”. Vì kinh phí chữa quá cao nên chỉ sau 17 ngày nằm ở bệnh viện, gia đình buộc phải xin đưa Mèo về nhà tự điều trị. Từ đó đến nay, gia đình chỉ mua thuốc uống và thoa để giảm đau từ các vết lở loét.

    Chính quyền địa phương nhiều lần tới hỗ trợ hiện vật, động viên gia đình nhưng căn bệnh hiếm gặp của Nghi khiến cho kinh tế gia đình suy sụp. Hàng ngày, gia đình Nghi lo ăn còn chưa đủ nên việc chữa bệnh hoàn toàn nằm ngoài khả năng.

    DUY TÂM

    Xem thêm video: Bóc mẽ chiêu giả vờ tàn tật để ăn xin trên phố

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/su-that-chuyen-chau-be-nam-trong-duong-day-chan-dat-an-xin-a99197.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.