+Aa-
    Zalo

    Sự thật ảnh "tự sướng" tại Nepal của nữ cán bộ Chữ thập đỏ

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Bà N.L.H. cho biết, bản thân đủ nhận thức chính trị để biết phải làm gì và làm như thế nào trong hoàn cảnh đó.

    (ĐSPL) - Bà N.L.H. cho biết, bản thân đủ nhận thức chính trị để biết phải làm gì và làm như thế nào trong hoàn cảnh đó.

    Người trong cuộc nói gì?

    Một bức ảnh được cho là của bà N.L.H. (nữ cán bộ hội Chữ thập đỏ của một tỉnh nọ), một trong 10 thành viên của đoàn Chữ thập đỏ Việt Nam đi tìm hiểu động đất ở Nepal đang “gây bão” trên các diễn đàn xã hội: Bức ảnh bà H. chỉ tay lên một ngôi nhà vừa bị sụp đổ, miệng cười. Phần đa cho rằng, bà H. chụp ảnh “tự sướng” sau khi động đất xảy ra ở Nepal.

    Bức ảnh khiến bà N.L.H. bị “ném đá” trên mạng.

    Trước đó, đoàn Chữ thập đỏ Việt Nam gồm 10 người sang học tập kinh nghiệm chống động đất theo lời mời của hội Chữ thập đỏ Nauy và Nepal cũng đã bị cho là hèn nhát khi trở về giữa lúc động đất vừa xảy ra, khiến hàng ngàn người dân Nepal thiệt mạng. Thế nên, khi bức ảnh “tự sướng” của bà H. được tung lên các diễn đàn, dư luận càng kịch liệt phản đối. Rất nhiều ý kiến chỉ trích khi cho rằng, bà H. không có tình người, cười trên nỗi đau người khác.

    Để rộng đường dư luận, PV báo Đời sống và Pháp luật đã tìm gặp những người có liên quan để hiểu hơn về xuất xứ bức ảnh cũng như lý do vì sao, nó lại được tung lên mạng. PV đã có mặt ở địa phương để tiếp xúc với bà H. nhưng thời điểm này, có người nhà đang ốm nặng, phải điều trị tại bệnh viện nên bà H. từ chối thanh minh về vụ việc. Bà H. chỉ nói ngắn gọn rằng, bà đủ nhận thức chính trị để biết bản thân phải làm gì và làm như thế nào trong hoàn cảnh ấy.

    Ông Nguyễn Xuân Duy.

    Chỉ là thu thập tư liệu

    Theo ông Nguyễn Xuân Duy, điều phối viên chương trình chữ thập đỏ Nauy tại Việt Nam, buổi sáng sau ngày xảy ra động đất, đoàn Chữ thập đỏ Việt Nam gồm 10 người đã chia làm hai nhóm đi khảo sát một số khu vực lân cận, chụp ảnh làm tư liệu. Tại một ngôi nhà sụp đổ do động đất, ông Kiên, một thành viên của đoàn đã bảo bà H. tới đứng trước và chỉ tay lên ngôi nhà. Lần thứ nhất chụp ảnh bị mờ, lại có người đi qua phía sau nên ông Kiên bảo chụp lại kiểu thứ hai. Khi chuẩn bị chụp thì ông Kiên có nói đùa gì đó khiến bà H. mỉm cười. Sau đó thì ông Kiên chụp luôn. Lúc tập hợp ảnh lại, ông Duy đã xóa bỏ hình ảnh bị mờ ban đầu và giữ lại ảnh chụp thứ hai này. Tuy nhiên, lúc ấy, ông cũng không để ý khuôn mặt bà H. trông như thế nào. Vì bà chỉ đứng ở một góc nhỏ, hình ảnh chủ yếu là đống đổ nát.

    Theo ông Duy, vì các lý do khách quan, tối 26/4, cả đoàn phải ra sân bay để về Việt Nam. Khi đoàn về tới sân bay trong nước, một phóng viên tới phỏng vấn và xin ảnh để làm tư liệu. Vì muốn phóng viên có ảnh làm tư liệu thông tin ngay nên ông Duy đã vội vàng copy một số ảnh ghi lại cảnh đổ nát. Trong số ảnh này, có bức ảnh bà H..

    Ông Duy khẳng định, bà H. không chụp ảnh “tự sướng”, không cười trên nỗi đau của người khác như cộng đồng mạng bình luận thời gian qua. 

    Vì vướng bận công việc gia đình, bà N.L.H. đã làm đơn gửi Văn phòng Luật sư Trọng Hải và cộng sự nhờ can thiệp. Trong đơn, bà H. viết: “Tôi viết đơn này kính đề nghị Văn phòng Luật sư Trọng Hải và cộng sự cử luật sư để đại diện làm việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, bí mật hình ảnh, bí mật đời tư, bí mật công vụ trong chuyến đi công tác tại đất nước Nepal từ ngày 19 đến 28/4 năm 2015. Bằng đơn yêu cầu này, tôi uỷ quyền cho luật sư thay mặt, gặp làm việc để giải quyết những vấn đề liên quan”.

