+Aa-
    Zalo

    Sự sáng tạo của đối ngoại biên phòng

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Mô hình “Kết nghĩa cụm dân cư hai bên biên giới” giữa nước ta với các nước láng giềng do Bộ tư lệnh Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tổ chức đang được triển khai có hiệu quả.

    Cùng nhau bảo vệ đường biên giới chung, cùng giải quyết những sự việc phức tạp nảy sinh, cùng đấu tranh phòng chống tội phạm, cùng chung tay xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc…, đó là hiệu quả rất cụ thể của mô hình “Kết nghĩa cụm dân cư hai bên biên giới” giữa nước ta với các nước láng giềng triển khai. Mô hình sáng tạo này do Bộ tư lệnh Bộ đội Biên phòng (BĐBP) đề xướng và tổ chức thực hiện trong 10 năm qua.

    Một chủ trương đúng đắn

    Nhân dân khu vực biên giới nước ta với các nước láng giềng (Trung Quốc, Lào, Cam-pu-chia) đa số có mối quan hệ dân tộc, thân tộc từ nhiều đời nên quan hệ của họ rất gắn bó. Đó là điều kiện thuận lợi cho công tác xây dựng, bảo vệ biên giới, giữ gìn an ninh trật tự… nếu biết phát huy. Song, đó cũng là những thách thức, khó khăn, nếu lòng dân không thuận.

    Mặt khác, do trình độ dân trí chưa cao, một bộ phận nhân dân nhận thức về quốc gia, quốc giới còn hạn chế nên việc qua lại thăm thân, xâm canh, xâm cư, cho thuê mướn ruộng rẫy, đất đai chưa tuân thủ quy định của pháp luật mà chỉ theo luật tục, thói quen, phong tục tập quán. Một số tệ nạn xã hội khác như rượu chè, cờ bạc, trộm cắp… làm nảy sinh nhiều vấn đề xã hội phức tạp, gây ảnh hưởng không nhỏ đến an ninh trật tự ở khu vực biên giới, cũng như công tác quản lý, bảo vệ biên giới của hai nước.

    Để tập hợp, phát huy thế mạnh của tình đoàn kết gắn bó giữa nhân dân hai bên biên giới vào sự nghiệp quản lý, xây dựng và bảo vệ biên giới, Bộ tư lệnh BĐBP đã chỉ đạo thực hiện mô hình “Kết nghĩa cụm dân cư hai bên biên giới”. Qua đó kết nối bà con ở các thôn, bản hai bên biên giới, cùng chung vai giữ vững ổn định chính trị, an ninh trật tự khu vực biên giới.

    Việc khai thác, phát huy truyền thống đoàn kết, quan hệ thân tộc, đồng tộc của bà con, kết hợp huy động sức mạnh tổng hợp của các cấp, các ngành, các lực lượng, nhằm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia là việc làm có ý nghĩa hết sức quan trọng.

    Ngày 4/1/2005, lễ kết nghĩa đầu tiên được tổ chức giữa bản Ka Tăng, thị trấn Lao Bảo, Hướng Hóa, Quảng Trị (Việt Nam) với bản Đen-sa-vẳn, huyện Sê-pôn, tỉnh Xa-vẳn-na-khệt (Lào) với tên gọi “Kết nghĩa bản - bản hai bên biên giới”. Quảng Trị là địa phương đi đầu trong phong trào này và đã hoàn thành kết nghĩa 23 cặp thôn, bản hai bên biên giới với hai tỉnh Xa-la-van và Xa-vẳn-na-khệt của Lào vào tháng 9/2010.

    Tính đến thời điểm hiện tại, trên toàn tuyến biên giới Việt - Lào đã có 48 cặp thôn, bản kết nghĩa. Đại tá Thoong Đeng Khăm Phí Thun, Phó giám đốc Công an tỉnh Bô-li-khăm-xay (Lào) cho biết, mô hình “Kết nghĩa cụm dân cư hai bên biên giới” là một chủ trương đúng đắn, phù hợp với nguyện vọng của nhân dân, đồng thời khẳng định vị trí, vai trò to lớn của nhân dân ở khu vực biên giới trong phối hợp quản lý và bảo vệ biên giới quốc gia của mỗi nước.

    Từ thành công của mô hình này trên tuyến biên giới Việt - Lào, Bộ tư lệnh BĐBP đã rút kinh nghiệm và nhân rộng trên toàn tuyến biên giới đất liền Việt Nam - Trung Quốc và Việt Nam - Cam-pu-chia. Trên tuyến biên giới Việt Nam - Trung Quốc, Lào Cai là địa phương đầu tiên tổ chức kết nghĩa thôn, bản hai bên biên giới với phía bạn. Mở đầu là lễ kết nghĩa giữa thôn Cốc Phương, xã Bản Lầu, huyện Mường Khương và tổ Tam Bình Bá, thôn Long Bảo, thị trấn Nam Khê, huyện Hà Khẩu, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc vào ngày 17/8/2013.

    Sự sáng tạo của đối ngoại biên phòng
    Ngày 24/12/2013, tại thôn Lao Chải (xã Y Tý, huyện Bát Xát, Lào Cai), Trưởng thôn Lao Chải và Trưởng thôn Địa Tây Bắc (Ma Ngan Tý, Kim Bình, Vân Nam, Trung Quốc) ký kết biên bản kết nghĩa. Ảnh: T.D

    Đến nay đã có 3 cặp thôn, bản trên tuyến biên giới này được ký kết. Phát huy hiệu quả của mô hình kết nghĩa cụm dân cư, lực lượng bảo vệ biên giới hai nước Việt Nam và Trung Quốc cũng đã ký kết mô hình hợp tác “Đồn - trạm hữu nghị, biên giới bình yên”, “Đồn - trạm hữu nghị, cửa khẩu hài hòa” ở các đơn vị của BĐBP tỉnh Quảng Ninh, Lạng Sơn, Lào Cai… với các đơn vị của bạn, nhằm vun đắp tình hữu nghị, sự hiểu biết và tin cậy lẫn nhau; góp phần tăng cường quan hệ “đối tác hợp tác chiến lược toàn diện” Việt Nam - Trung Quốc theo “phương châm 16 chữ” và “tinh thần 4 tốt”. Trên tuyến biên giới Việt Nam - Cam-pu-chia, các tỉnh Gia Lai, Long An, An Giang, Kiên Giang cũng đã tổ chức các hoạt động kết nghĩa thôn, bản với các địa phương giáp biên.

    “Tối lửa tắt đèn” có nhau

    Qua các hoạt động kết nghĩa, với sự trao đổi qua lại, nhận thức của đồng bào các dân tộc sống hai bên biên giới về chủ quyền lãnh thổ, ý thức quốc gia, quốc giới, cũng như việc chấp hành các quy định của Hiệp định về quy chế biên giới, pháp luật của mỗi nước được nâng lên rõ rệt.

    Nhân dân tích cực tham gia với lực lượng bảo vệ biên giới của mỗi bên, tuần tra bảo vệ đường biên, cột mốc, cùng giải quyết các vụ việc xảy ra thấu tình đạt lý nhưng vẫn đúng Hiệp định, Quy chế biên giới và pháp luật của mỗi nước. Nhân dân hai bên biên giới có nhiều thuận lợi trong việc giao lưu văn hóa, qua lại thăm thân, mua bán, trao đổi hàng hóa, giúp nhau phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội; hỗ trợ nhau về lực lượng lao động, giống cây trồng vật nuôi, kinh nghiệm làm ăn, ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất; hoặc giúp nhau phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai…

    Ngoài việc vận động bà con tổ chức kết nghĩa, BĐBP các tỉnh, các đồn biên phòng đã phối hợp với các cơ quan ban, ngành địa phương có nhiều hoạt động ủng hộ, giúp đỡ nhân dân hai bên biên giới, như: Khám, chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí, làm đường giao thông liên thôn, bản…

    Đại tá Xỉ Phăn Phụt Thạ Vông, Cục trưởng Cục Biên giới và Bản đồ, Bộ Tổng tham mưu Quân đội nhân dân Lào cho biết, việc triển khai thực hiện mô hình “Kết nghĩa cụm dân cư hai bên biên giới” là một chủ trương đúng đắn của Bộ tư lệnh BĐBP. Qua việc thực hiện kết nghĩa, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân Lào ở vùng giáp biên đã được nâng lên rõ rệt. Bà con đã được BĐBP các tỉnh, cũng như nhân dân biên giới của Việt Nam hỗ trợ, giúp đỡ về vật chất, được giúp đỡ xây dựng nhà ở, được hướng dẫn về phương pháp sản xuất, khi ốm đau được khám bệnh và cấp thuốc miễn phí.

    Thời gian qua, các tỉnh A-tạ-pư, Sê-kông, Xa-la-van bị ảnh hưởng nghiêm trọng của thiên tai, Bộ Chỉ huy BĐBP các tỉnh tiếp giáp cũng đã cử cán bộ sang giúp bà con khắc phục hậu quả và ổn định cuộc sống. Có thể nói, mô hình này đã góp phần thắt chặt tình đoàn kết gắn bó lâu đời của nhân dân hai bên biên giới.

    Đồng thời, sự gắn kết đó cũng giúp cho lực lượng bảo vệ biên giới hai nước kịp thời giải quyết những vụ việc xảy ra. Đại tá Xỉ Phăn Phụt Thạ Vông cho biết thêm, Cục Biên giới và Bản đồ, Bộ Tổng tham mưu QĐND Lào và Bộ tư lệnh BĐBP Việt Nam đã thống nhất chủ trương tiếp tục mở rộng kết nghĩa các cụm dân cư mới và mở rộng đến việc kết nghĩa giữa đồn biên phòng (Việt Nam) và đại đội biên phòng (Lào).

    Sau gần 10 năm thực hiện, mô hình “Kết nghĩa cụm dân cư hai bên biên giới” đã tạo chuyển biến quan trọng trong nhận thức của các cấp, các ngành và nhân dân hai bên biên giới về chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, phát huy được sức mạnh quần chúng trong xây dựng, quản lý, bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới của mỗi nước. Các hoạt động đối ngoại biên phòng, đối ngoại nhân dân đã được tăng cường và mở rộng cả về hình thức và nội dung nhằm xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của mỗi nước.

    Có thể khẳng định, mô hình “Kết nghĩa cụm dân cư hai bên biên giới” thể hiện sự sáng tạo trong công tác đối ngoại biên phòng của lực lượng BĐBP trong tình hình mới, góp phần quan trọng bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới quốc gia, và ngày càng khẳng định là một “kênh” đối ngoại rất quan trọng giữa các nước có chung đường biên giới.

    H.T(theo QĐND)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/su-sang-tao-cua-doi-ngoai-bien-phong-a23976.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan
    Video: Bộ đội biên phòng hết mình vì dân trong vùng lũ

    Video: Bộ đội biên phòng hết mình vì dân trong vùng lũ

    (ĐS&PL) - Ngoài việc cứu dân, giúp dân trong lũ dữ, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Tĩnh đã trao trên 350 suất quà, tổng trị giá 830 triệu đồng cho bà con nhân dân vùng lũ huyện Hương Sơn. Bên cạnh đólực lượng này đã kêu gọi, huy động được hơn 2 tỷ đồng tiền cứu trợ từ các đơn vị, doanh nghiệp, hướng về vùng lũ.