    Đơn bà N.L.H. gửi Văn phòng luật sư.

    Vi phạm quyền riêng tư của bà H.?

    Trao đổi với PV báo Đời sống và Pháp luật, luật sư Trọng Hải, Trưởng văn phòng Luật sư Trọng Hải và cộng sự cho biết, việc ai đó cung cấp bức ảnh cho báo chí hoặc tự mình đưa lên các diễn đàn xã hội khi chưa được phép của người có mặt trong ảnh là vi phạm quyền riêng tư, vi phạm quyền bí mật hình ảnh. Với bà N.L.H., người được cử đi Nepal công tác, người làm lộ bức ảnh còn vi phạm quyền công vụ.

    Về bức ảnh bị cho là chụp “tự sướng” với đống đổ nát sau động đất ở Nepal, luật sư Trọng Hải cho biết, bà H. không hề hay biết việc ai đã chụp hình ảnh của bà trong hoàn cảnh đó. Thời điểm sau khi động đất xảy ra, ai cũng cố gắng chụp thật nhiều ảnh để làm tư liệu. Cầm máy lên là bấm, thậm chí chụp cả bằng điện thoại nên không ai biết được mình lọt vào máy với tư thế nào.

    Cũng theo chia sẻ của luật sư Hải, người bảo vệ quyền lợi cho bà N.L.H. thì tất cả các thành viên trong đoàn đều ý thức được rằng, một hình ảnh chỉ là vô tình giống kiểu “tự sướng” thôi, nếu phát tán đi cũng sẽ bị nhìn nhận khác trong hoàn cảnh động đất như vậy nên tất cả cùng thống nhất, sau khi về sân bay thì gom lại để xử lý.

    Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì, bức ảnh vẫn bị lọt ra ngoài và sau đó lan truyền với tốc độ chóng mặt, làm ảnh hưởng đến danh dự, gây tổn thất nặng nề về tinh thần đối với bà N.L.H.. Luật sư Nguyễn Trọng Hải cho biết, ông đang nghiên cứu kỹ các văn bản pháp luật có liên quan để lên tiếng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bà N.L.H..

    Một cách nào đó, đánh giá con người có lẽ là qua cách người đó chụp ảnh…

    KHIÊM NGUYỄN

    Theo mình nghĩ, nếu như để cử đoàn sang học hỏi thì nên chọn thanh niên là tốt nhất. Đơn giản là tuổi trẻ họ tiếp thu nhanh, thích ứng tốt, sức khỏe tốt và ít ra còn có thể nói tiếng Anh. Không phải tự nhiên cộng đồng người ta chỉ trích, lên án, cái gì cũng phải có cái lý của nó. Nhưng những hành động của đoàn viên trong hội thật là vô lý. Cả đoàn với cái tên “hội Chữ thập đỏ" sang nước bạn học hỏi, thấy nước bạn gặp nạn thì tháo chạy về nước, quá buồn cười.

    NGỌC THUỶ

    Cái gì cũng nên nhìn nhận từ hai phía. Nó không đơn thuần là cái mình thấy. Mình chả đánh giá, phán xét gì chỉ dựa vào bức ảnh này, nếu không thì tội người ta lắm, đã bị vậy, rồi biết đâu lại bị oan thì sao.

    PHẠM VĂN THANH

    Một phút vô tình thôi, chứ làm gì mà “ác ý cười trên nỗi đau của người khác”. Thế mới biết là nên “ăn trông nồi, ngồi trông hướng”, kẻo không lại bị đánh giá là vô duyên.

    MỘC MIÊN

    Mọi người cứ hùa nhau chỉ trích họ trong khi không biết sự tình như thế nào. Theo suy nghĩ của mình thì họ đi học tập kinh nghiệm, giống như bạn đi tham quan vậy đó thì kim tiêm, thuốc thang đâu ra. Chúng ta qua đó tham quan học tập, không có trang bị gì hết, trong khi bên đó có thể sẽ còn rất nhiều dư chấn nguy hiểm khác, họ không đồng ý cho chúng ta ở lại là đúng rồi. Đặt mình vào hoàn cảnh của họ đi, nếu là mình ở trường hợp của họ có lẽ đang rất thất vọng, buồn và mệt mỏi thì làm sao làm tiếp công việc này đây.

    NGỌC HẢI

    KIM THOA

    Xem thêm clip: Người dân Nepal và những ký ức kinh hoàng sau trận động đất lịch sử

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/su-that-anh-tu-suong-tai-nepal-cua-nu-can-bo-chu-thap-do-a93343.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan